Đối đầu Mỹ-Trung: Đàm phán vô ích

Hôm qua (23-8), Trung Quốc (TQ) tiếp tục bổ sung mức thuế nhập khẩu 25% với hàng hóa Mỹ trị giá 16 tỉ USD nhằm trả đũa lệnh bổ sung thuế có giá trị tương đương của Mỹ với hàng TQ ngay trước đó. Như vậy, Washington và Bắc Kinh đã chính thức áp thuế lẫn nhau với tổng danh sách hàng hóa có giá trị lên mức 50 tỉ USD. Động thái leo thang này diễn ra trong bối cảnh hai nước đang bước vào các cuộc đàm phán thương mại nhằm gỡ bỏ nguy cơ diễn ra một cuộc chiến thương mại toàn diện, có tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Đàm phán chỉ làm mất thời gian

Thứ trưởng Bộ Thương mại TQ Vương Thụ Văn và Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David Malpass đã bắt đầu cuộc đàm phán hai bên kéo dài hai ngày (từ 23-8) tại Washington. Đây được xem là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên kể từ lần gặp giữa lãnh đạo thương mại hai nước thất bại hồi tháng 6 vừa qua.

Khác với cả ba lần trước, có thể thấy lần này đại diện hai bên đều ở tầm thứ trưởng, tức cấp thấp hơn. Bloomberg dẫn lời người hiểu rõ về chương trình đàm phán lần này cho biết cuộc gặp giữa ông Vương Thụ Văn và ông David Malpass dự kiến không mang lại những quyết sách quan trọng ở tầm cấp cao, thay vào đó cả hai được dự báo sẽ chỉ đưa ra tuyên bố chung, không giải quyết được cốt lõi xung đột.

Các cuộc đàm phán ở cấp độ thấp hơn như hai hôm nay tại Washington chỉ mang tính thăm dò hoặc tích cực hơn là để thu xếp những cuộc gặp ở cấp cao hơn, trong khi các khúc mắc quan trọng nhất trong quan hệ thương mại giữa hai nước hiện nay vẫn bế tắc. Chính Tổng thống Trump khi phát biểu tại West Virginia hôm thứ Tư cũng khẳng định các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước sẽ chỉ làm mất thời gian, càng làm mất hy vọng về một kết quả đột phá tươi sáng cho các cuộc gặp mặt giữa Mỹ-TQ hiện nay và thời gian tới.

Hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ biểu hiện vào năm 2019. Ảnh: Internet

Tương lai ngày càng tồi tệ

Tổng thống Trump tại West Virginia cũng nhận định nền kinh tế TQ không còn tăng trưởng ở tốc độ cao để có thể qua mặt Mỹ. “Khi tôi trở thành tổng thống, Mỹ đang theo chiều hướng cho phép TQ vượt mặt trong một giai đoạn rất ngắn. Và điều đó sẽ không còn tiếp diễn. Tôi muốn trở thành bạn của họ nhưng chúng ta phải làm những gì buộc phải làm” - ông Trump nhấn mạnh. Phát biểu này, theo Bloomberg, dường như càng làm gia tăng các lo ngại từ phía Bắc Kinh rằng chính quyền Trump muốn ngăn chặn TQ trỗi dậy.

Ông Trump có lý do để ngày càng cứng với TQ. Phản ứng nhẹ nhàng của thị trường tài chính Mỹ; tin tức tích cực về tăng trưởng kinh tế của Mỹ vào quý II-2018; vị trí lãnh đạo đảng Cộng hòa vẫn được duy trì; trong khi kinh tế TQ bắt đầu có những dấu hiệu suy yếu vài tháng qua càng khiến ông Trump quyết đoán hơn trong việc tấn công mạnh, trực diện và toàn diện hơn vào TQ.

Ngoài tấn công vào thương mại, các đạo luật về an ninh của Mỹ cũng cho thấy Washington đang đưa TQ vào một cuộc chiến lớn hơn, trong đó tầm nhìn của chính quyền Trump là củng cố vị thế Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương thông qua tăng cường quan hệ với đối tác và tấn công trực tiếp lẫn gián tiếp vào sức ảnh hưởng của Bắc Kinh. Giới quan sát gọi đó là “cuộc chiến tranh lạnh mới” nhằm tranh giành vị trí siêu cường số một thế giới giữa Mỹ và TQ.

Trong khi đó, dù sở hữu ít “lá bài” hơn nhưng ông Tập Cận Bình được dự báo vẫn có những công cụ để làm chính quyền Trump lẫn thị trường Mỹ tổn thương (dù nhẹ hơn). Các đánh đổi về tăng trưởng kinh tế mà TQ có thể đưa ra nhằm đảm bảo những tham vọng cốt lõi (ví dụ Made in China 2025), cũng như bảo vệ bộ mặt chính trị của giới chóp bu ở Bắc Kinh, cho đến nay vẫn nằm trong giới hạn cho phép đối với năng lực của cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á và thứ hai thế giới.

Theo báo cáo đánh giá của các chuyên gia phân tích thuộc tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service, “căng thẳng thương mại Mỹ-TQ nhiều khả năng ngày càng tệ đi trong năm nay, tạo áp lực đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019”. Báo cáo này cho biết thêm hầu hết tác động của các đòn tấn công thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ biểu hiện vào năm 2019. Bất kể lệnh áp thuế bổ sung nào giữa hai bên được đưa ra đều sẽ dẫn đến những hệ lụy thiệt hại hữu hình nghiêm trọng.

Chính phủ TQ hoàn toàn không nên đánh giá thấp sự cứng rắn và sẵn sàng của Tổng thống Trump trong cuộc chiến loại bỏ các hàng rào thuế quan, phi thuế quan và hạn ngạch nhằm chặn đứng tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ cưỡng ép.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng LARRY KUDLOW

Giải pháp sử dụng sức ép tối đa với logic không nhượng bộ cùng tinh thần một mất một còn đã được chứng minh không có tác dụng với TQ, đồng thời có nguy cơ vẫn tiếp tục không mang lại kết quả gì.

Hãng thông tấn TQ TÂN HOA XÃ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm