Ông Định đưa ra lời khuyên trên tại hội nghị giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội diễn ra chiều nay 3-4 về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn thời gian qua.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội
Trả lời câu hỏi về an toàn cháy nổ cho hàng trăm chung cư mini trên địa bàn TP Hà Nội, ông Định cho hay chung cư mini là vấn đề không mới và hiện nay đang có lỗ hổng trong quản lý nhà nước từ vấn đề cấp phép xây dựng, cho thuê, bán… đến PCCC.
“Chính vì vậy các cơ quan nhà nước đang rà soát để đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ loại chung cư này. Qua đây tôi cũng đề nghị báo chí khuyến cáo người dân tẩy chay, không mua chung cư mini vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ cháy nổ” - ông Định nói.
Tại hội nghị, ông Định cũng thông tin từ đầu năm 2007 đến nay, toàn Hà Nội xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ, khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 600 tỉ đồng. Địa bàn cháy tập trung chủ yếu ở các quận nội thành và chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân, nhà dân. Số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản chỉ chiếm 2%-3% nhưng thiệt hại chiếm đến 90%.
Liên quan đến thông tin 79 công trình vi phạm PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố, tướng Định cho hay vào cuối tháng 12-2017, sau khi nghe báo cáo về số lượng các công trình vi phạm này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu đến ngày 28-2-2018 phải tiến hành khắc phục toàn bộ các công trình vi phạm PCCC này.
"Tuy nhiên, quá trình thực hiện do có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan nên đến ngày 23-3 vẫn còn 31/79 công trình chưa thực hiện được việc khắc phục các vi phạm PCCC. Trong đó, có bốn công trình của doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên" - ông Định cho hay.
Cũng theo ông Định, từ ngày 23-3 đến nay có thêm hai công trình vi phạm hoàn thiện việc khắc phục nên đến nay chỉ còn 29/79 nhà chung cư cao tầng “chưa được thẩm định, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC”. Trong đó, có 14 công trình có khả năng khắc phục được đang được chủ tòa nhà tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn PCCC. Riêng 15 công trình khó có khả năng khắc phục, Sở đã kiến nghị UBND TP Hà Nội có đề nghị với Bộ Công an, Bộ Xây dựng thay thế phương án PCCC.
Ngoài ra trong số này, có ba chung cư đã được cảnh sát PCCC thu thập, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, làm rõ để xử lý các lỗi vi phạm. Ba công trình này gồm tòa nhà CT4 Văn Khê, (khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty Cổ phần Sông Đà 1 làm chủ đầu tư và chung cư CT5A, B và CT6 ở Văn Khê do Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư.
Ông Định giải thích việc chuyển sang cơ quan CSĐT là việc “bất đắc dĩ, cực chẳng đã”, bởi cơ quan điều tra là cơ quan thực hiện tố tụng với đối tượng tội phạm còn đối với các vi phạm về an toàn PCCC theo quy định sẽ xử phạt bằng chế tài hành chính. Đối với hình sự chỉ thực hiện khi có các vi phạm nghiêm trọng. Đối với ba công trình này, vấn đề vi phạm PCCC đã kéo dài, ý thức khắc phục, tiếp thu kém và dù đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình sai phạm. “Do thấy trước được hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sinh hoạt đời thường của người dân với các vi phạm an toàn PCCC của ba chung cư này nên UBND TP và các cơ quan chức năng đề nghị xử lý nghiêm hơn" - tướng Định nhấn mạnh.