Chuyển vụ KDC Hiệp Bình Chánh lên Công an TP.HCM điều tra

Về dự án khu dân cư Hiệp Bình Chánh bị bán cho xã hội đen mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, UBND quận Thủ Đức đã có văn bản báo cáo tổ đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) TP.HCM (đơn vị 7), tổ ĐB HĐND TP (đơn vị 26 và đơn vị 27) về công tác quản lý nhà nước tại dự án này.

Đây là dự án do Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải làm chủ đầu tư.

Dấu hiệu lừa đảo đặc biệt nghiêm trọng

Theo UBND quận Thủ Đức, thời gian qua địa phương tiếp nhận một số đơn kiến nghị của các hộ dân yêu cầu ngăn chặn hành vi chuyển dịch quyền sử dụng đất, có dấu hiệu lừa đảo tại dự án trên. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, quận cũng ghi nhận được nhiều ý kiến phản ánh là chủ đầu tư thế chấp sổ đỏ của dân hoặc sang nhượng một khu đất cho nhiều người khác.

Từ phản ánh, tiếp nhận thông tin, ngày 6-11-2019, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo Công an quận Thủ Đức tiếp cận, điều tra làm rõ về hành vi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo tài liệu, giấy tờ của ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Công ty Đại Hải.

Ngày 15-11-2019, Công an quận Thủ Đức đã có báo cáo, nhận định vụ việc có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, vượt thẩm quyền của công an quận nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ và các tài liệu liên quan đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC03) để điều tra.

Tiếp đến, UBND quận đã yêu cầu công an quận, Công an phường Hiệp Bình Chánh đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực dự án. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan giữ nguyên hiện trạng, không để phát sinh công trình xây dựng, chờ kết quả giải quyết của cơ quan chức năng.

UBND quận cũng có công văn gửi tòa án, Cục Thi hành án dân sự TP tạm dừng chuyển dịch quyền sử dụng đất tại dự án nêu trên. Quận cũng đề nghị không cấp phép xây dựng, thu hồi giấy phép xây dựng đối với 18 lô đất thuộc dự án khu nhà ở Hiệp Bình Chánh đã có quyết định phong tỏa tài sản.

Người dân mua đất của Công ty Đại Hải nhưng bị công ty này đem bán cho người khác. Ảnh: NGÂN NGA

Chủ đầu tư thừa nhận sai

Theo hồ sơ, dự án được cơ quan chức năng phê duyệt vào năm 2001 cho Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng K&N (sau này đổi tên thành Công ty Đại Hải) làm chủ đầu tư. Tiếp đó Công ty K&N và Chi nhánh Tổng Công ty Sông Đà tại TP.HCM (nay là Công ty cổ phần Ani) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, bà đã tố cáo hai công ty Sông Đà và Đại Hải về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì bà đã mua gần 180 m2 nền đất nhưng công ty lại đem bán và sang tên cho người khác.

Về nền đất của bà Mai, trước đó bà Nguyễn Thị Thanh Hương ký với Công ty Sông Đà hợp đồng góp vốn gần 700 triệu đồng và đến năm 2008 thì công ty giao nền đất trên cho bà Hương. Sau đó bà Hương lại chuyển nhượng cho một cặp vợ chồng. Đến năm 2017 cặp vợ chồng này lại chuyển nhượng cho vợ chồng bà Mai. Tất cả việc chuyển nhượng này đều được Công ty Sông Đà xác nhận.

Mới đây bà Mai mới hay là Công ty Đại Hải đã chuyển nhượng và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất này cho bà Bồ Thanh Phương vào năm 2018 và bà Phương lại đem thế chấp ngân hàng vay 8 tỉ đồng.

Trước tình huống trên, tháng 7-2019, Công ty Đại Hải có văn bản xác nhận việc chuyển nhượng và làm giấy chứng nhận cho bà Bồ Thanh Phương là sai và hứa sẽ trả mọi khoản vay liên quan đến ngân hàng và làm thủ tục sang tên lại cho bà Mai. “Tôi mua đất đã ba năm nay và đang quản lý. Khi xin giấy phép xây dựng tôi mới hay có người đứng tên trên đất của mình. Sau đó liên tục có người đến đòi thuê và thậm chí có người còn rao bán lô đất của tôi. Để yên tâm, tôi mới treo bảng không bán đất nhưng cũng bị lấy mất” - bà Mai nói.

Bà Mai tố cáo ra công an thì tháng 5-2019, Cơ quan CSĐT của Công an TP.HCM lại cho rằng không có dấu hiệu của tội phạm, đề nghị bà khởi kiện ra tòa.

Vừa bán vừa ủy quyền cho người khác đi thế chấp

Ông Lê Bá Nhật Quyền cũng lo lắng vì tháng 11-2012 ông ký hợp đồng, chuyển 820 triệu đồng với Công ty Đại Hải và ông được công ty giao hơn 210 m2 đất nền. ông Quyền đã xây nhà và ở từ đó cho đến nay.

Bất ngờ giữa tháng 11-2019, vợ chồng ông nhận được giấy triệu tập của TAND quận 2 với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam kiện Công ty CP Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Song Hoa, Công ty Đại Hải và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo đó, ngân hàng yêu cầu tòa án buộc Công ty Song Hoa trả nợ gần 70 tỉ đồng… Trường hợp Công ty Song Hoa không trả được nợ thì yêu cầu tòa án phát mại tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất hơn 2.500 m2 (trong đó có thửa đất mà ông Quyền đã cất nhà).

Lúc này ông Quyền mới hay phía Công ty Đại Hải đã ủy quyền cho bà Huyền được thế chấp, chuyển nhượng một số lô đất, trong đó có lô đất của ông. Đến tháng 8-2012, bà Huyền đã đem thế chấp để bảo lãnh cho Công ty Song Hoa vay tiền ngân hàng.

“Đất của tôi bị họ đem thế chấp ngân hàng. Nếu ngân hàng phải phát mại đất thì căn nhà của tôi phải bứng đi đâu?” - ông Quyền hoang mang.

Việc mua bán chưa qua công chứng nhưng người mua đã quản lý, sử dụng, sau đó nhà đầu tư lại đem bán cho người khác mà chủ thể trước đó không hề biết là có dấu hiệu hình sự, cần phải điều tra làm rõ.

CQĐT phải xem xét cả việc làm giấy chứng nhận cho người thứ ba; quy trình cấp sổ hồng, việc thế chấp, bán cho người khác...

Với những thông tin báo chí cung cấp, vụ việc có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Luật sư VÕ VĂN THÊM, nguyên phó viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM 

Cuộc sống bất ổn

Giống như bà Mai, bà Lê Thụy Thanh Quyên cũng phải treo băng rôn trước nhà (làm quán cà phê) rằng đất đã có chủ. Bà Quyên mua đất lại từ người khác với giá hơn 9 tỉ đồng và đã được Công ty Đại Hải đồng ý xác nhận vào đầu năm 2018.

Tuy nhiên, sau đó bà Quyên phát hiện mảnh đất đã được cấp sổ đỏ cho bà Bồ Thanh Phương vào tháng 6-2019 nên khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu tòa hủy giấy đã cấp cho bà Phương, buộc Công ty Đại Hải làm thủ tục sang tên cho bà. Mới đây TAND TP.HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm bà Phương chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với tài sản đang tranh chấp.

Không chỉ ủy quyền cho người khác đi thế chấp một số thửa đất trên, vào năm 2012, Công ty Đại Hải còn đem chín thửa đất khác với diện tích hơn 2.300 m2, trị giá hơn 41 tỉ đồng ở phường Hiệp Bình Chánh thế chấp cho ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ gốc cho Công ty TNHH Hương Nhiên hơn 30 tỉ đồng.

Hiện ngân hàng cũng đã kiện Công ty TNHH Hương Nhiên ra TAND huyện Nhà Bè, trong đó Công ty Đại Hải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Nhà Bè phát hiện đã có nhiều hộ dân đang quản lý, sử dụng chín thửa đất mà Công ty Đại Hải đem thế chấp. Do đó TAND huyện đã gửi thông báo cho bảy người dân tham gia tố tụng vụ án.

Ông Đặng Minh Quý (tổ trưởng tổ dân phố 40B khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết thêm: Tháng 9 vừa rồi bảo vệ khu phố báo là trên đường số 8 lô D có một nhóm người xăm trổ đòi phá dỡ hàng rào và tài sản của bà con. Chúng tôi đến thì có người đưa ra những bìa đỏ nói rằng những lô đất là của anh ta. “Tình hình an ninh hôm đó rất phức tạp, chúng tôi phải báo công an và chính tôi đã làm văn bản gửi tới chính quyền để giữ gìn an ninh cho khu vực”.

Trước đó tổ ĐBQH TP.HCM (đơn vị 7), tổ ĐB HĐND TP (đơn vị 26 và đơn vị 27) có buổi tiếp xúc cử tri và nhiều người phản ánh 300 hộ dân tại dự án khu dân cư Sông Đà (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) đã 12 năm nay chưa được cấp sổ hồng.

Lý do là Công ty Đại Hải tự ý mang sổ hồng của các hộ dân đi thế chấp tại ngân hàng. Hiện công ty này bị kiện ra tòa và bị đề nghị phát mại tài sản. Công ty Đại Hải còn ủy quyền cho người khác thông qua hợp đồng ủy quyền và người đó lại đi thế chấp tại ngân hàng bảo lãnh cho bên thứ ba. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm