Ngày 16-12, ngày đầu tiên thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo, lượng người mua thịt heo tại các siêu thị đã tăng vọt. Bằng điện thoại thông minh hoặc bằng các máy quét đặt sẵn tại nơi bán, người mua có thể quét mã trên miếng thịt heo, thiết bị sẽ nhận diện mã và cung cấp toàn bộ thông tin về miếng thịt, từ nơi sản xuất đến nơi giết mổ.
Sức mạnh thông tin nguồn gốc thực phẩm
Động thái trên là hiệu ứng tích cực từ người dân, hưởng ứng đề án của Sở Công Thương TP.HCM, bắt đầu triển khai qua tin nhắn hàng loạt từ ngày 15-12 với hai cấu phần: công bố công khai thông tin nguồn gốc sản xuất và quy trình sản xuất thịt heo an toàn, công bố công khai các điểm bán thịt heo có thể truy xuất thông tin.
Người tiêu dùng không còn được khuyến cáo hãy mua thực phẩm “hiểu biết, thông minh” một cách chung chung mà đã được hướng dẫn cụ thể và có phương tiện, kênh thông tin để hiểu biết thực sự. Số lượng người mua thịt ở các điểm có truy xuất nguồn đông lên, khối lượng thịt bán ra tăng, không phải vì người dân tăng nhu cầu ăn thịt heo mà vì người dân thực sự quan tâm đến tin nhắn mà họ nhận được từ Sở Công Thương. Người dân thực sự mong muốn, thực sự hài lòng khi biết được nguồn gốc miếng thịt mình mua.
Miếng thịt heo được gán mã đã trở thành một biểu tượng thú vị của xã hội thông tin. Thông tin có sức mạnh thực sự, chi phối trực tiếp đến sức mua bán của thị trường, thể hiện sức mạnh trên mặt hàng thịt heo, thực sự gia tăng giá trị của miếng thịt đó. Nguồn thông tin ấy được cung cấp bởi cơ quan quản lý chứ không phải bởi chỉ riêng nhà cung cấp, không phải chỉ vì nhà sản xuất, nhà cung cấp muốn bán chạy sản phẩm. Người dân hiểu tính khách quan ấy cũng là hiểu những nỗ lực của chính quyền trong việc quan tâm thực sự, quan tâm thiết thực đến nguồn thực phẩm trong bữa ăn của người dân hằng ngày.
Từ những động thái của nhiều phía: nhà quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng, có thể hy vọng một giai đoạn mới sẽ bắt đầu, thực phẩm sẽ “sạch” lên đúng nghĩa và được kiểm soát. Chính quyền đã làm được, người dân đã hưởng ứng. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm không chỉ bằng cách lập đội kiểm tra thị trường, không chỉ bằng thanh tra, lấy mẫu để xác định an toàn vệ sinh thực phẩm, không chỉ bằng các biện pháp lập chốt kiểm tra, thu, bắt mà bằng một cách văn minh hơn, có hệ thống hơn nhiều. Đây là cách làm bằng tầm nhìn, tầm quản lý của chính quyền, bằng tư duy hệ thống và năng lực kiểm soát hệ thống thực.
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc trước khi chọn mua thịt. Ảnh: TÚ UYÊN
Sức mạnh cộng hưởng chính quyền + dân
Vấn đề tiếp theo của niềm vui “thịt heo có nguồn gốc truy xuất được” vẫn là thông tin. Đề án đã khởi động nhưng nó phải vận hành liên tục, phải luôn được cập nhật để không thành “đánh trống bỏ dùi”. Để không có những miếng thịt heo đi ngang về tắt để đội lốt thịt sạch đánh lừa người tiêu dùng, hệ thống quản lý phải hoàn toàn đáng tin cậy. Thông tin đã trở thành một phần chất lượng của thực phẩm và rõ ràng người dân đánh giá cao sự minh bạch này. Đừng nghĩ thói quen dễ dãi trong ăn uống đã quá hằn sâu đến không thuốc chữa, chẳng qua là trong lúc không thể có lựa chọn nào khác hơn thì họ phải giả đò ngó lơ, chấp nhận khuất mắt thì ăn mà thôi.
Việc quét miếng thịt kiểm tra thông tin đang là một trải nghiệm mới mẻ của người mua nhưng rồi cũng không ai đủ thời gian để lúc nào mua cũng quét, mua cái gì cũng quét. Mức độ truy xuất thông tin có thể giảm sau thời gian đầu triển khai đề án nhưng điều đó không có nghĩa là nhu cầu giảm. Cơ sở dữ liệu về sản xuất, giết mổ, kiểm dịch thịt heo vẫn phải được vận hành một cách thường xuyên, đảm bảo đầy đủ thông tin, sẵn sàng đáp ứng bất kỳ nhu cầu truy xuất nào của người tiêu dùng. Khi người dân có nhu cầu kiểm tra thông tin, họ phải kiểm tra được ngay, thông tin vẫn phải đầy đủ và đáng tin cậy. Đề án của Sở Công Thương đã đánh đúng vào một vấn nạn của thị trường thực phẩm, đánh thức một nhu cầu lớn và thiết yếu của cộng đồng. Từ sự khởi động đến duy trì, đến chỗ xây dựng lòng tin của người dân đối với hệ thống quản lý nhà nước là một con đường dài. Cái thuận lợi trong bước khởi đầu hôm nay là đã được sự hưởng ứng, hợp tác của người dân - một nguồn lực lớn của toàn xã hội, có thể thúc đẩy hệ thống ngày càng được hoàn thiện, đạt đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự an toàn, xây dựng lòng tin về chất lượng thực phẩm, chất lượng môi trường sống.
Nỗ lực của chính quyền trong giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm rất đáng ghi nhận. Cộng hưởng với chính quyền, người dân cũng cần biết cách tự bảo vệ mình, chọn lựa một cách ứng xử văn minh, vì mình và vì một môi trường sống tốt hơn.
Chỉ cần chiếc smartphone Chỉ cần một chiếc smartphone với hệ điều hành Android, iOS, Window Store, người tiêu dùng có thể tải phần mềm TEFOOD về máy. Muốn biết địa chỉ nào gần nhất bán thịt heo, người mua chỉ cần chạm vào dòng chữ “Nơi mua thịt truy xuất”. Người tiêu dùng có thể xác định được điểm bán thịt heo sạch trong phạm vi bán kính 1,5 km. Ứng dụng trên tích hợp luôn cả phần phản hồi, ý kiến đánh giá của người tiêu dùng khi mua thịt. Cài ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo tại địa chỉ: http://te-food.com. Bạn đọc có thể xem hướng dẫn truy xuất nguồn gốc thịt heo tại trang http://kynguyenso.plo.vn/ky-nguyen-so/cong-dong/ung-dung-giup-ban-khong-mua-nham-thit-heo-thoi-671814.html. |