Rạng sáng 27-6, nhiều doanh nghiệp, tiểu thương đứng ngồi không yên khi tổ công tác của Chi cục Thú y TP.HCM tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn ngưng cấp giấy chứng nhận (GCN) kiểm dịch thịt ra khỏi địa bàn TP.
“Biết làm sao đây hả trời?”
Ngồi trước văn phòng thú y tại chợ đầu mối Hóc Môn, ông NVM bực bội: “Hằng ngày tôi mua một tấn thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn rồi chở về tỉnh Tây Ninh phân phối lại cho các cơ sở làm chả lụa và được thú y tại chợ này cấp GCN kiểm dịch để đi đường. Các cơ sở sản xuất chả lụa cũng đòi giấy kiểm dịch. Giờ thú y chợ đầu mối Hóc Môn không cấp giấy kiểm dịch thì tôi biết làm sao đây!”.
Tương tự, bà TTHL sốt ruột đi qua đi lại trước văn phòng thú y chợ đầu mối Bình Điền. “Hôm qua thú y chợ đầu mối Bình Điền còn cấp giấy kiểm dịch cho hai tấn thịt heo của tôi đi Bình Dương. Đùng một cái hôm nay ngưng cấp khiến tôi chẳng thể chở thịt heo ra khỏi TP.HCM. Không có thịt heo thì tôi chẳng có nguyên liệu sản xuất chà bông, giò lụa, xúc xích… Tôi hỏi cán bộ thú y thì người này kêu tôi lên hỏi Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM” - bà L. than.
Việc ngưng cấp GCN kiểm dịch ngoại tỉnh ảnh hưởng cả tiểu thương kinh doanh thịt heo trong chợ đầu mối và doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng thịt.
“Hôm nay tôi đưa về chợ đầu mối Hóc Môn khoảng năm tấn thịt heo, trong đó gần một tấn giao cho doanh nghiệp sản xuất lạp xưởng, chà bông… ở tỉnh Bình Dương. Giờ doanh nghiệp này không thể lấy hàng do không có giấy kiểm dịch, buộc tôi phải “ôm” và bán lại hàng với giá rẻ nên lỗ nặng” - bà H., tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn, than.
Còn ông P., chủ doanh nghiệp ở Bình Chánh, cho biết ông có hợp đồng giao xúc xích, thịt viên, chả lụa… cho các siêu thị ở Bình Dương, Đồng Nai. “Hôm nay ngưng cấp giấy khiến tôi chới với. Nếu không giao hàng đúng hợp đồng thì tôi sẽ bị phạt, thậm chí siêu thị ngưng lấy hàng” - ông P. lắc đầu.
Đoàn liên ngành TP.HCM thị sát hoạt động kinh doanh thịt heo ở chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: TRẦN NGỌC
Hai bên chỉ qua, chỉ lại
Trước đó, Pháp Luật TP.HCMcó bài viết “Vắng bóng thú y ở chợ đầu mối, tại sao?” đăng ngày 8-6. Bài viết phản ảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn rạng sáng 6-6 chỉ có ba nhân viên thú y TP.HCM làm việc trong khi bình thường có khoảng 10 người. Lý do là chưa có phân công trách nhiệm rõ ràng giữa Chi cục Thú y (thuộc Sở NN&PTNT) và Ban Quản lý ATTP TP.HCM trong việc kiểm dịch thịt từ các cơ sở giết mổ đưa vào chợ đầu mối và cấp GCN kiểm dịch ngoại tỉnh (cấp giấy cho lô hàng từ chợ đầu mối và các cơ sở trên địa bàn TP.HCM ra khỏi địa bàn TP).
Sau khi báo đăng, Sở NN&PTNT đề nghị Ban Quản lý ATTP tạm bố trí 42 nhân sự của ban tại hai chợ đầu mối và các cơ sở sản xuất thực phẩm để thực hiện kiểm dịch, cấp GCN kiểm dịch ngoại tỉnh đến hết ngày 20-6. Đề nghị này được Ban Quản lý ATTP chấp thuận.
Đến ngày 19-6, Sở NN&PTNT đề nghị Ban Quản lý ATTP tiếp tục chấp thuận tạm bố trí 42 nhân sự của ban để chi cục thú y phân công thực hiện việc cấp GCN kiểm dịch ngoại tỉnh.
Ban Quản lý ATTP đã có công văn đề nghị Sở Nội vụ có ý kiến về đề xuất của Sở NN&PTNT. Do chưa nhận được phản hồi từ Sở Nội vụ nên Ban Quản lý ATTP không chấp nhận đề nghị của Sở NN&PTNT.
Ngày 23-6, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, ký công văn có nội dung: “Từ 0 giờ ngày 27-6, các tổ chức và cá nhân liên hệ Ban Quản lý ATTP để đăng ký cấp GCN kiểm dịch sản phẩm động vật tại các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh, vận chuyển ra khỏi địa bàn TP.HCM”. Chính vì vậy, thịt từ các cơ sở giết mổ đưa vào chợ đầu mối thì được nhân viên Ban Quản lý ATTP kiểm tra. Trong khi đó, thịt từ chợ đầu mối TP.HCM xuất đi các tỉnh lại không được chi cục lẫn ban cấp giấy kiểm dịch.
Theo ông Thảo, khoản 2 Điều 4 Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý ATTP TP.HCM quy định: “Quản lý nhà nước về ATTP trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với tất cả loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến… thuộc phạm vi quản lý về ATTP của Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương được phân công, phân cấp…”. Căn cứ vào quy định trên thì trách nhiệm cấp GCN kiểm dịch ngoại tỉnh là của ban.
Trong khi đó, ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, cho biết trong báo cáo công tác bàn giao nhân sự và thủ tục hành chính của Sở NN&PTNT về ban có nội dung: “Riêng thủ tục cấp GCN kiểm dịch sản phẩm động vật tại các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh, vận chuyển ra khỏi địa bàn TP.HCM hiện chưa chuyển giao, chờ xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM. Do chưa được chuyển giao nên Ban Quản lý ATTP không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ cấp GCN kiểm dịch sản phẩm động vật ngoại tỉnh"
Những nhùng nhằng trong cách hiểu quy định nói trên cần được giải quyết dứt điểm, bởi các doanh nghiệp và tiểu thương hiện như ngồi trên đống lửa.
Thú y Bình Dương lo lắng Ngày 21-6, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bình Dương có công văn gửi Chi cục Thú y TP.HCM, trong đó lưu ý tình trạng thương lái thấy chợ đầu mối tại TP.HCM không cấp chứng nhận kiểm dịch ngoại tỉnh nên họ lơ luôn việc xin giấy kiểm dịch từ Bình Dương. Công văn viết: “Thời gian qua, một số thương lái vận chuyển thịt heo được giết mổ ở Bình Dương về chợ Tam Bình (Thủ Đức, TP.HCM) nhưng không lấy GCN kiểm dịch của tỉnh Bình Dương. Trước tình hình trên, để hạn chế nguy cơ gây mất ATTP, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bình Dương đề nghị Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp kiểm tra GCN kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh”. |