Lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều tài xế xe cứu thương hoặc xe được ưu tiên qua các chốt kiểm soát phòng chống dịch đã tổ chức chở người về quê có thu phí. Các hành vi này gây nguy hiểm cho xã hội vì có nguy cơ làm tăng lây nhiễm dịch bệnh trên diện rộng.
Xe “luồng xanh”, xe từ thiện thu phí chở người
Như PLO đã đưa tin, chiều 10-8, Công an quận 1 (TP.HCM) phát hiện một ô tô có dán nội dung “Bếp Cơm Thiện Nguyện Mãn Tự VeGan, xe hỗ trợ phòng chống dịch” nhưng thực chất là nhận chở người từ TP.HCM về quê.
Tài xế Hồ Lê Tấn Phát (31 tuổi, ngụ quận 1) khai nhận dán tấm bảng “xe thiện nguyện” để qua mặt các chốt kiểm soát COVID-19. Người đi xe phải trả từ 5 triệu đồng/người tùy thuộc tỉnh gần hay xa. Tại thời điểm bị phát hiện, năm người được chở trên xe đều không xuất trình được các giấy tờ ra đường có lý do chính đáng theo quy định.
Người dân mặc đồ bảo hộ chuẩn bị lên những chuyến xe miễn phí để rời tâm dịch TP.HCM về quê nhà Phú Yên. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Tối 9-8, Công an TP Cần Thơ cho biết vừa phát hiện tài xế Đào Thanh Đạt dùng xe “luồng xanh” để vận chuyển người trái phép từ TP.HCM về TP Cần Thơ với giá 3,5 triệu đồng.
Qua kiểm tra, tài xế Đạt có giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” - loại xe để vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội; vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19...) và các giấy tờ liên quan khác. Sau khi lập biên bản, Công an huyện Cờ Đỏ tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm của tài xế.
Sở GTVT TP.HCM đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Ngày 12-8, lãnh đạo Sở GTVT cho biết đã ban hành văn bản đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đối với loại xe cứu thương “trá hình” theo Nghị định 100/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm. Sở cũng yêu cầu Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kiểm tra rà soát, chấn chỉnh đội ngũ tài xế taxi thuộc quản lý của đơn vị mình nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách bệnh nhân, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực các bệnh viện. |
Truy cứu hình sự khi chở người mắc dịch bệnh
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hiện nay Sở GTVT TP.HCM và một số địa phương đang có dịch chỉ phối hợp và cấp phép đưa người dân về quê đối với trường hợp được UBND các địa phương đồng ý tiếp nhận người có nhu cầu cấp thiết về quê. Do đó, việc nhiều tài xế lén lút chở người từ vùng dịch là hành vi vô cùng nguy hiểm trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Với hành vi vi phạm này, tài xế điều khiển xe và cả các cá nhân tự ý thuê xe về quê có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020 với mức phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Đồng quan điểm, TS Phan Anh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích thêm: Nếu xe có người mắc COVID-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh thì người điều khiển phương tiện chở người từ vùng dịch về quê không đúng quy định và cả người bị nhiễm COVID-19 có thể bị xử lý hình sự theo Điều 240 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
TS Phan Anh Tuấn nhấn mạnh hành vi chở người từ vùng dịch về quê không đúng quy định phải có hậu quả “làm lây lan dịch bệnh” thì mới bị xem xét xử lý hình sự.
Xe gắn mác “từ thiện” nhận chở người sẽ bị xử lý ra sao? Cả luật sư Nguyễn Văn Hậu và TS Phan Anh Tuấn đều cho rằng hành vi chủ xe, người điều khiển phương tiện tự ý chở người dân từ vùng dịch về quê và gắn mác “xe từ thiện” để qua mắt lực lượng chức năng được xem là một tình tiết tăng nặng khi xử hành chính và hình sự. Về hành chính, theo điểm g khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì đây được xem là hành vi lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm hành chính. Nếu hành vi vi phạm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì việc gắn mác “xe từ thiện” để qua mắt lực lượng chức năng có thể bị áp dụng các tình tiết tăng nặng là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội và dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để phạm tội. |