Mùa xuân ở miền Đông Nam Bộ rất lạ. Không rực rỡ với đào, ban, mơ như ngoài Bắc; cũng không sặc sỡ một góc trời với mai, cúc, hướng dương như miền Tây. Mùa xuân ở miền Đông có “giao diện” rất giống mùa thu ở Seoul (Hàn Quốc) hay Osaka (Nhật Bản). Điều tạo nên sự khác biệt cho mùa xuân ở miền Đông chính là những đồi cao su đang vào mùa lá đỏ.
Lạc vào “ma trận” cao su
Đi dọc cung đường Quốc lộ 13, 14 nối từ TP.HCM xuyên qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Nguyên hay những con đường ngoằn ngoèo nối các tỉnh, thành miền Đông, bạn sẽ thấy những điểm nhấn cực kỳ ấn tượng: Những vạt rừng cao su thi nhau chuyển tone từ xanh sang đỏ. Những quả đồi na ná nhau vuông như khăn, đều như bắp, thẳng tăm tắp nối nhau chạy dài tới tận chân mây. Phượt trên những đồi cao su là một cảm giác vi vu bất tận. Phượt thủ như lạc vào “ma trận” những con đường nhỏ dài hun hút bị nuốt đầu, nuốt đuôi bởi những rặng cao su “bài binh bố trận”.
Vì mải mê ngắm khung trời cao su đỏ lá nên người ta cũng lượn lờ với thứ cảm xúc hỗn hợp. Vào mùa tết, không khí miền Đông lành lạnh, lòng người cảm giác lâng lâng. Vội lên mạng tìm hiểu về “sự tích” cây cao su.
Thật thiệt thòi cho loài cao su. Sổ sách cõi mạng tương truyền sự tích cây gì cũng có, trừ… cây cao su. Chỉ nghe một số dân mạng đồn thổi, vào thế kỷ trước, ngay cái năm mang số đuôi “Thần tài” (1839) có một người ở châu Mỹ làm nghề bác sĩ thú y nhưng lại đam mê công nghệ và nghĩ ra cách chế biến nhựa cây cao su để làm vỏ xe, ruột xe chạy cho êm. Một lần nọ, vào cái năm có số “lộc phát” (1876), một nhà thực vật học ở châu Âu đã lấy hạt cây cao su từ châu Mỹ về London. Họ trồng thử nghiệm trong nhà kính ở Kew Gardens để cây thích nghi với khí hậu Đông Nam Á. Khi thử nghiệm thành công, họ đem sang thuộc địa ở Malaysia gây giống, rồi loài cây này sau đó cũng lạc sang tận Việt Nam.
Cao su cũng đi vào câu chuyện của các cô cậu học sinh cấp III với công thức hóa học được ví như “mạng nhện” hoặc mật mã Da Vinci bởi chiếc sơ đồ cấu tạo của chất cao su dài dằng dặc.
Vòng đời “triết lý” của cao su
Tuy không có sự tích trên cõi mạng hay bất cứ sổ sách gì nhưng vòng đời loài cao su lại mang dáng dấp của triết lý cuộc sống. Đó là câu chuyện về việc phải trải qua đau thương mới tạo nên giá trị.
Có thể bạn chưa biết, cao su là loài cây luôn bị tổn thương về thể xác vào mỗi lần người dân khai thác. Để cho ra sản lượng và những sản phẩm có giá trị, mỗi ngày vào lúc sáng sớm, loài cao su sẽ phải chịu một nhát dao rạch trên người để mủ chảy cho đến khi vết thương khô lại. Sáng hôm sau, một đường dao khác được rạch cạnh vết thương cũ. Những vết sẹo và vết thương cứ chi chít dày lên mỗi ngày cho đến khi cây già cỗi, về với lòng đất đỏ.
Mủ cao su ban đầu rất lỏng, để lâu sẽ đông đặc lại, có mùi rất… hôi. Nhưng ngược lại, nếu mủ còn tươi được đun lên sẽ có mùi rất thơm và rất lạ. Những người thu mua cao su sẽ đun mủ tươi với một lượng nhỏ để thử độ đậm đặc. Vậy nên nếu bạn thấy ở đâu đó có quảng cáo “cao su già” hay “cao su non”… thì cũng đừng thắc mắc nhé!
Sau những nhát dao chi chít, loài cao su tạo ra giá trị khi cống hiến cho con người vô số những vật dụng hữu ích từ đơn giản đến cao cấp, từ cao cấp đến siêu cao cấp. Đó là những lốp ô tô, xe máy, xe đạp; đó là những đôi dép bền bỉ hay chiếc nệm êm ái nâng niu giấc ngủ… Có lẽ vì tạo ra quá nhiều giá trị cho cuộc sống con người mà loài cao su được nhiều người ví von là “vàng trắng”.
Chuyển mùa, thay áo
Về mặt thẩm mỹ, cao su lại có nét đẹp theo kiểu không phải hoa, không phải cây kiểng cũng không phải khu du lịch sinh thái hay bất cứ thể loại nào cả. Nó đơn thuần chỉ là sự tập hợp của những cây thẳng tắp và thành một khung cảnh tự nhiên mà ai đi qua cũng phải trầm trồ.
Mỗi năm cao su “làm việc” vật vã khoảng 10 tháng, cho đến cận tết Nguyên đán, khi tiết trời cao nguyên và miền Đông se lạnh, cũng là lúc loài cao su “lãn công” và đòi… nghỉ tết. Không tất bật như các loài hoa nở rộ cuối năm, cây cao su chỉ lặng lẽ thay áo. Mùa cao su thay áo rất dễ nhận biết, nó là một bản phối màu của họa sĩ bậc thầy với những gam màu xanh, đỏ, vàng, nâu, biếc... Và đâu đó vẫn có những cây cao su già cỗi chỉ còn trơ bộ xương cành.
Đây là lúc rừng cao su trở nên đẹp “bất thường”. Cho nên mới nói thoạt nhìn thì rất giống với những cây phong lá đỏ ở xứ Canada hoặc Mỹ nhưng ngắm kỹ lại liên tưởng tới mùa thu ở Seoul (Hàn Quốc) hoặc Osaka (Nhật Bản).
Mùa cao su thay lá là nét riêng của miền Đông, bởi lẽ miền Tây không có, miền Trung ít trồng và dĩ nhiên không ai bắt gặp rừng cao su nào ở miền Bắc. Với đặc tính của mình, cao su thích sống ở miền đất đỏ bazan hoặc đất xám bạc màu và không thích sự can thiệp của giá rét, ngập úng. Và dù cao su chịu đau rất giỏi nhưng lại không thể chịu được sự tàn khốc của thiên nhiên. Cây rất “mong manh dễ vỡ”, chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể quật gãy. Thế nên loài cây này luôn chọn khí hậu ôn hòa, dễ chịu như vùng đất đỏ miền Đông. Và một điều hiển nhiên nữa là chúng chỉ vươn vai mãnh liệt trong một khối gắn kết thành vạt, thành rừng.
Cao su không chỉ là dấu ấn miền Đông mà còn mang giá trị về văn hóa lịch sử. Đến huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) bạn sẽ được chiêm ngưỡng vườn cây cao su có từ thời Pháp thuộc, là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử, thể hiện sự phát triển của phong trào đấu tranh của công nhân trong các đồn điền cao su ở miền Đông nước ta.