Nóng trong tuần

Cần xử nghiêm người môi giới mua bán thận

(PLO)- Bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng mở rộng điều tra và xử nghiêm những người môi giới mua bán thận.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, loạt bài điều tra “Thâm nhập đường dây mua bán thận ở TP.HCM” do PV báo Pháp Luật TP.HCM thực hiện đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Loạt bài điều tra ghi nhận đường dây mua bán tạng tại TP.HCM với quy mô lớn đã gây ảnh hưởng đến tính nhân đạo của việc cho, hiến tặng mô, tạng.

P10_anh-ghep.jpg
Các bài điều tra về đường dây mua bán thận ở TP.HCM do PV báo Pháp Luật TP.HCM thực hiện. Ảnh: PV

Ngay sau khi báo khởi đăng loạt bài, Công an TP.HCM đã bắt giữ Bùi Tiến Lực, Trần Văn Phong và một người tên Hải để điều tra hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Ba người bị bắt là những thành viên trong đường dây mua bán thận mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong tuyến bài điều tra.

Một số bạn đọc đã đề nghị cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra và xử nghiêm những người môi giới mua bán thận.

Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người còn sống chỉ được thực hiện đối với người đã đăng ký hiến tạng.

Hiến tặng thì không có sự đổi chác

Bạn đọc Trần Thành bình luận: “Cảm ơn nhóm PV điều tra đã vạch trần đường dây mua bán thận này. Vẫn biết có cầu thì sẽ có cung, thế nhưng đây là sức khỏe của một con người, không thể mang ra rao bán bằng tiền. Đã gọi là hiến tặng thì phải trên tinh thần tình nguyện, không có sự đổi chác ở đây. Mong rằng các cơ quan vào cuộc quyết liệt để triệt phá đường dây này”.

“Tôi là một bệnh nhân từng được ghép thận. Khi chưa được ghép thận, tôi chỉ muốn tìm một quả thận ghép để được sống theo đúng nghĩa là cuộc sống chứ không phải sinh tồn. Và nếu việc ghép thận chỉ để duy trì cuộc sống cho bản thân mình mà người khác phải đánh đổi sức khỏe thì cũng không vui vẻ gì. Pháp luật Việt Nam rất nhân văn khi nghiêm cấm việc mua bán thận, nội tạng người để không có tình trạng đổi sức khỏe để lấy tiền hoặc ngược lại” - bạn đọc TH nêu.

Bạn đọc Hảo Nguyễn ý kiến: “Việc mua bán thận là một hành vi vi phạm pháp luật và cần phải lên án. Thế nhưng cần xem xét ở góc độ người bệnh cũng có quyền khát khao được sống. Có những trường hợp tất cả người thân muốn hiến thận nhưng không tương thích thì phải nhận từ người ngoài, điều này là nguyện vọng chính đáng và được pháp luật quy định rõ. Nhưng việc hiến tạng phải trên tinh thần tự nguyện, không có sự trao đổi tiền bạc mà chỉ là kinh phí hỗ trợ người hiến. Đọc bài báo, tôi không giận người mua và người bán thận mà tôi rất bức xúc những kẻ môi giới vì họ đã kinh doanh trên sức khỏe, tính mạng của người khác thật quá tàn nhẫn. Đề nghị pháp luật cần xử lý mạnh tay những người môi giới bán thận này”.

Sở Y tế TP.HCM tăng cường kiểm tra hoạt động ghép tạng

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và phát triển chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực ghép mô, bộ phận cơ thể người, đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật, Sở Y tế TP.HCM đã rà soát các hoạt động trong lĩnh vực ghép tạng tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.

Sở Y tế TP.HCM còn triển khai văn bản nhắc nhở các BV tiếp tục tuân thủ những quy định pháp luật liên quan đến hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Bên cạnh đó, các BV cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến người bệnh, thân nhân của người bệnh và nhân viên y tế những quy định pháp luật.

Sở còn yêu cầu các BV tư vấn, hướng dẫn những thủ tục cho thân nhân của người bệnh khi có nhu cầu, nguyện vọng hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người. Đồng thời, thu thập thông tin của người bệnh có nhu cầu được ghép tạng để có kế hoạch điều trị kịp thời, hiệu quả; tuân thủ quy trình chuyên môn kỹ thuật và những hoạt động liên quan đến mô, tế bào gốc.

Sở Y tế TP.HCM kiên quyết lên án các hành vi mua bán có liên quan đến mô, bộ phận cơ thể người. Sở kêu gọi người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Bên cạnh đó, lên án và tố giác các hành vi vi phạm về hiến, ghép bộ phận cơ thể người đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

TS-BS NGUYỄN ANH DŨNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Phạt tù đến chung thân nếu mua bán thận

Từ loạt bài trên, một số bạn đọc cũng thắc mắc hành vi của người mua và người bán thận sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định một số hành vi cấm. Cụ thể, hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người; mua bán xác; lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại là một trong những hành vi bị cấm.

Nếu người nào vi phạm một trong những hành vi nêu trên có thể bị xử lý hình sự.

Tại Điều 154 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Theo đó, người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác tùy vào mức độ phạm tội mà bị phạt tù từ ba năm đến chung thân.

Cũng theo luật sư Hoan, tại Điều 1 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định rất rõ việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người phải được tổ chức và hoạt động thông qua Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Theo đó, người có đủ điều kiện hiến tạng, mô, bộ phận cơ thể người có thể thông báo đến bệnh viện (BV) và BV có trách nhiệm thông báo đến trung tâm này về việc hiến tạng. Trên cơ sở đó, BV sẽ gặp trực tiếp người hiến để tư vấn và thông tin các thông tin liên quan đến việc lấy, hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Đồng thời, chỉ những cơ sở y tế được quy định tại Điều 16 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác mới có quyền lấy mô, bộ phận cơ thể người còn sống. Ngoài ra, việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người còn sống chỉ được thực hiện đối với người đã đăng ký hiến tạng. Đối với những trường hợp khác thì phải làm theo đúng quy định.

“Đối với quy trình hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người hiện nay, luật quy định khá đầy đủ. Nếu như cơ sở y tế thực hiện chặt chẽ những quy định thì việc mua bán thận, nội tạng sẽ rất khó xảy ra” - luật sư Hoan nhận định.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm