Căng thẳng Mỹ-Trung gợi nhớ ‘Bức màn sắt’

Tờ Bloomberg mới đây cho biết trong khi bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhằm vào Trung Quốc (TQ) hôm 4-10 đã trở nên nhạt nhòa tại Mỹ vì chương trình nghị sự ưu tiên những vấn đề nóng hơn thì tại Bắc Kinh, những thông điệp cứng rắn của Washington vẫn còn nóng bỏng.

Hồi tưởng “Bức màn sắt”

Theo Bloomberg, giới nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Bắc Kinh so sánh bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence với những lời lẽ được mệnh danh là “Bức màn sắt” của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill vào năm 1946 tại ĐH Westminster ở Fulton, Missouri - trở thành một trong những bài phát biểu nổi tiếng nhất của thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Theo trang History.com, trong bài phát biểu của mình, ông Churchill đã lên án chính sách của Liên Xô tại châu Âu vào thời điểm đó và tuyên bố: “Từ Stettin ở Baltic tới Trieste ở Adriatic, một bức màn sắt đã buông xuống trên khắp lục địa”. Những ngôn từ đanh thép này được xem là một trong những phát súng mở đầu cuộc Chiến tranh lạnh. Đáp lại, nhà lãnh đạo Liên Xô bấy giờ, Joseph Stalin, đã lên án bài phát biểu là “kêu gọi chiến tranh” và coi lời nhận xét của Churchill về “thế giới nói tiếng Anh” là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc kiểu đế quốc.

Hơn 70 năm sau khi “Bức màn sắt” của Churchill được công bố, giới quan sát đang cố gắng phân tích xem liệu bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence nhằm vào TQ, đối thủ lớn nhất của Mỹ hiện nay, có khả năng đánh dấu bước ngoặt một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Phát biểu tại Viện Hudson ở Washington, ông Pence cáo buộc chính phủ TQ đã tiến hành chiến dịch làm xói mòn lợi ích ngành công nghiệp của Mỹ, đồng thời tạo ảnh hưởng để cử tri Mỹ rời bỏ đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Phó tổng thống Mỹ còn cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách đẩy quân đội Mỹ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương, đồng thời mua chuộc các nước Mỹ Latin bằng “ngoại giao nợ”.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: BLOOMBERG

Và cách tiếp cận khác nhau

Tại Mỹ, bài phát biểu được xem là đanh thép nhất kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng nhằm vào TQ được giới quan sát cho rằng hướng vào bầu cử. Lời lẽ tấn công TQ của ông Pence được cho là nhằm đánh lạc hướng các chỉ trích của phe Dân chủ nhằm vào ông Trump trong thời gian qua.

Tuy nhiên, tại TQ, các thông điệp của ông Pence lại củng cố nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng cả hai nước đang bước vào một cuộc xung đột kéo dài và Mỹ sẽ sử dụng tất cả công cụ kinh tế, quân sự để gia tăng sự cạnh tranh trước sức mạnh và sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Thực tế là hai cường quốc, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn và nên tăng cường trao đổi, hợp tác, cũng như có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao TQ  VƯƠNG NGHỊ 

Wang Wen, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu tài chính Chongyang (trực thuộc ĐH Renmin, Bắc Kinh), là một trong những người cảnh báo tác động to lớn từ những lời chỉ trích của ông Pence với Bắc Kinh trong vấn đề thương mại, điệp viên kinh tế hay các vấn đề an ninh lâu dài tại Đài Loan. “Chúng ta đang ở giai đoạn tình trạng nghiêm trọng đạt đến đỉnh điểm” - ông Wang nói với Bloomberg News. Tuy nhiên, ông Wang cũng cho rằng “chất lượng bài phát biểu của ông Pence thấp hơn nhiều” so với bài phát biểu “Bức màn sắt” vào năm 1946.

Các quan chức TQ cũng cho rằng có những khác biệt giữa hai bài phát biểu. Ví dụ, ông Pence phần lớn bày tỏ không hài lòng với TQ nhưng không đưa ra chiến lược lớn nào chống lại Bắc Kinh.

Trong khi đó, Dennis Wilder, cựu giám đốc cấp cao phụ trách khu vực châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền George W. Bush, cho rằng phát biểu của ông Pence có ý nghĩa rất nhiều đối với các cử tri trong nước. Đồng thời, vị này cho rằng nó cũng chuyển một thông điệp đến chính quyền Bắc Kinh rằng đã đến lúc thông báo cho TQ biết Mỹ đã sẵn sàng cạnh tranh với TQ trên nhiều mặt trận khác nhau, tất nhiên không chỉ thương mại mà còn an ninh, ngoại giao.

Khả năng Mỹ-TQ bước vào giai đoạn căng thẳng toàn diện ngày càng gia tăng khi Washington và Bắc Kinh vẫn chưa ngừng cuộc chiến thương mại trong khi các cuộc đối thoại, đàm phán giữa hai bên ngày càng trở nên ít hơn và khó khăn hơn. Một rủi ro khả dĩ chính là các nhà lãnh đạo hai nước cho rằng nếu “xuống nước” giải quyết các tranh chấp thương mại đang xảy ra, điều đó có thể làm suy yếu vị thế của họ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng về địa chính trị giữa hai bên mà theo dự báo là không thể tránh khỏi.

Bắc Kinh “nặng nhẹ” ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ gặp phải sự phản đối của TQ trong chuyến thăm Bắc Kinh chỉ bốn ngày sau bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence. Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị trong buổi tiếp đón ông Pompeo đã có bài phát biểu đáng chú ý: “Mỹ đã phá vỡ lòng tin của chúng tôi”. Chính bản thân ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận ông và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị “cơ bản là bất đồng” trong cuộc gặp này. Trong khi đó, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình lần này đã từ chối gặp mặt ông Pompeo, không giống chuyến thăm của ông Pompeo đến TQ hồi tháng 6.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới