Cảnh sát dẫn đoàn- Bài 2: Áp lực và vinh dự

Các chiến sĩ của Đội Tuần tra-Dẫn đoàn hiểu rằng công việc của họ vừa là trách nhiệm, là danh dự của những người đang góp phần tôn tạo, nâng cao hình ảnh của quốc gia trong việc bảo đảm an toàn cho khách quốc tế. “Mỗi khi máy bay cất cánh đưa khách về nước, anh em của đội chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm” - Trung tá Chu Đức Thắng, Đội phó Đội Tuần tra-Dẫn đoàn CA TP.HCM, nói.

Ở Việt Nam không cần phải cẩn trọng quá mức như vậy

Thông tin Tổng thống G.W. Bush đến thăm TP.HCM sau khi dự APEC đã khiến không ít chiến sĩ lo lắng, đặc biệt là sau khi chứng kiến công tác bảo đảm an ninh cho nơi ở của tổng thống tại khách sạn New World. Công việc này được đội ngũ an ninh Mỹ cùng với nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại và tám con chó nghiệp vụ thực hiện trong sáu tháng trước.

Chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Bush đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 19 giờ 25 ngày 19-11-2006. Trước đó, công tác kiểm tra an ninh chung đã được tiến hành kỹ lưỡng. Các nhân viên an ninh của Mỹ còn kiểm tra an toàn đối với đoàn xe tham gia dẫn đoàn. Tổng thống Bush và phu nhân sang thăm Việt Nam mang theo rất nhiều loại xe đặc chủng. Đặc biệt có hai chiếc xe Calldilac One ba khoang màu đen giống hệt nhau, đều mang biển kiểm soát 800-002. Lúc nào cũng đi liền nhau và có thể đảo vị trí cho nhau khi cần thiết. Áp sát phía sau là xe đặc chủng chống đạn mang biển kiểm soát 33R-453g.

Đại úy Nguyễn Văn Tiềm lái chiếc môtô Honda 1.500 phân khối duy nhất dành cho vị trí mở đường một phóng nhanh dẫn đoàn về khách sạn. Phía sau, ông Bush và phu nhân ngồi trên một trong hai chiếc xe Calldilac và không mở đèn sáng. Trên đường đi, nhiều người dân hiếu kỳ đổ ra xem tổng thống Mỹ nhưng chỉ thấy một màu đen lùi lũi từ hai chiếc xe. Khi biết xe Tổng thống Bush đi qua, người dân hai bên đường vỗ tay chúc mừng vị khách đặc biệt này. Thấy cảnh tượng đó, Tổng thống Bush lệnh cho bật đèn trong xe của mình sáng lên. Thế là mọi người được tận mắt chứng kiến tổng thống và phu nhân đang vẫy tay chào lại người dân TP.

Cảnh sát dẫn đoàn- Bài 2: Áp lực và vinh dự ảnh 1

Dẫn đoàn toàn quyền Úc thăm Việt Nam ngày 12-5-2011. Ảnh: ÁI NHÂN

Trung tá Nguyễn Văn Hải - Đội trưởng cười nói: “Đã thành truyền thống, phái đoàn của Mỹ luôn yêu cầu cao về an ninh”. Lần Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright thăm chính thức Việt Nam năm 1997, bà này còn cẩn thận đến mức là bảo nhân viên an ninh lật các nắp hai thùng bên hông xe môtô dẫn đoàn để kiểm tra. Lúc ấy Trung tá Hải nói bằng tiếng Anh: “Thưa bà, việc bảo đảm an ninh là yêu cầu hàng đầu. Nhưng ở Việt Nam không cần phải cẩn trọng quá mức như vậy”. Nghe thế, bà Albright mới thôi việc kiểm tra xe của đoàn.

Những người đi xuyên mưa, nắng

14 giờ 5 phút ngày 12-5-2011, ba chiến sĩ mở đường dẫn đoàn gồm Thượng sĩ Nguyễn Thanh Trà, Thượng sĩ Nguyễn Chí Tiến và Thiếu úy Lê Đình Minh Dũng chạy về trụ sở đội với cảnh phục bị ướt loang lổ do cơn mưa nặng hạt trút xuống. Trước đó lúc 10 giờ 30, họ dẫn đoàn của bà toàn quyền Úc ra sân bay quân đội (đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình) để bà này đi trực thăng ra Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo kế hoạch, lúc 13 giờ, bà Quentin Bryce sẽ có mặt tại sân bay để về lại trung tâm làm việc với lãnh đạo TP, các chiến sĩ dẫn đoàn phải có mặt tại sân bay trước 1 giờ, dàn đội hình nghênh đón dưới cái nắng gay gắt. Tuy nhiên, do trục trặc giờ giấc, đến 13 giờ 40, trực thăng chở bà toàn quyền mới đáp xuống sân bay. Khi đoàn đưa bà toàn quyền về UBND TP qua khỏi cầu Nguyễn Văn Trỗi, trời bắt đầu đổ mưa khiến cả đoàn bị ướt.

Theo quy định, khi dẫn đoàn phải bảo đảm thông suốt, liên tục, chính xác giờ giấc và giữ nghiêm hình ảnh nên dù có mưa hay nắng cũng vẫn phải giữ nguyên đội hình, tốc độ di chuyển, trang phục. Trung tá Phạm Văn Tho nhớ lại chuyến dẫn đoàn cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm TP.HCM vào năm 1995. Khi ấy Chủ tịch Fidel Castro cùng đoàn đi thăm các nông trường mía, nhà máy gần chiến khu D (tỉnh Tây Ninh). Đoàn xuất phát vào khoảng 8 giờ sáng từ TP.HCM. Khi đi đến huyện Bình Chánh, mưa to như trút khiến cả đoàn bị ướt hết. Đến cầu Xáng (huyện Bình Chánh), trời lại nắng. Qua cầu Xáng một đoạn, trời lại mưa to. Cứ thế, mãi đến điểm cần đến thì các chiến sĩ không nhớ hết đã bao nhiều lần bị mưa rồi lại nắng, cảnh phục bao phen ướt rồi lại ráo. Đến lượt về cả đoàn lại rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau chuyến ấy, cả đoàn hộ tống có không ít chiến sĩ bị cảm và vài thiết bị điện tử bị trục trặc. Tuy nhiên, mọi người đều rất tự hào về việc dẫn đường cho chủ tịch Fidel Castro.

Với Đại úy Lưu Văn Công và Trung tá Phạm Văn Tho, hôm ấy lần đầu được tham gia ở vị trí mở đường, còn Thượng úy Nguyễn Trọng Luật (mới luân chuyển công tác qua Đội CSGT Chợ Lớn) được phân công lái môtô hộ tống bên cạnh xe của chủ tịch. Tất cả đều dâng trào cảm xúc khó tả khi được đi bên cạnh vị chủ tịch huyền thoại mà trước đó chỉ biết qua sách vở. Trung tá Tho kể lại vẫn còn bồi hồi khi nghĩ về niềm vinh dự ấy. Câu nói của chủ tịch Cuba vẫn còn in trong tâm trí: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Câu nói ấy Chủ tịch Fidel Castro nói khi thăm Việt Nam năm 1973, lúc ấy anh Tho còn là học sinh ở miền Nam.

Cảnh sát dẫn đoàn- Bài 2: Áp lực và vinh dự ảnh 2

Hai xe dẫn đoàn đi vị trí mở đường chuẩn bị xuất phát. Ảnh: ÁI NHÂN

Tổng thống Hàn Quốc: “Cho tôi gặp sĩ quan chỉ huy dẫn đoàn!”

Mỗi năm, đội dẫn đường cho hàng chục đoàn nguyên thủ các nước, phái đoàn ngoại giao. Họ luôn tự hào vì mình góp phần vào việc tạo ấn tượng tốt đẹp trong mắt các vị khách, kể cả những nguyên thủ của các cường quốc hàng đầu của thế giới khi nghĩ về Việt Nam.

Kết thúc chuyến thăm kéo dài 15 giờ ở TP.HCM, trước khi về nước (20-11-2006), người phát ngôn cho Tổng thống G.W. Bush - ông Tony Snow phát biểu với báo giới: “Tổng thống Mỹ George W. Bush lấy làm tiếc vì đã không thể đi du lịch Việt Nam lúc này. Tổng thống muốn đi du lịch Việt Nam sau khi hết nhiệm kỳ, ông đã bị nơi này cuốn hút, đất nước này thật thú vị”. Còn ông John Howard, Thủ tướng Úc, phát biểu: “Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam nhưng tôi có ấn tượng rất tốt về đất nước thân thiện này”. Trung tá Nguyễn Văn Hải có kỷ niệm khá vui với vị cố Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun (bị tử nạn năm 2009) khi ông này cùng phu nhân thăm TP.HCM vào ngày 11 và 12-10-2004. Chiều ngày 11-10-2004, Tổng thống Roh, đang ở tại khách sạn Sheraton (quận 1), đã gọi điện thoại gặp Thiếu tướng Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Công an TP. Ông yêu cầu cho gặp trực tiếp “người chỉ huy dẫn đoàn” vào sáng hôm sau tại khách sạn và không nói lý do gì thêm.

Thiếu tướng Dũng gọi điện thoại cho Đại tá Lê Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Công an TP (lúc ấy đang là trung tá) chỉ đạo đi cùng Trung tá Hải đến gặp tổng thống. Được thông báo lại, cả buổi tối hôm ấy anh Hải cứ mãi lo lắng, nghĩ ngợi không biết mình có sơ suất gì trong khi dẫn đoàn và việc gì xảy ra với mình.

Đại tá Anh Tuấn kể lại khi đi cùng anh Hải đến gặp Tổng thống Roh. Tổng thống Roh cho gọi anh Hải vào và ngỏ ý được chụp ảnh riêng với anh Hải. Anh Hải không dám đứng ngang hàng với tổng thống nhưng ông ấy vẫn kéo anh đứng cạnh và chụp ảnh lưu niệm để cảm ơn người chỉ huy đoàn.

ÁI NHÂN

Kỳ sau: Nặng nợ với nghề

Dù đã nghỉ hưu, Đại úy Nguyễn Văn Công vẫn đến trụ sở mỗi ngày vì nỗi nhớ nghề. Anh đến để bảo trì, thăm sức khỏe 70 chiếc môtô của đội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm