Phân tích vụ cô giáo bị học sinh nhốt, ném dép

(PLO)- Theo chuyên gia, cả giáo viên và học sinh trong trường hợp này đều sai. Cả hai cần được nhìn nhận, đánh giá sao cho thấu tình, đạt lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến sự việc một giáo viên (GV) bị học sinh (HS) nhốt, xúc phạm, ném dép, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo xác minh, làm rõ và thông báo kết quả về bộ trước ngày 29-12. Trên cơ sở đó sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan.

Cả giáo viên và học sinh đều có lỗi

Ngày 5-11, mạng xã hội xôn xao trước một clip về một nhóm học sinh quây GV vào góc lớp, chửi tục, có em còn ném dép vào người cô. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện thêm một đoạn clip thứ hai ghi lại cảnh cô giáo trên cầm dép đuổi đánh học sinhdiễn ra trong lớp học. Hiện chưa rõ hành động này của cô giáo xảy ra trước hay sau những hành vi không chuẩn mực của học trò.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết đây là một vụ việc đáng tiếc, đáng buồn, không ai muốn nhưng đã xảy ra trong môi trường học đường. Cả GV và các học sinh đều có lỗi.

học sinh
Một nam sinh có lời lẽ không đúng mực với cô giáo. (Ảnh cắt từ clip)

Theo ông Ngai, lãnh đạo nhà trường cần phải nhanh chóng tìm hiểu kỹ sự việc, có phương án giải quyết nghiêm minh theo quy định hiện hành, kịp thời, phù hợp với từng đối tượng.

Đối với các học sinh, các em đã quá sai khi hành xử và đối xử với GV của mình như vậy. Nhà trường tùy theo sai phạm của từng em nên có hình thức phạt thích hợp trên tinh thần giúp các em thấy được những sai phạm; giúp đỡ, theo dõi, giám sát các em trong quá trình nỗ lực khắc phục sửa chữa để tiến bộ.

Theo ThS Lê Minh Huân, gia đình, nhà trường và xã hội phải giữ được vai trò giáo dục đinh cốt của riêng mình và khéo léo phối hợp với nhau trong việc giáo dục nhân cách để nhân cách trẻ phát triển trọn vẹn. Chỉ khi thật sự công bằng, công tâm nhìn nhận vấn đề thì ba lực lượng giáo dục mới đủ lực để thay đổi cục diện và nhân cách của trẻ sau các sự cố không mong muốn như vụ việc vừa qua.

“Cần giáo dục để chỉ ra cái sai và có yêu cầu để khắc phục sửa chữa” - ông Ngai nói thêm.

Cũng theo ông Ngai, đối với GV, phải tổ chức kiểm điểm theo quy định hiện hành trên tinh thần giúp cô nhận thức được cái sai và có phương hướng khắc phục, sửa chữa để tiến bộ, không tái phạm. Nghề giáo là nghề đặc thù. Đã chọn nghề giáo thì từ lời nói, hành vi, cử chỉ của người thầy trong nhà trường đều mang tính chất giáo dục, nghĩa là phải làm gương cho trẻ.

Nguyên nhân do đâu?

ThS Lê Minh Huân, nguyên giảng viên khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng công bằng mà nói cả GV và HS trong trường hợp này đều sai.

Thứ nhất, GV cần kiểm soát hành vi và cảm xúc của mình để giữ được tính mô phạm/mẫu mực… hành động đáp trả HS khá “trẻ nít” như việc cầm dép ném hoặc rượt đuổi học sinh vì tức giận chỉ càng làm tổn hại đến vai trò, vị thế của cô, giảm sự tôn trọng của học sinh , phụ huynh.

Thứ hai, hành vi sai phạm của nhóm HS cần phải được xử lý nghiêm, nếu không sẽ “bắc thang” cho học sinh leo cao hơn! Phạm vi hành xử của học sinh không được vượt quá giới hạn đến mức công khai xúc phạm GV, dùng cây/gậy hoặc bất kỳ vật dụng gì với ý đồ tổn hại tinh thần/thể chất của người giữ trách nhiệm giáo dục và dạy dỗ mình.

w-P12_hoc-sinh-nem-dep 2.jpg
Cảnh cô giáo rượt đuổi học sinh.(Ảnh cắt từ clip)

Học sinh cần được uốn nắn về lời nói, thái độ và hành vi của bản thân khi nóng giận, ức chế tinh thần và không được phép “kết nhóm” nhắm đến bất kỳ người nào khác, đặc biệt là các nhà sư phạm, giáo dục.

Thứ ba, ban giám hiệu nhà trường rất cần công tâm nhìn nhận và dám chịu trách nhiệm trước mối quan hệ ứng xử cô - trò trong vụ việc này.Ban giám hiệu có nhận thấy các dấu hiệu bất ổn từ trước và rốt ráo chấn chỉnh GV, giáo dục học sinh một cách sát sao chưa?

Hội đồng sư phạm và các đồng nghiệp thờ ơ hay quan tâm đến đồng nghiệp hay chưa? Việc ứng xử còn “ngây ngô, non nớt” của đồng nghiệp có được đánh giá đúng và có sự hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nào không? Hành vi nông nổi, thái độ bất kính của HS lớp này do đâu, do giáo dục gia đình góp phần lớn hay do nhà trường chưa chú trọng “dạy người” thông qua các giờ học, các giờ dạy kỹ năng sống, sinh hoạt trước cờ…

Cần đánh giá toàn diện

Trong sự việc trên, học sinh đã thiếu kỹ năng, nhận thức pháp luật cũng như kiểm soát an toàn trên không gian mạng. Các em thiếu kỹ năng hành xử phi bạo lực với người lớn, trong đó có cô giáo dạy mình. Về phía cô giáo thì cũng có hành vi chưa chuẩn mực. Nhưng bất kể lý do gì thì hành vi mang tính tập thể của HS như vậy là không thể chấp nhận. Diễn biến trên lớp học cho thấy cô giáo âm nhạc này đã rất cô đơn, đơn độc. Sự việc diễn ra mà không thấy sự vào cuộc kịp thời của nhà trường, cha mẹ học sinh.

Đối chiếu theo quy chuẩn đạo đức nghề giáo thì bóc tách riêng hành vi của cô giáo là không đẹp. Đối với các học sinh, các hành vi tấn công bằng ngôn ngữ và cơ thể với cô giáo là không thể chấp nhận được, nhất là khi diễn ra ngay trong môi trường giáo dục. Sự việc trên cho thấy chất lượng giáo dục, môi trường giáo dục ở ngôi trường này đang có những khiếm khuyết lớn, cần mổ xẻ, đánh giá toàn diện.

PGS-TS TRẦN THÀNH NAM,
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội

XUÂN NGUYỄN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm