Cảnh sát môi trường sắp được phạt thẳng tay!

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 181 năm 2006 về phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Dự thảo này vừa được đưa lên website Chính phủ www.plo.vn để lấy ý kiến người dân trước khi ban hành.

Nộp phạt rẻ hơn xử lý chất thải

Bộ TN&MT cho rằng mức xử phạt vi phạm về môi trường trong Nghị định 81 năm 2006 hiện nay là quá thấp. Theo Nghị định 81, vi phạm về thải khí, bụi bị phạt cao nhất chỉ 55-70 triệu đồng, xả nước thải phạt cao nhất 60-70 triệu đồng. Do đó, nhiều doanh nghiệp chọn cách nộp phạt vì ít tốn kém hơn là bỏ tiền xây dựng hệ thống xử lý môi trường hoặc xử lý chất thải. Quy định về mức độ gây ô nhiễm của một số hành vi còn chung chung, chỉ định tính, không định lượng nên việc xử phạt tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng còn gặp nhiều khó khăn.

Một bất cập khác là theo Luật Bảo vệ môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường bị tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm, cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng bị buộc dời ra xa khu dân cư hoặc bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, quy định này không được áp dụng vì chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể thẩm quyền, thủ tục thực hiện.

Cảnh sát môi trường được “cởi trói”

Một vướng mắc khác hiện nay là cảnh sát môi trường - lực lượng được lập ra để chuyên xử lý những vi phạm về môi trường lại không có quyền phạt hành chính vì pháp luật chưa quy định. Mặt khác, về nguyên tắc lực lượng này có quyền khởi tố tội phạm về môi trường, thế nhưng quy định của Bộ luật Hình sự lại “trói tay” cảnh sát môi trường vì các điều kiện để khởi tố quá rắc rối, không khả thi.

Sắp tới, cảnh sát môi trường sẽ được cởi trói về mặt phạt hành chính. Bộ TN&MT cho biết theo dự thảo sửa đổi Nghị định 81, chủ tịch UBND cấp tỉnh, cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, chánh thanh tra Bộ TN&MT có quyền phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm đến 500 triệu đồng. Cảnh sát môi trường, trưởng công an cấp xã, huyện cũng được xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm. “Dự thảo cũng bổ sung các hành vi vi phạm còn bỏ sót, quy định chi tiết, cụ thể hơn, chia vi phạm ra nhiều mức để dễ xử phạt” - một lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) nói. Nếu cá nhân, tổ chức xả vào nguồn nước các loại hóa chất, chất thải nguy hại, vi sinh vật chưa được kiểm định, các tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật bị sẽ phạt tới 400-500 triệu đồng. Song song đó, dự thảo còn có các biện pháp mạnh tay hơn như buộc cơ sở gây ô nhiễm tạm dừng hoạt động, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường...

Mức phạt bổ sung có đủ “đô”?

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 81, tổ chức, cá nhân quản lý chợ, nhà ga, bến tàu xe, khu vui chơi, khu du lịch, công viên và các khu vực công cộng khác mà không có đủ công trình vệ sinh công cộng thì bị phạt từ 200 ngàn đồng đến hai triệu đồng. Việc nhập khẩu phế liệu có chứa chất thải sẽ bị phạt 200-300 triệu đồng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức phạt tối đa 500 triệu đồng vẫn chưa thấm gì so với việc doanh nghiệp khỏi tốn chi phí xử lý chất thải hàng ngày. Đơn cử như Công ty Vedan, theo tài liệu cung cấp cho báo chí gần đây, Bộ TN&MT cho biết Vedan đã trốn phí môi trường hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, Vedan cũng khỏi phải chi hàng chục triệu đồng để vận hành hệ thống xử lý chất thải mỗi ngày. Mặt khác, để xử lý một mét khối dịch thải sau lên men có nồng độ đậm đặc phải chi phí ngót chục triệu đồng, nhưng với lượng dịch thải lớn được xả thẳng ra sông Thị Vải, Vedan đã khỏi tốn kém chi phí cực lớn.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ TN&MT cho biết dự thảo còn đề ra hàng loạt biện pháp bổ sung. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm cho đến khi cơ sở đó khắc phục hậu quả xong và xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chủ tịch UBND cấp tỉnh còn có quyền tạm cấm cơ sở gây ô nhiễm hoạt động. Với quy định này, nhiều người cho rằng việc xử phạt sắp tới sẽ có hiệu quả hơn hiện nay.

Công khai để dân giám sát

Dự thảo cũng đề ra vấn đề rất mới là công khai thông tin về cơ sở gây ô nhiễm. Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt sẽ công khai thông tin vi phạm môi trường của cơ sở vi phạm (tên tổ chức, cá nhân vi phạm, quá trình vi phạm, hậu quả, hình thức và mức phạt, biện pháp và thời gian khắc phục hậu quả) trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua đó, người dân sẽ thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc xử phạt lẫn đối với doanh nghiệp vi phạm.

Ngoài việc có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 500 triệu đồng, cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức sau:

- Buộc phải xử lý chất thải đạt chuẩn, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường.

- Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường.

- Di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư.

- Không được hoạt động.

- Buộc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện nhập khẩu vào Việt Nam.

- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm, sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gien.

- Công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

(Trích dự thảo sửa đổi Nghị định 81)

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới