Tập quán người dân ĐBSCL vốn thích sống ven theo bờ sông, kênh rạch, do vậy mỗi trận sạt lở đi qua là hầu như người dân bị mất đất, mất nhà. Nhiều hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng cũng buộc phải di dời.
Ăn nhờ ở đậu
Tìm về điểm sạt lở ven sông Tiền (xã An Phong, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) mới thấy hết nỗi khốn cùng của người dân bị mất nhà do sạt lở. Trước mắt chúng tôi là đoạn sông Tiền khoảng 40 m ngoạm sâu vào chân bờ chỉ còn lớp đất mặt, chuồng bò đổ sập nằm nghiêng ngả nửa dưới sông, nửa trên bờ. Phía trên, nhiều căn nhà sàn chỉ còn trơ khung bởi chủ nhân đã dắt díu nhau đi chạy lở. Không còn đất, không có tiền, họ chỉ biết chạy xuống sàn nhà người thân ở đậu.
Bà Nguyễn Thị Huệ cho biết vụ sạt lở xảy ra vào ngày 14-1 đã khiến gia đình bà và hai hộ khác phải dỡ nhà khẩn cấp. Khó khăn, không có tiền thuê nhà nên vợ chồng bà đành dọn vào ở đậu dưới sàn nhà của cha mẹ. “Người bà con thấy thương nên cho tôi mượn đất cất nhà. Nhưng phải nhờ mấy chú từ thiện tới cất giùm, vật liệu xây dựng thì mua thiếu chứ vợ chồng tôi đi bán vé số chỉ đủ tiền cơm qua ngày. Cất căn nhà trước hơn 10 năm nay vẫn chưa trả hết nợ, nay thêm căn này thì chắc suốt đời vẫn không trả hết nợ” - bà Huệ thở dài nói.
Hoàn cảnh hơn là trường hợp anh Đỗ Văn Vũ, ngồi co ro dưới sàn nhà, đôi mắt nhìn xa xăm, anh nói: “Từ khi sạt lở tới giờ, gia đình tôi năm người sống chui rúc dưới sàn nhà hàng xóm như vầy nè. Tết cũng ăn tết ở đây luôn, đúng là cái tết nhớ đời. Không biết phải sống như thế này đến bao giờ”.
Theo anh Vũ, địa phương có ý định bố trí nền tái định cư ở khu dân cư (KDC) Phú Lợi, tuy nhiên vẫn chưa có thông báo chính thức và người dân cũng không chịu vào. “KDC cách đây mấy chục cây số, hoang vắng, thiếu cơ sở hạ tầng, vào đó chúng tôi làm gì sống, rồi mấy đứa nhỏ đi học thế nào. Ở đây tôi còn đi làm thuê làm mướn được, thà ở dưới sàn còn hơn vào đó để chết đói” - anh Vũ nói.
Sau gần ba năm, vị trí sạt lở ở Vàm Nao đã làm kè kiên cố nên nhiều hộ dân có ý định quay về sống ở vùng lở. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Mất nhà do sạt lở, người dân xã An Phong phải dọn vào sống dưới sàn nhà của hàng xóm. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Những căn nhà xây dựng dang dở do một công ty tài trợ cho người dân ảnh hưởng vụ sạt lở Vàm Nao, do gặp khó khăn về tài chính nên công ty đã ngưng tài trợ. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Liều mình bám trụ
KDC Mỹ Hòa (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang) của các hộ dân ảnh hưởng vụ sạt lở kinh hoàng ở Vàm Nao là một khu vực hoang vắng, ruộng đồng bao quanh. Con đường dẫn vào KDC vẫn chưa hoàn thiện, có đoạn chỉ vừa được trải cát, bụi bay mịt mù. Ở đó có lác đác vài căn nhà xây hoàn thiện, mặt tiền một dãy nhà đang xây dang dở.
Ngồi bệt trong căn nhà đang được xây dựng, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết vẫn còn nhớ như in cảnh tượng ngày sạt lở. “Bữa đó tôi đang trong nhà, nghe tiếng la thất thanh, tôi chạy ra thì thấy mọi người chạy tán loạn như chạy giặc, cả dãy dần chìm xuống sông mất dạng. Nhà tôi không bị sụp nhưng cũng thuộc diện phải di dời. Từ đó đến nay gần ba năm, vợ chồng tôi vào ở đậu tại trường học khốn khổ trăm bề. Vừa rồi bốc thăm nền, không tiền nên cũng phải đi mua chịu vật tư, đợi địa phương hỗ trợ chứ ở đậu hoài cũng không được. Nhiều hộ khác người ta quay về nhà chứ tôi bị ám ảnh tới giờ, không dám quay lại xem cái nhà mình thế nào nữa” - bà Thủy cho hay.
Những ngày này, quay lại điểm sạt lở sông Cái Côn, thị trấn Mái Dầm, Hậu Giang, chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng hoang tàn. Qua nhiều vụ sạt lở ăn sâu vào bờ hơn chục mét, “bà thủy” đã nuốt mất một lớp nhà và đoạn đường giao thông tại đây. Nước ngoạm sâu vào bờ thành những hàm ếch khổng lồ, những căn nhà nằm lơ lửng trên nền đất hỏng chân có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà còn rất nhiều hộ dân vẫn bám trụ, sinh sống cạnh miệng hà bá.
Bà Phạm Thị Thơi đang buôn bán tạp hóa, một phần căn nhà đã bị sạt xuống sông nhưng gia đình bà vẫn bất chấp nguy hiểm, quyết không di dời. “Địa phương có vận động chúng tôi di dời và hỗ trợ nền ở KDC vượt lũ nhưng tôi không đi, bởi vào rừng thì buôn bán cho ai. Nhà tôi phía sau còn dài lắm, có lở thì lùi vô nữa thôi” - bà Thơi nói.
Tương tự là gia đình bà Trần Thị Loan. “Lở thì rút vào chứ gì. Gia đình tôi chỉ có mảnh đất này cất nhà ở đây, địa phương kêu dỡ nhà đi và hỗ trợ 20 triệu thì chúng tôi biết đi đâu, ở đâu. Ở đây vợ chồng tôi còn có mối đi làm thuê làm mướn kiếm tiền được. Mà mấy nay thấy ngành chức năng đến lấy mẫu đất chuẩn bị làm bờ kè chắc sẽ ổn thôi” - bà Loan chia sẻ.
Cấp thiết ổn định dân cư vùng lở
Ông Lưu Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Mới, An Giang, cho biết năm 2017, tại khu vực sông Hậu thuộc xã Mỹ Hội Đông xảy ra sạt lở làm ảnh hưởng đến 106 căn nhà, trong đó 14 căn nhà, hai nền bị sụt lún hoàn toàn, 92 căn nhà phải di dời.
“Để bố trí các hộ bị ảnh hưởng sạt lở, huyện đầu tư cụm dân cư ấp Mỹ Hòa với diện tích 53.102 m2, bố trí khoảng 272 nền cho các hộ dân, tiến độ thi công đến nay đạt khoảng 90%. Đường tránh khu sạt lở Mỹ Hội Đông đến nay đã hoàn thành, riêng đường đấu nối hai cụm dân cư ấp Mỹ Hòa và Mỹ Hội đạt khoảng 95% đang khẩn trương thi công” - ông Tuấn thông tin.
Theo ông Tuấn, đến nay huyện đã xét hỗ trợ cho 81 hộ, trong đó đã chi cho 42 hộ xây nhà. 25 hộ cũng đồng ý vào KDC xây nhà nhưng do không đủ tiền nên xã đứng ra bảo lãnh cho người dân mua vật tư trong phạm vi 40 triệu đồng/hộ tiền hỗ trợ.
“Hiện khu vực sạt lở được lấp hố xoáy, xây dựng bờ kè kiên cố. Thấy vậy, một số hộ dân còn nhà ở khu vực ảnh hưởng muốn quay lại sinh sống chứ không đồng ý vào KDC. Tính mạng con người là trên hết, do đó địa phương tích cực vận động, tuyệt đối không cho các hộ dân tự ý quay lại điểm sạt lở” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Tại Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cho biết thời gian qua tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác an cư cho người dân vùng sạt lở. “Nhằm khắc phục thiên tai sạt lở gây thiệt về người và tài sản, cần phải di dời dân ra khỏi vùng sạt lở, có những giải pháp công trình và phi công trình đồng bộ. Cuối năm 2018, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng đề án “Di dời dân cấp bách do thiên tai và xây dựng đê bao sông Mái Dầm, huyện Châu Thành”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được do vướng vấn đề kinh phí. Tỉnh cũng có kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện nhưng chưa được duyệt” - Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang thông tin.
52 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng 20.000 hộ dân Theo báo cáo quan trắc và cảnh báo sạt lở đợt 2-2019 của Sở TN&MT tỉnh An Giang, trên địa bàn có 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm, ảnh hưởng 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở. Sở TN&MT cho rằng việc khắc phục sạt lở hiện nay thường mang tính cấp thiết trước mắt nên tốn chi phí rất cao và không có ý nghĩa lâu dài. Về biện pháp căn cơ lâu dài, sở kiến nghị tỉnh chỉ đạo các huyện rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện. |