Ông Trần Văn Bích, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, Việt Nam đã ban hành chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Việt Nam cam kết đến năm 2030 chấm dứt nạn phá rừng, năm 2040 loại bỏ dần nhiệt điện than, năm 2050 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0…
TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, sự phát triển của thành phố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cả nước về kinh tế xanh. Do đó, đặt ra yêu cầu cho TP.HCM có khung chiến lược riêng về phát triển xanh.
Theo ông Bích, từ mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, Viện đề xuất khung chiến lược kinh tế xanh của thành phố gồm thứ tự ưu tiên, lộ trình để đạt được mục tiêu...
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh TP.HCM trong thời gian tới, Viện đề xuất một số giải pháp chính gồm giải pháp nguồn lực; giải pháp tài nguyên có năng lượng, nước và vật liệu; giải pháp hành vi gồm tiêu dùng xanh, giao thông xanh…
Đối với giải pháp hành vi tiêu dùng xanh, chúng tôi đề xuất xây dựng và triển khai áp dụng các bộ tiêu chí tiêu dùng xanh cho từng đối tượng DN, người tiêu dùng.
Quảng bá các thực phẩm xanh, phối hợp với các siêu thị, nhãn hàng triển khai sử dụng bao bì từ thiên nhiên, sản phẩm hữu cơ, sinh thái…
“ Thời gian qua TP.HCM đã triển khai nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Tương lai đây là những vấn đề thành phố cần đẩy mạnh, nâng cao tiêu dùng xanh để gắn với phát triển kinh tế xanh”-ông Bích nói.
Ở góc độ đơn vị sản xuất, ông Anil Viswanathan, Tổng Giám đốc công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam cho biết, theo mục tiêu chung của tập đoàn đến năm 2025, 100% bao bì của Mondelēz trên toàn cầu có khả năng tái chế, tái sử dụng.
Tại Việt Nam công ty đã triển khai các sáng kiến bền vững về bao bì gồm sử dụng các loại bao bì có khả năng tái chế, tái sử dụng bao bì thứ cấp và thùng giấy nhiều lần, giảm lượng nhựa sử dụng trong bao bì… Đến nay, đã đạt được hơn 98,5% bao bì có thể tái chế.
Đặc biệt, theo số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, tỉ lệ thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng của Việt Nam xấp xỉ 50%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới hiện là gần 60%.
Theo đó, chúng tôi cùng Công ty TNHH Đồng Tiến, Công ty TNHH Vĩnh Xuân kí kết hợp tác chiến lược trong ba năm (2024- 2026) tiên phong giải quyết các thách thức về rác thải giấy.
“Qua hợp tác chiến lược này, cùng với các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chúng tôi tin tưởng nâng cao tỉ lệ thu gom và tái chế giấy các loại tại Việt Nam.
Góp phần vào việc phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050 của Chính Phủ, cũng như nỗ lực biến rác thải thành nguồn tài nguyên có giá trị phục vụ cho cuộc sống và phát triển bền vững”-ông Anil Viswanathan nói.
Là nhà phân phối, đại diện Saigon Co.op cho biết, nhằm giúp người dân nhận diện, ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, 14 năm qua đơn vị kiên trì với chiến dịch tiêu dùng xanh.
Theo đó, bên cạnh thường xuyên đưa khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng sản phẩm xanh, siêu thị bố trí khu vực trưng bày riêng, khuyến khích sử dụng túi môi trường… dần nâng cao nhận thức của người dân trong tiêu dùng xanh.