Cảnh báo nguy cơ 'vỡ bong bóng' cà phê

(PLO)- Nhiều chuyên gia cảnh báo giá cà phê Việt Nam đang diễn biến bất thường, liên tục tăng cao có thể do tình trạng đầu cơ, thổi giá như… bất động sản giai đoạn trước đây.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày cuối tháng 3, giá cà phê nhân trong nước liên tục tăng cao, vượt mức 100.000 đồng/kg. Mức giá này tương đương khoảng 4.200 USD/tấn, tức cao hơn gần 1.000 USD/tấn so với giá cà phê xuất khẩu thế giới (hiện ở mức 3.400 USD/tấn).

Giá cà phê nội địa tăng sốc, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó khiến các công ty xuất khẩu lo lắng.

Liên tục leo lên đỉnh mới

Từ đầu năm 2023 đến nay giá cà phê nhân trong nước đã có một hành trình tăng giá đáng kinh ngạc, từ mức 41.000 đồng/kg đến nay tăng gần 60.000 đồng/kg để cán mốc trên 100.000 đồng/kg.

Với mức giá cao ngất ngưởng như trên, nhiều đại lý, người trồng cà phê vui mừng nhưng các nhà xuất khẩu lại ngồi trên “đống lửa”. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Meet More Coffee, cho biết hiện các đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến của công ty đều phải tạm dừng, vì giá cà phê tăng đột biến nên càng mua càng lỗ.

Nhiều chuyên gia cảnh báo giá cà phê Việt Nam đang diễn biến bất thường, liên tục tăng cao có thể do tình trạng đầu cơ, thổi giá như… bất động sản giai đoạn trước đây.
Giá cà phê nhân tăng lên trên 100.000 đồng/kg khiến các nhà sản xuất chế biến sản phẩm cà phê hòa tan cũng gặp khó khăn. Ảnh: QUANG HUY

“Hiện chúng tôi không dám ký hợp đồng mới, với các hợp đồng đã ký thì không thể đàm phán, chấp nhận lỗ, nguy cơ mất thị trường rất lớn. Một số khách hàng quay sang mua cà phê của Ấn Độ giá rẻ hơn 1.000 USD/tấn so với giá cà phê của Việt Nam” - ông Luận chia sẻ.

Không chỉ công ty của ông Luận mà các nhà sản xuất chế biến sản phẩm cà phê hòa tan xuất khẩu cũng rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, mua vào chế biến chỉ có thua lỗ.

Cần mua ngay, bán ngay để giảm rủi ro

Ngay cả các nhà xuất khẩu cà phê nhân thô cũng chật vật vì giá cà phê trong nước tăng quá nhanh và mạnh. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (VICOFA), do các công ty cà phê cũng như ngành xuất khẩu khác như gạo, hồ tiêu… đều mua xa, bán xa. Có nghĩa là người mua và người bán thực hiện việc mua bán hàng hóa tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá thỏa thuận từ hôm nay.

Ví dụ đầu năm nhà xuất khẩu ký hợp đồng nhưng giao hàng vào tháng 3 hoặc tháng 5 cho khách hàng. Lúc ký hợp đồng, giá cà phê nhân trong nước chỉ mới 60.000 đồng/kg, giờ đến thời điểm giao hàng giá 100.000 đồng/kg doanh nghiệp (DN) mua hàng để giao cho đối tác chắc chắn lỗ nặng. Nếu không giao thì vi phạm hợp đồng, phải bồi thường cho khách hàng. “Việc giá cà phê tăng mạnh như hiện nay là điều mà không DN nào dự đoán được” - ông Hải nói.

Chủ tịch VICOFA Nguyễn Nam Hải cho rằng nguyên nhân giá cà phê trong nước tăng cao là do thiếu hụt nguồn cung. Hơn nữa, do tồn kho niên vụ cũ thấp, chỉ khoảng 20.000-30.000 tấn, trong khi bình thường tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới bao giờ cũng trên dưới 150.000 tấn.

Ngoài ra, hiện nhiều nước trên thế giới không thu hoạch cà phê, cộng thêm biến động chính trị, cước vận chuyển hàng hải quốc tế tăng do đứt gãy.

Cảnh báo không mở rộng diện tích cà phê

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, cho biết hiệp hội đã cảnh báo tình trạng khô hạn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến cà phê robusta vì loài cây cà phê này cần nhiều nước. Tình trạng này ảnh hưởng đến nhiều nước nên thiếu nguồn cung trong khi nhu cầu cà phê robusta để phối trộn của các nhà rang xay tăng. Tuy nhiên, dự báo nhu cầu chỉ tăng chỉ nhẹ 2%-3%, không có biến động lớn.

Vì vậy, hiệp hội cảnh báo nông dân không lao vào chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích cà phê ồ ạt. Về phía DN nên tự cân đối, điều tiết, mua ngắn, bán ngắn, chấp nhận lợi nhuận ít.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cũng cho hay sự bổ sung nguồn cà phê mới thu hoạch của Brazil và Indonesia được kỳ vọng sẽ cải thiện nguồn cung cà phê thế giới.

“Có thể nói giá cà phê đã tăng liên tục từ đầu năm 2023 đến nay. Giá tăng nông dân hưởng lợi nhưng hiện nay DN xuất khẩu khó” - ông Hải nói.

Trước tình hình trên, lãnh đạo VICOFA khuyến cáo các DN cần tính toán ký lại kế hoạch xuất khẩu, hạn chế tối đa hợp đồng giao xa. Với giá tăng liên tục, DN cần mua ngay, bán ngay, chấp nhận lợi nhuận ít để giữ thị trường.

Cần gói tín dụng hỗ trợ nông sản

Chuyên gia cà phê Nguyễn Quang Bình, phân tích: Thị trường đang tạo ra những yếu tố có lợi cho giá cà phê tăng giá, ví dụ khi các công ty không dám mua (vì giá quá cao - PV) để xuất khẩu khiến thị trường xuất hiện tâm lý thiếu hàng, đẩy giá cà phê tăng. Tuy nhiên, nếu xét về cung cầu thì không có thay đổi nhiều, chủ yếu do khâu phân phối cung ứng đẩy giá.

“Giới đầu cơ đẩy giá, “lướt sóng” để hưởng lợi, thương nhân nào ôm hàng lớn không bán được, giá rớt thì chịu trận” - ông Bình phân tích.

Để ngành cà phê cũng như nông sản khác không bị ảnh hưởng bởi biến động giá, ông Bình kiến nghị cần có chính sách tín dụng riêng. Cụ thể ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu, trong đó có cà phê. Chính sách này có tính “bền vững” về lãi suất, về room tín dụng, về tài sản bảo đảm… Đặc biệt chính sách này bảo đảm cho DN có vốn để mua vào khi giá cả hàng biến động mạnh.

w-P11-gia-ca-phe 3.jpg
Số lượng doanh nghiệp cà phê Việt Nam rất nhiều nhưng việc phát triển cà phê thương hiệu Việt ra thị trường thế giới còn hạn chế. Ảnh: QUANG HUY

Bởi trong thực tế, các DN đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến các DN tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết hiện nay có nghịch lý là “giá cà phê như giá vàng”. Cụ thể là giá cà phê trong nước tăng đột biến, cao hơn 1.000 USD/tấn so với giá cà phê xuất khẩu trên sàn thế giới.

Đây là sự tăng giá bất thường, có sự đầu cơ, thổi giá liên tục, mua qua, bán lại giữa các khâu trung gian chứ không có sự tham gia của DN sản xuất chế biến. Điều này có nguy cơ khiến giá cà phê “vỡ bong bóng” như từng xảy ra với bất động sản.

Do đó, ông Luận cho rằng cần có sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng và các DN lớn phải ngồi lại với các bộ, ngành liên quan để làm rõ, đưa ra được giải pháp gỡ khó cho sản xuất chế biến xuất khẩu. “Sự điều hành của cơ quan quản lý rất quan trọng như cảnh báo, điều tiết thị trường giá cả, nhất là những thời điểm biến động giá bất thường” - ông Luận nói.

Tạo danh tiếng cho cà phê Việt

Theo số liệu mới nhất của Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 3-2024, xuất khẩu cà phê đạt gần 799.000 tấn, giá trị 1,9 tỉ USD.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để đạt được 5 tỉ USD xuất khẩu cà phê, Việt Nam cần phát triển cà phê đặc sản, đầu tư xây dựng thương hiệu để tăng giá trị gia tăng và tạo danh tiếng cho cà phê Việt.

Ông Nguyễn Tấn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH K-Pan, chuyên gia rang và pha chế thủ công, cho rằng trên thế giới, sự phát triển của cà phê đặc sản đã có từ rất lâu và hiện nay đã trở thành một thị trường ổn định, có giá trị rất lớn. Cà phê đặc sản thường có giá cao hơn cà phê thương mại thông thường 2-4 lần.

Tuy nhiên, các trang trại cà phê đặc sản ở Việt Nam lại chưa liên kết hoặc phát triển cùng nhau. Đây chính là yếu tố cản trở đến tương lai phát triển của cà phê đặc sản Việt.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli, thông tin: Hiện nay, trung bình mỗi tỉnh, TP ở Việt Nam có khoảng 100 DN cà phê, riêng TP.HCM có khoảng 2.000 DN. Tính chung, cả nước có khoảng 10.000 DN cà phê.

Số lượng DN cà phê rất nhiều nhưng việc phát triển cà phê thương hiệu Việt ra thị trường thế giới còn hạn chế.

“Trong nhiều năm nay, tôi đi khoảng 100 nước trên thế giới và thấy rất ít thương hiệu cà phê Việt Nam, đâu đó gặp thương hiệu cà phê Trung Nguyên trên quầy kệ siêu thị một số nước. So với Thái Lan, Malaysia thì độ bao phủ và thị trường của các thương hiệu cà phê Việt Nam rất hạn chế” - ông Hưng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm