Cao tốc TP.HCM-Cần Thơ phải xong trước năm 2020

Chiều 8-3, nguồn tin từ Hà Nội cho hay: Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã họp, thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ. Đây là hai hợp phần của tuyến cao tốc TP.HCM-Cần Thơ.

Trung Lương-Mỹ Thuận: Quý II-2018 có mặt bằng 

Theo Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long - chủ đầu tư), tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận chia thành 35 gói thầu, tổng diện tích bồi thường 458 ha, số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 3.000 hộ. Tổng kinh phí bồi thường khoảng 1.700 tỉ đồng. Đến nay, địa phương đã chuyển tiền đạt 75%, doanh nghiệp dự án đã chuyển tiền đạt 99%. Địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt 96%. Phần còn lại sẽ bàn giao trong quý II-2018.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện, Tổng Công ty Cửu Long kiến nghị Bộ xem xét, giải quyết các vấn đề về công tác thu xếp vốn tín dụng; Bộ tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục xây dựng cơ bản như lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện thiết kế bản vẽ thi công, dự toán dự án…

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết dự án Trung Lương-Mỹ Thuận là dự án đặc biệt quan trọng đối với Bộ GTVT. Chính phủ đã hứa trước Quốc hội về tiến độ. Nhà đầu tư đã chi trả tiền, tổ chức triển khai các gói thầu, tuy nhiên nhà đầu tư cần phải quyết liệt hơn nữa để không kéo dài dự án.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ Đối tác công tư phối hợp với Tổng Công ty Cửu Long báo cáo chi tiết tiến độ dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư tín dụng đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.

Trạm thu giá Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã đi vào hoạt động, là điểm đầu của tuyến cao tốc TP.HCM-Cần Thơ vào năm 2020. Ảnh: LƯU ĐỨC

Năm 2020 xong cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ

Theo ông Dương Viết Roãn, Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư), dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư từ tháng 8-2017. Đây là dự án quan trọng nên Bộ đã yêu cầu phải khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; Ban quản lý dự án Thăng Long đã trình hồ sơ lên Bộ và đã được các cơ quan, đơn vị đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, ông Roãn cho biết dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế (vốn chủ sở hữu, tổng mức đầu tư, quyền thu phí trạm Trung Lương), ngoài ra còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc khác về kỹ thuật.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ Đối tác công tư, Ban quản lý dự án Thăng Long khẩn trương tập trung giải quyết kịp thời công tác tổ chức đấu thầu. Thủ tướng Chính phủ đã hứa trước Quốc hội hoàn thành dự án trước năm 2020 nên các cơ quan, đơn vị phải tập trung nỗ lực đẩy nhanh tiến độ của dự án.

Có cao tốc TP.HCM-Cần Thơ sẽ không có câu chuyện Cai Lậy

Dự án cao tốc TP.HCM-Cần Thơ dài tổng cộng hơn 120 km. Đến nay, đoạn TP.HCM-Trung Lương (TP.HCM - Long An - Tiền Giang) dài 40 km đã hoàn thành năm 2010. Đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận dài 51 km đang thi công. Đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ dài 23,6 km đang chuẩn bị đầu tư. Theo kế hoạch, toàn tuyến cao tốc TP.HCM-Cần Thơ sẽ hoàn thành năm 2021nhưng mới đây Quốc hội yêu cầu phải xong hai hợp phần còn lại, kết nối toàn tuyến vào năm 2020.

Theo một nguồn tin từ Bộ GTVT, sau sự cố BOT Cai Lậy, Bộ GTVT đã quyết liệt hơn trong việc sớm xây dựng hai đoạn cao tốc nêu trên để người dân, doanh nghiệp rộng đường lựa chọn đường đi về miền Tây hoặc lên TP.HCM.

Về quyền thu phí Trung Lương-Mỹ Thuận, Bộ trưởng GTVT yêu cầu cùng với tổ chức đấu thầu, Vụ Đối tác công tư tham mưu cho Bộ báo cáo Chính phủ có phương án xử lý theo quy định của pháp luật, theo tinh thần khẩn trương, thời gian tổ chức đấu thầu trong quý II-2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới