Sáng ngày 11-9 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam tiếp nhận một bệnh nhân nam mới ngoài 30 tuổi, trước đây hoàn toàn khỏe mạnh, làm nghề lái xe khách. Buổi sáng, sau khi uống cà phê và có hút thuốc lá, bệnh nhân có biểu hiện đau ngực trái nhiều nên vào khám tại Khoa Cấp cứu.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, trong khi các bác sỹ đơn vị Can thiệp tim mạch khám bệnh thì bệnh nhân đột ngột lên cơn co giật, ngưng thở, ngưng tim.
Bệnh nhân được chẩn đoán rung thất (Ventricular Fibrillation- VF), các bác sỹ đã nhiều lần sốc điện phá rung, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến phòng can thiệp tim mạch.
Tại phòng can thiệp, bệnh nhân được chụp động mạch vành qua da, kết quả chụp cho thấy bệnh nhân bị tắc một nhánh chính của động mạch vành trái (Left Anterior Descending artery- LAD).
Ngay lập tức, bệnh nhân được tái thông động mạch vành bị tắc bằng một giá đỡ (Stent) trong lòng mạch. Sau 30 phút thủ thuật, động mạch vành của bệnh nhân đã được tái thông, bệnh nhân dần dần tỉnh lại, huyết áp bắt đầu phục hồi dù đang còn lệ thuộc thuốc trợ tim. Đến chiều ngày 15-9, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, có thể ra viện trong vài ngày tới.
Vừa qua, một đồng nghiệp của bệnh nhân này cũng khá trẻ tuổi bị đột quỵ khi đang lái xe chở khách sau đó không qua khỏi trên đường đưa tới bệnh viện, nếu bệnh nhân của chúng tôi không may mắn bị ngưng tim do nhồi máu cơ tim trong lúc đang lái xe thì hậu quả rất đáng tiếc có thể xảy ra. Điều đáng nói là nếu cộng đồng có kiến thức tốt hơn về hồi sức cơ bản thì có thể cứu được nhiều bệnh nhân không may bị đột quỵ hoặc ngưng tuần hoàn bên ngoài bệnh viện (Out-of-hospital cardiac arrest – OHCA).
Nhồi máu cơ tim cấp là gì?
Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng mạch máu nuôi tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn, nguyên nhân thường gặp nhất là do nứt vỡ mảng xơ vữa, hình thành cục máu đông trong động mạch vành, ngăn cản lưu thông máu cung cấp cho cơ tim dẫn tới tình trạng hoại tử cơ tim.
Nếu không cấp cứu kịp thời để khôi phục dòng chảy trong động mạch vành, nhồi máu cơ tim dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, gây tổn thương tim vĩnh viễn, gây rối loạn nhịp, suy tim cấp và tử vong.
Mặc dù có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị để cải thiện tỷ lệ tử vong, tuy nhiên tử vong chung do nhồi máu cơ tim vẫn còn khá cao, 5-10% tùy từng trung tâm.
Tuổi bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hóa, nếu trước đây nhồi máu cơ tim được biết đến là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Gần đây người trẻ mắc nhồi máu cơ tim nói riêng và bệnh lý tim mạch nói chung đang có xu hướng tăng cao.
Cũng theo thống kê tại các bệnh viện lớn hiện nay cho thấy nhồi máu cơ tim xảy ra ở trước tuổi 45 đã tăng lên đến 10,5%, trong khi nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân rất trẻ (<35 tuổi) là 1,8%. Đây là những con số đáng báo động về mức độ trẻ hóa của bệnh nhồi máu cơ tim, cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh đối với giới trẻ hiện nay.
Nguyên nhân và cách phòng tránh
Nguyên nhân nhồi máu cơ tim là do nứt vỡ mảng xơ vữa trong động động mạch vành. Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim có thể kể đến như: giới tính nam có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trẻ hơn so với nữ, nhồi máu cơ tim tăng lên theo tuổi, yếu tố gia đình…Đây là các yếu tố không thể điều chỉnh được.
Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được có thể kể đến như: Hút thuốc, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân nặng, lười vận động, thường xuyên stress, sử dụng chất kích thích như cocain hoặc amphetamine…
Dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp là: Cơn đau ngực, đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay, vã mồ hôi, khó thở, nôn, buồn nôn, có thể rối loạn tiêu hóa.
Trong một số trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân không có hoặc có ít cảm giác đau sẽ khó nhận ra ra hơn. Trường hợp này gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng, hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, người bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu trên thì nên đến các cơ sở y tế, tốt nhất là các cơ sở có can thiệp tim mạch để được cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân được dùng thuốc tiêu huyết khối hoặc can thiệp đặt stent để tái thông động mạch vành bị tắc. Thời gian từ lúc đau ngực đến lúc được tái thông có mối liên quan độc lập với kết cục lâm sàng, bệnh nhân được tái thông sớm (tốt nhất là 3 giờ) giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, rối loạn nhịp và suy tim.
Tóm lại, nhồi máu cơ tim là một cấp cứu nội khoa rất nặng, đe dọa tính mạng nếu không tái thông kịp thời dòng chảy trong động mạch vành. Tuổi của của bệnh nhân tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim, đột quỵ đang trẻ hóa làm thay đổi mô hình bệnh tật chung. Dự phòng nhồi máu cơ tim cần loại bỏ hoặc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh như chế độ ăn, luyện tập, giảm cân nặng, tránh các stress, kiểm soát tốt tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
Cứu sống nhiều bệnh nhân tim mạch và đột quỵ
Can thiệp đặt stent động mạch vành được thực hiện đầu tiên trên vào năm 1977 bởi Andreas Gruentzig, đến nay đã là một kỹ thuật khá phổ biến mang lại hiệu quả cao, cải thiện tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân có bệnh động mạch vành cấp và mạn tính.
Bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam triển khai can thiệp động mạch vành qua da từ năm 2013, đến nay đã thực hiện trên 5.000 ca, cứu sống nhiều bệnh nhân tim mạch và đột quỵ ngoạn mục, nâng cao chất lượng chăm sóc cho nhân nhân trong tỉnh và trong khu vực.