Gần đây, người mua đất phản ánh thị trường bất động sản (BĐS) tái diễn cảnh một số công ty tự vẽ các dự án ma ở các tỉnh rồi dụ nhiều người mua hoặc ký hợp đồng góp vốn. Thế nhưng, khi người mua đóng đến 90%-95% giá trị lô đất, người góp vốn đến hạn trả lợi nhuận như cam kết thì giám đốc các công ty này trốn biệt tăm.
Lấy tiền tỉ rồi không làm theo cam kết
Chị Thu Thảo (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) và một số khách hàng mấy tháng nay đứng ngồi không yên vì đã bỏ tiền mua đất dự án của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển An Thuận Phát (gọi tắt là Công ty An Thuận Phát). Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty này là ông Trần Hoàng L. sau khi nhận tiền của nhiều khách hàng đã… lặn mất tăm.
Tháng 11-2018, vì tin tưởng một người bạn làm nhân viên kinh doanh cho Công ty An Thuận Phát nên dù chưa nắm rõ pháp lý dự án, chị Thảo vẫn quyết định mua.
Theo hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chị Thảo mua một lô đất diện tích khoảng 101 m2 với giá hơn 450 triệu đồng tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu. “Theo hợp đồng, công ty sẽ giao nền sau sáu tháng và 12 tháng sau sẽ giao sổ. Thế nhưng tôi đã đóng 90% giá trị lô đất hơn một năm nay nhưng vẫn chưa có cả đất và sổ” - chị Thảo bức xúc nói.
Từ tháng 11-2019 đến nay, chị Thảo và nhiều người mua đã đến Công ty An Thuận Phát nhưng công ty đóng cửa, giám đốc không liên lạc được.
Tương tự, nhóm của anh Nguyễn Văn Đại (Đắk Nông) ký hợp đồng góp vốn vào dự án của Công ty An Thuận Phát ở xã Long Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai). Thời gian góp vốn sáu tháng với cam kết lợi nhuận 20%.
“Hết sáu tháng, tôi đến công ty này để lấy lợi nhuận như cam kết nhưng ông L. cứ trì hoãn. Bây giờ công ty ngưng hoạt động còn giám đốc thì không biết ở đâu. Tôi đã liên hệ chính quyền xã Long Phước thì được biết chủ khu đất ấy là cá nhân khác. Khu này cũng chưa có cơ sở hạ tầng, chưa được phê duyệt lập dự án và là đất trồng cây lâu năm” - anh Đại nói.
Trụ sở An Thuận Phát tại địa chỉ 39 Nguyễn Thượng Hiền, phường 5, quận Bình Thạnh, TP.HCM đã đóng cửa (ảnh chụp ngày 10-3-2020). Ảnh: Q.HUY
Anh Đại cho hay số khách hàng mua đất dự án này tới hơn 100 người, số tiền có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng. Hiện một nhóm người mua đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an. Hiện Công an TP.HCM đã chuyển vụ việc cho Công an quận Bình Thạnh xử lý theo thẩm quyền.
Thời gian qua, Công an TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cũng liên tiếp bắt giam nhiều giám đốc các công ty BĐS có hành vi lập dự án ma, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng rồi bỏ trốn.
Trước đó, Công an TP.HCM đã bắt bà Trần Thị Hồng Hạnh, giám đốc Công ty BĐS Hoàng Kim Land, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, Công ty Hoàng Kim Land tự nhận là chủ đầu tư bảy dự án tại các quận, huyện vùng ven TP.HCM, rao bán rầm rộ, thu hàng chục tỉ đồng. Nhà chức trách xác định những dự án công ty này đề cập không có thật.
Mới đây, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng bắt ông Trần Văn Hội, giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và địa ốc Hưng Phú, khi ông này đang lẩn trốn ở Lâm Đồng. Ông Hội bị truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vẽ dự án ma bán cho nhiều người.
Theo đơn tố cáo của người dân, từ giữa năm 2019, họ ký hợp đồng mua đất nền với giá từ 300 triệu đồng/nền trong dự án do công ty của ông Hội “vẽ” ra ở huyện Đất Đỏ, TP Bà Rịa. Hàng chục khách hàng đã trả tiền đến 90%-100% giá trị đất nhưng đến hẹn giao đất và sổ thì giám đốc bỏ trốn.
Mạnh tay xử tội lừa đảo
Tình trạng vẽ dự án ma rồi lừa bán, chiếm đoạt tài sản của các công ty BĐS chủ yếu dựa vào sự cả tin, chủ quan và ham lợi nhuận nhanh của người mua.
Luật sư Huỳnh Đức Hữu, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trường hợp công ty BĐS vẽ dự án mà không có thật, không phải đất của công ty, đất nông nghiệp mà bán cho người mua rồi hứa hẹn xây được nhà… hoặc cầm tiền rồi không giao đất, giao sổ thậm chí bỏ trốn đều là lừa đảo.
“Để bảo vệ quyền lợi, đòi lại được tiền thì khách hàng chỉ còn cách là gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an khởi tố vụ án lừa đảo, kịp thời bắt giữ giám đốc để điều tra” - luật sư Hữu nói.
Giải pháp trị tình trạng dự án ma, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, trước tiên là chính quyền các phường, xã, quận, huyện… cần thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch dễ tiếp cận, dễ hiểu cho người dân. Tiếp đến là các phương tiện thông tin đại chúng cần truyền thông kịp thời khi phát hiện những dự án sai phạm để cảnh báo người dân.
Một biện pháp mạnh đang được một số chính quyền địa phương áp dụng là cưỡng chế hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm của những cá nhân cố tình thực hiện những hành vi có tính chất lừa dối khách hàng.
“Người dân cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ pháp lý về dự án cũng như doanh nghiệp rao bán BĐS. Trường hợp đã phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân phải trình báo cơ quan chức năng sớm nhất hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình” - ông Châu nói.
UBND TP.HCM mới đây đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phải công khai thông tin quyết định pháp lý về đầu tư và sử dụng đất của các dự án kinh doanh nhà ở; những dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, dự án đủ điều kiện kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai… Các thông tin phải được cung cấp trên cổng thông tin điện tử của chủ đầu tư, tại các quận, huyện và cho người dân khi họ có yêu cầu. Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP, UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thực hiện công bố công khai các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt. Điều này nhằm giúp người dân nắm thông tin mua BĐS chính thống, tránh mua phải những dự án ma. |