Người Sài Gòn hào hứng mua thịt heo bằng điện thoại

Hôm qua, 16-12, Sở Công Thương TP.HCM đã chính thức vận hành chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh. Trước đó, cơ quan này đã nhắn tin mời người dân đi mua thịt heo có truy xuất nguồn gốc.

Ngày đầu còn bỡ ngỡ

Tại khu vực thực phẩm tươi sống của Co.op Foodcosa ở quận Gò Vấp, TP.HCM không khí mua sắm nhộn nhịp hơn hẳn so với ngày thường. Tại đây có đặt bốn chiếc máy truy xuất để các bà nội trợ có thể tự tay scan tem nhận diện và biết được nguồn gốc miếng thịt heo.

Các nhân viên siêu thị luôn cầm trên tay điện thoại smartphone bật sẵn ứng dụng để có thể làm mẫu, hướng dẫn cho khách hàng. “Sau khi áp dụng phần mềm truy xuất, lượng thịt heo bán ra tăng gấp nhiều lần so với bình thường” - một nhân viên tại Siêu thị Co.op mart cho hay.

Bà Lê Thị Hà, nhà ở quận Gò Vấp, một tay cầm khay thịt có dám tem, tay kia cầm điện thoại quét lên con tem. Lập tức trên màn hình điện thoại hiện lên thông tin về trang trại giết mổ, cơ sở chăn nuôi…

Bà Hà nói: “Ban đầu tôi cũng hơi bỡ ngỡ vì chưa biết tải phần mềm ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo xuống thế nào nên thấy khó khăn. Sau đó nhờ có nhân viên siêu thị hướng dẫn thì mình thấy cũng dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên, nhiều người cho biết điện thoại phải có 3G mới dùng được”.

Chị Hà Thị Huệ, nhà ở Phú Nhuận tỏ ra hào hứng với việc mua thịt heo bằng điện thoại. Nhưng chị lúng túng khi cầm bịch thịt có dán tem vì chưa biết cách đặt con tem vào máy scan như thế nào. Lập tức chị được nhân viên hướng dẫn cách thực hiện.

“Tôi không xài điện thoại thông minh nhưng khi đến siêu thị có máy scan ngay tại chỗ hỗ trợ. Lại được nhân viên hướng dẫn cách truy xuất nguồn gốc thịt heo nên thấy sử dụng cũng dễ dàng” - bà Huệ phấn khởi.

Tại nhiều siêu thị, ngoài trang bị máy scan tại chỗ còn đặt tờ rơi hướng dẫn để các bà nội trợ không có smartphone mang về nhà. Khi có nhu cầu bà con có thể xem tờ rơi để biết cách sử dụng.

Nhân viên siêu thị hướng dẫn khách truy xuất nguồn gốc thịt heo sáng 16-12. Ảnh: TÚ UYÊN

Trong khi đó, ghi nhận tại các cửa hàng tiện ích, cửa hàng tiện lợi cho thấy dù ngoài bao bì có dán tem truy xuất nguồn gốc nhưng nhiều người không biết. Vì vậy, nhân viên bán hàng đã giới thiệu và hướng dẫn người mua ý nghĩa của con tem nhận diện, cách tải ứng dụng, các thao tác quét để biết thông tin về miếng thịt heo.

Một nhân viên tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan nói: “Ngày đầu tiên áp dụng nên nhiều người chưa quen, chúng tôi phải mất nhiều thời gian để hướng dẫn cho người mua”.

Tiếp tục hoàn thiện

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay trong quá trình triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo có gặp một số khó khăn. Chẳng hạn 85% nguồn thịt heo đưa vào thành phố tiêu thụ là từ các tỉnh, thành khác. Trong khi đó, truy xuất nguồn gốc thịt heo là chương trình của riêng TP.HCM, do đó cần có sự hưởng ứng đồng thuận tích cực từ các bên liên quan. Thêm nữa, để truy xuất được nguồn gốc, cả bốn công đoạn là người chăn nuôi, lò giết mổ, chợ sỉ, điểm bán lẻ phải phối hợp thật nhịp nhàng.

“Chỉ cần một công đoạn tham gia không tích cực hoặc không đồng bộ, thiếu sót thông tin thì quy trình bị trục trặc. Điều này sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng không truy xuất được thông tin” - ông Hòa nói.

Ông Hòa kỳ vọng qua chương trình này có thể chỉ cho người tiêu dùng địa điểm bán thịt heo an toàn, bảo đảm có sự giám sát của cơ quan chức năng. Mặt khác, tổ chức chuỗi khép kín từ trang trại tới bàn ăn, làm lành mạnh hóa thị trường, giúp cho người chăn nuôi chân chính bảo vệ thương hiệu và uy tín của chính mình.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vissan Văn Đức Mười đánh giá TP đưa ra chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo là rất ý nghĩa. “Chúng tôi đang có sẵn cơ sở vật chất nên khi áp dụng truy xuất nguồn gốc chỉ tốn thêm chi phí trang bị công cụ. Tuy nhiên, giá bán lẻ đến người tiêu dùng không tăng nên không gặp khó khăn gì”.

 Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, cho biết cái khó hiện nay là chủ trang trại, thương nhân… chưa quen thao tác các ứng dụng công nghệ thông tin khi tham gia vào quy trình truy xuất nguồn gốc. Do đó cần có thời gian điều chỉnh và làm quen để hoàn thiện dần.

Làm thế nào để truy xuất nguồn gốc thịt heo?

Chỉ cần một chiếc smartphone với hệ điều hành Android, IOS, Window Store, người tiêu dùng có thể tải phần mềm TEFOOD về máy. Cài đặt xong sẽ hiện ra giao diện gồm logo Sở Công Thương TP.HCM, dưới logo này là dòng chữ “kiểm tra nguồn gốc thịt heo của bạn”.

Dưới dòng chữ này là mẫu tem TEFOOD và mẫu QR code (mã truy xuất nhanh). Tiếp đến là dòng chữ “Truy xuất ngay” rất to, nằm phía trên dòng chữ nhỏ hơn “nơi mua thịt truy xuất” và “đánh giá nhận xét”.

Theo đó muốn biết địa chỉ nào gần nhất bán thịt heo, người mua chỉ cần chạm vào dòng chữ “Nơi mua thịt truy xuất” màn hình điện thoại sẽ xuất hiện dòng chữ có cho phép truy cập vị trí. Người dùng chạm vào “cho phép” thì bản đồ bán thịt heo xuất hiện.

Đến điểm bán, mua thịt xong, trên bao bì có dán tem TEFOOD. Người dùng chỉ cần chạm vào chữ “truy xuất ngay”, quét lên con tem sẽ biết miếng thịt đó của trang trại nào cũng như cơ sở giết mổ, nơi sản xuất, nơi bán lẻ...

Đáng chú ý, khi đã tải phần mềm trên, người tiêu dùng có thể xác định được điểm bán thịt heo sạch trong phạm vi bán kính 1,5 km. Ứng dụng trên tích hợp luôn cả phần phản hồi, ý kiến đánh giá của người tiêu dùng khi mua thịt.

Người tiêu dùng có thể cài ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo tại địa chỉ: http://te-food.com.

346 điểm bán thịt heo sạch

Toàn TP sẽ có khoảng 346 điểm bán thịt heo có truy xuất nguồn gốc ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm như: Co.opmart, Big C, Co.opfood, SagriFood, SatraMart, SatraFood, LotteMart; cửa hàng Vissan, C.P, Cocomart; Siêu thị Auchan, Aeon Citimart…

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smartphone chính thức triển khai đồng loạt trên địa bàn thành phố từ hôm 16-12 và sẽ tiếp tục hoàn thiện. Sau khi triển khai thành công tại kênh bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục áp dụng tại các chợ truyền thống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm