. Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để ứng phó bão số 4 tại Đà Nẵng, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng ban.
. Đến chiều tối 26-9, bão số 4 đang phát triển về phía tây, cách đất liền hơn 1.000 km nhưng vành mây đã gây mưa ở vùng ven biển khu vực Trung bộ.
. 57.840 phương tiện với gần 300.000 người đã được hướng dẫn diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động vòng, tránh ra khỏi vùng nguy hiểm.
. Bão số 4 - Noru là một trong những cơn bão được dự báo mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9-2006, bão số 9-Ketsana 10-2009 và bão số 9-Molave 10-2020.
. Bão sẽ gây nguy cơ ngập lụt ở khoảng 60 huyện và khu đô thị tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
. Các tỉnh thành đã lên phương án di dời dân, chằng chống nhà cửa, tàu thuyền đang hoạt động trên biển/cấm tàu cá ra khơi, cho học sinh nghỉ học để tránh bão…
+ Hơn 1.000 ngư dân vào tránh bão số 4 ở huyện đảo Trường Sa
Ngày 26-9, các cán bộ, chiến sĩ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang tích cực triển khai kế hoạch phòng chống bão số 4 với phương châm “4 tại chỗ”.
Các tàu cá neo đậu tránh trú bão trong âu tàu đảo Sinh Tồn. Ảnh: NGUYỄN TOÀN. |
Cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đã khẩn trương cắt tỉa cành cây, chằng buộc mái nhà, kho tàng, hệ thống pin, đèn năng lượng sạch.
Song song với đó triển khai các phương án phòng, chống ngập úng, triều cường, di dời nhân dân và các lực lượng về các khu vực nhà kiên cố, tổ chức luyện tập phương án cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển.
Các chiến sĩ cắt tỉa cành cây phòng chống bão số 4. Ảnh: NGUYỄN TOÀN. |
Đến 17 giờ ngày cùng ngày, cán bộ, chiến sĩ các đảo Sinh Tồn, Đá Tây, Trường Sa đã hướng dẫn cho 47 tàu cá của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với hơn 1.000 ngư dân vào âu tàu tránh trú bão an toàn.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn giúp nhân dân chằng buộc mái nhà. Ảnh: NGUYỄN TOÀN. |
Các đảo thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin về diễn biến của bão, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị y tế sẵn sàng đón ngư dân lên đảo khi có thời tiết xấu.
+ Khánh Hòa không cho tàu thuyền ra khơi từ 16 giờ ngày 26-9
Chiều 26-9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa có công điện tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó bão số 4.
Khánh Hòa không cho tàu thuyền ra khơi từ 16 giờ ngày 26-9. Ảnh: HH. |
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng yếu để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó sở tại.
Đặc biệt là các địa phương ven biển, kiên quyết sơ tán người tại những nơi nguy hiểm, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn khi mưa bão xảy ra.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương không để tàu thuyền khai thác hải sản ra khơi kể từ 16 giờ ngày 26-9. Đồng thời, thực hiện việc cấm biển trước 14 giờ ngày 27-9 cho đến khi có thông báo mới.
Các đơn vị cứu hộ, cứu nạn bố trí sẵn lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các cơ quan đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, mưa lũ.
+ UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công điện về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Khánh Hòa, sáng sớm 26-9, bão Noru đã đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 4.
Tàu thuyền neo đậu tại cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang. Ảnh: HH. |
24 giờ qua, thời tiết Khánh Hòa có nhiều mây, có mưa rào nhiều nơi, lượng mưa phổ biến dưới 20 mm, riêng Khánh Sơn 50 mm. Dự báo chiều và đêm nay khu vực Khánh Hòa có mưa rào nhiều nơi, có nơi mưa vừa mưa to và dông.
Hiện có 729 tàu thuyền với hơn 4.400 ngư dân đang hoạt động trên biển, các phương tiện đã nhận được thông tin để phòng tránh bão. Các địa phương cũng căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của mưa lũ để chủ động bố trí lực lượng chốt chặn, sơ tán người dân tại các điểm có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân.
Thực hiện công điện của Thủ tướng về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, các địa phương tập trung triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ”.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo để thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó.
Chủ tịch các huyện, TP, thị xã phân công lãnh đạo trực, căn cứ diễn biến của bão để phối hợp với Sở GD&ĐT xem xét việc cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn. Rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, lũ quét… Chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất…
Các sở ngành phối hợp với địa phương triển khai công tác đảm bảo an toàn kè sông, biển, hồ đập… đảm bảo an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển. Các chủ đầu tư chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình khi có tình huống xảy ra.
Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh chủ động phương án, triển khai lực lượng, phương tiện, thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, ban ngành tổ chức trực 24/24 theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh để nắm bắt và chỉ đạo kịp thời.
HUỲNH HẢI - TẤN LỘC
Đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện ở Kon Tum
Chiều 26-9, trao đổi với PLO ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (viết tắt là Ban phòng chống thiên tai) huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), cho biết huyện đã triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa bão.
Theo đó, huyện yêu cầu các xã theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, thông tin kịp thời cho nhân dân để chủ động phòng tránh.
Các xã triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Kiên quyết không để thiệt hại về người, tài sản với lý do chủ quan, thiếu lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc.
UBND huyện yêu cầu các phòng ban, làm theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du đập, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện, thủy lợi xung yếu trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông đề nghị các nhà máy thủy điện, Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra đối với các công trình thủy điện và hồ chứa trực thuộc các đơn vị.
Phòng NN&PTNT (cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai) có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu Ban chỉ huy báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai của các xã (nếu có), tham mưu Ban chỉ huy báo cáo UBND huyện, Ban chỉ huy tỉnh đảm bảo thời gian quy định.
Cùng ngày, các địa phương ở tỉnh Kon Tum cũng triển khai các biện pháp nhằm ứng phó với cơn bão số 4 (bão Noru)...
+ Theo thông báo của Đài khí tượng-thủy văn tỉnh Kon Tum, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 (Noru) nên 24 giờ qua khu vực tỉnh này có mưa nhiều nơi, lượng mưa các khu vực phổ biến đạt từ 5-40 mm. Riêng huyện Ia H’Drai có mưa to, lượng mưa đạt từ 70-100 mm.
Ảnh minh họa. Nguồn T.G |
Trong 24 giờ tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục có mưa nhiều nơi, rải rác có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông.
Dự báo, từ ngày 27 đến 29-9, bão số 4 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Kon Tum, gây mưa to đến rất to, gió mạnh, nhất là ở các huyện Đăk Glei, Kon Plong, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Rẫy và TP Kon Tum.
Từ 27 đến 30-9, trên các sông ở Kon Tum khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ lớn, mực nước lớn nhất đạt mức báo động 2, báo động 3 và trên báo động 3. Mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét ở các suối nhỏ, sạt lở đất ở nơi đất dốc.
Các địa phương nguy cơ sạt lở rất cao như huyện Tu Mơ Rông, Đắk Tô, Đắk Glei, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Kon Plong và Đắk Hà.
Trên cơ sở đó, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum các địa phương, các ngành và nhân dân cần chủ động triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với gió mạnh, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất. Chủ các công trình hồ, đập cần khẩn trương kiểm tra, rà soát, thực hiện các biện pháp điều tiết phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các huyện, TP theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ và tình hình cụ thể tại địa phương; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh.
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du các hồ chứa thủy điện, hồ thủy lợi, bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra, tổ chức trực ban 24/24 giờ. Chủ động cho học sinh nghỉ học và chỉ cho học sinh trở lại lớp học khi bảo đảm an toàn...
UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Sở Công Thương, Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đề nghị các chủ hồ, chủ đập thủy điện, thủy lợi triển khai công tác vận hành hồ chứa theo quy trình; chuẩn bị lực lượng, vật tư phương tiện sẵn sàng xử lý ngay khi có sự cố, tình huống phức tạp xảy ra…
VŨ LONG
+ Tại xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ cùng người dân chằng chống nhà cửa ứng phó với bão Noru.
Bà Đỗ Thị Tư (48 tuổi, ngụ xã Tam Thanh) cho biết, con cái đi làm ăn xa, mùa mưa bão đến không có ai ở nhà. Trước khi bão Noru đổ bộ, hai vợ chồng bà chỉ chuẩn bị bao cát, thùng xốp xúc cát đổ vào, chờ lực lượng dân quân, bộ đội đến thì nhờ hỗ trợ.
"Tôi nhờ lực lượng dân quân, bộ đội hỗ trợ chứ hai vợ chồng làm không nổi. Nghe nói bão mạnh, vợ chồng tôi cố gắng chuẩn bị, chằng chống nhà được chừng nào hay chừng đó”, bà Tư nói.
Đối diện nhà bà Tư, ông Ngô Thanh Nhân và vợ đã chuẩn bị sẳn hơn 30 bao cát, chỉ chờ có lực lượng ngang qua thì nhờ hỗ trợ đưa lên mái nhà chằng chống.
Lực lượng bộ đội đến từng nhà hỗ trợ người dân chống bão. |
“Có đứa con đi làm công ty, xin nghỉ nhưng không được. Tôi đẩy xe đi xúc cát, chờ lực lượng chức năng tới thì đưa lên chứ không biết làm sao. Đài dự báo bão mạnh, mình chuẩn bị sẵn, đến khi di dời cho an tâm”, ông Nhân nói.
Ông Võ Quang Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, cho biết trong sáng nay lực lượng dân quân, bộ đội, công an được huy động để hỗ trợ người dân đưa thuyền lên bờ, giúp dân chằng chống nhà cửa.
Bà Tư chuẩn bị bao cát, chờ các lực lượng đến thì nhờ đưa lên mái nhà. |
Theo ông Hân, để ứng phó bão Noru, xã chuẩn bị điểm trường tiểu học Ngô Gia Tự và Đồn Biên phòng xã Tam Thanh, sẵn sàng chỗ ở cho khoảng 1.000 người di dời, trú tránh.
Cùng với đó, xã đã giao tổ hậu cần đảm bảo thức ăn, nước uống cho người dân đến tránh trú. Theo lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trước 9 giờ ngày 27-9, toàn bộ người dân phải được di dời đến nơi an toàn.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, đối với tình huống bão mạnh, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức di dời 182.280 người, trong đó di dời tại chỗ 57.753 người, sơ tán 124.700 người.
Đối với tình huống siêu bão, tỉnh này sẽ di dời 401.901 người, trong đó di dời tại chỗ 111.470 người, sơ tán 290.585 người.
Một số hình ảnh bộ đội, dân quân tự vệ giúp người dân chằng nhà chống bão:
Dân quân tự vệ đưa từng bao cát lên mái chằng nhà giúp người dân. |
Dân quân tự vệ tham gia giúp người dân chằng nhà. |
Lực lượng dân quân di chuyển thang đến nhà cần chằng chống. |
Cùng với việc chằng chống nhà, xã Tam Thanh chuẩn bị khoảng 1.000 chỗ ở cho người dân sơ tán. |
+ Chiều 26-9, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có văn bản gửi Công ty Thuỷ điện Sông Bung, Công ty CP Thuỷ điện A Vương, Công ty CP Thuỷ điện Đak Mi, Công ty Thuỷ điện Sông Tranh về vận hành các hồ thuỷ điện trên địa bàn.
Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu các công ty trên chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất và chuyển chế độ vận hành theo quy định.
Các thuỷ điện xây dựng kịch bản vận hành, điều tiết hồ gửi về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Quảng Nam trước 6 giờ ngày 27-9.
Tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, Nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ; thường xuyên cung cấp bản tin dự báo lũ về hồ và số liệu mưa các trạm đo trên lưu vực hồ về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Quảng Nam để theo dõi.
“Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa”, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu.
Trưa cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đến kiểm tra công tác phòng, chống bão Noru tại Hồ Phú Ninh. Trong buổi chiều, Bộ trưởng tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống bão tại TP Hội An.
+ Sáng 26-9, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường ký văn bản về việc cho học sinh nghỉ học để phòng, tránh bão Noru.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam giao thủ trưởng các đơn vị thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh nghỉ học ngày 27-9.
Học sinh toàn tỉnh được nghỉ học ngày 27-9, các trường tổ chức chặt, tỉa cây phòng chống bão Noru. Ảnh: TN |
Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai chằng chống trường lớp, nhà làm việc, nhà kho, hệ thống cây xanh và các công trình xây dựng khác để phòng tránh gió bão làm tốc mái, ngã đổ; di chuyển tài liệu, sách vở, thiết bị và các phương tiện kỹ thuật khác của đơn vị đến nơi an toàn để tránh ướt, hư hỏng; tắt hết các thiết bị điện khi phòng không có người làm việc để đề phòng chập mạch điện nhằm đảm bảo an toàn trường học trong mưa bão.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời có phương án phòng chống hiệu quả.
Đặc biệt ở vùng trũng thấp, những nơi có thể chịu ảnh hưởng của lũ, thủ trưởng các đơn vị cần chỉ đạo, quán triệt cho học sinh và phụ huynh đề phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất...cần đảm bảo an toàn trong việc đi lại để tránh thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.
Ông Tường yêu cầu, sau khi bão lũ tan, các trường khẩn trương dọn dẹp vệ sinh trường lớp học, nhanh chóng ổn định tình hình dạy học, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh khi đến trường trở lại.
THANH NHẬT
Sáng 26-9, trước khi bắt đầu Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian để chỉ đạo về công tác ứng phó cơn bão số 4, tên quốc tế là Noru.
Bão Noru là cơn bão rất mạnh, dự báo khi bão áp sát bờ biển miền Trung nước ta trong khoảng đêm 27, sáng 28-9, bão vẫn giữ cường độ cấp 13-14, cấp cực kỳ nguy hiểm với mức độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Thủ tướng cho biết, ông vừa gọi điện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung và được báo cáo là ở nhiều nơi vẫn "trời quang mây tạnh". “Điều này có thể khiến nhiều người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến của bão.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Hiện Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đang có mặt ở miền Trung để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó bão.
AN HIỀN
“Hiện tại các dự báo của các cơ quan quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc và các sản phẩm mô hình số đều thống nhất cơn bão này có cường độ rất mạnh khi gần bờ”. Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết tại cuộc họp giao ban sáng nay, 26-9, của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai.
Theo ông Khiêm, dự báo của Mỹ, Trung Quốc về bão Noru khi gần bờ Thừa Thiên Huế - Bình Định có cường độ cấp 15-16; dự báo của Nhật Bản, Hồng Kông ở cấp 13-15. Thời gian bão ảnh hưởng trực tiếp từ sáng sớm ngày 28-9.
“Không có cơ quan nào dự báo bão giảm cường độ khi gần bờ” - ông Khiêm nhấn mạnh và phân tích có nhiều yếu tố khiến bão mạnh lên như vậy như nhiệt độ bề mặt nước biển đang rất cao, độ ẩm lớn… và khu vực chịu tác động trực tiếp dự kiến là Huế đến Bình Định là khu vực biển thoáng, gió cấp 13, giật cấp 14-15 rất nguy hiểm, nên ông Khiêm cho rằng tình hình đến lúc này phải cảnh báo ở mức độ cao nhất có thể.
AN HIỀN
Trưa 26-9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp phòng chống bão Noru.
Theo ông Chinh, sau khi xin ý kiến Thường trực Thành ủy, lãnh đạo TP quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học từ chiều 26-9 cho đến khi có thông báo mới, tùy vào diễn biến mưa bão.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng chủ trì cuộc họp phòng chống bão Noru trưa 26-9. Ảnh: TẤN VIỆT |
Việc cho học sinh nghỉ học sớm nhằm tạo điều kiện cho các địa phương khẩn trương sắp xếp, chuẩn bị cho việc sơ tán dân tập trung vào các trường học.
Ông Chinh cũng thông tin từ 12 giờ ngày mai (27-9) sẽ dừng họp chợ, tất cả cán bộ công chức viên chức, người lao động, công nhân… nghỉ làm việc.
Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cho hay, trong kịch bản bão Noru mạnh cấp 14 đến cấp 17, tổng số người dân tại Đà Nẵng phải sơ tán là hơn 107.000 người.
Trong đó, huyện Hòa Vang có số người dự kiến được sơ tán nhiều nhất với gần 30.000 người. Huyện này được dự báo là sẽ ngập úng cục bộ ở một số xã sau bão. Huyện đã chỉ đạo các xã thành lập chốt chặn, đảm bảo người dân không được vào những điểm ngập úng.
TẤN VIỆT-HẢI HIẾU
Ngày 26-9, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị có công văn về việc ứng phó với bão Noru, thông báo cho học sinh nghỉ học kể từ 12h45 ngày 27-9 cho đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Sở GD&ĐT yêu cầu tạm hoãn các cuộc họp, cuộc thi, hội nghị, tập huấn chưa thực sự cấp bách từ chiều ngày 27-9 cho đến khi có thông báo mới.
Học sinh ở Quảng Trị nghỉ học từ 12h45 ngày 27-9. |
Triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt đất; tham mưu với chính quyền địa phương có kế hoạch sơ tán học sinh tại các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão, mưa lũ, khu vực trũng thấp, ven sông, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn.
Trong quá trình sơ tán học sinh, lưu ý đảm bảo thực hiện các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm thích ứng an toàn, phù hợp trong điều kiện mới.
Các đơn vị cử lãnh đạo và lực lượng xung kích trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình mưa bão và giải quyết sự cố phát sinh.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông tin kịp thời, đầy đủ đến giáo viên, học sinh, nhất là vùng ven biển, sông, suối, đập, đê điều, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng, hồ nước xung yếu, công trình đang thi công, để chủ động các biện pháp phòng tránh...
Trưa 26-9, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành lệnh cấm biển để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển khi ảnh hưởng bão số 4. Thời gian bắt đầu cấm biển từ 15 giờ ngày 26-9.
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu chủ tịch UBND huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu, TP Tuy Hòa thông báo cấm các tàu thuyền ra khơi, các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản ven bờ, trên biển.
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên (bìa trái) kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại thị xã Sông Cầu. Ảnh: ANH NGỌC |
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã có công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4 kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, nâng cao năng lực ứng phó, ý thức của người dân nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại do thiên tai.
TẤN LỘC
Sáng 26-9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Cảng neo đậu Tịnh Hoà (xã Tịnh Hoà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, tỉnh Quảng Ngãi đang chủ động các phương án ứng phó trước khi bão Noru đổ bộ vào đất liền, quán triệt các địa phương không được để xảy ra những sự cố, vấn đề do lỗi chủ quan, trừ những sự cố bất khả kháng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi báo cáo công tác phòng, chống bão Noru. Ảnh: TN |
Theo bà Vân, kinh nghiệm từ những cơn bão trước cho thấy, vấn đề lo ngại nhất vẫn là sau khi cơn bão đi qua, ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu của bão không thể chủ quan. Một số người dân cho rằng bão đã kết thúc và đi về nhà, vẫn liều lĩnh qua các khu vực nguy hiểm dù đã có đặt biển cảnh báo.
Do đó, tỉnh Quảng Ngãi cương quyết không để những trường hợp này xảy ra bằng việc chỉ đạo lực lượng dân quân chốt chặn ở những địa điểm trọng yếu.
Bí thư tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân (đội mũ xanh) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền trao đổi với người dân. Ảnh: TN |
“Điều quan tâm nhất là đảm bảo tính mạng cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng đến năm huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Lý Sơn được xác định là vùng đầu tiên ảnh hưởng nặng của bão nên ngày hôm qua, lực lượng quân đội đã giúp cho bà con chằng chống nhà cửa và thực hiện các phương án ứng phó”, Bí thư Quảng Ngãi nói.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, đánh giá tỉnh Quảng Ngãi đã có sự chuẩn bị tích cực, đến thời điểm này thì tỉnh có thể tạm yên tâm trước khi cơn bão đổ bộ. Tuy nhiên, thực tế khi bão vào sẽ còn rất nhiều tình huống xảy ra, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục vận động tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là.
“Ngoài việc chủ động trong kêu gọi các tàu thuyền neo đậu, hướng dẫn các tàu thuyền ngoài khơi tìm nơi trú bão, Quảng Ngãi cũng như các tỉnh tỉnh miền Trung sẽ có những tình huống khó lường khi bão vào, trong đó có vấn đề sạt lở ở khu vực miền núi.
Lực lượng chức năng chuẩn bị phương tiện ứng phó khi cần thiết. Ảnh: TN |
Dù tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chuẩn bị những kịch bản tương đối để ứng phó như bố trí điểm tái định cư, di dời dân ở vùng xung yếu, nhưng cần phải có thêm lực lượng túc trực thường xuyên ở cạnh bà con để kiểm soát tốt tình hình.
Khi có tình huống xấu xảy ra sẽ động viên, thậm chí cưỡng chế với phương châm “cẩn tắc vô áy náy” để ứng phó với bão Noru”, Bộ trưởng Hoan chỉ đạo.
THANH NHẬT
+ Bình Định lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4
Ngày 26-9, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão Noru (bão số 4) do ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4. Ảnh: QĐ |
Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu các thiệt hại do bão gây ra.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Hoài Nhơn và các sở, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của Ban chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.
Cũng trong ngày hôm nay, nhiều lãnh đạo của tỉnh Bình Định đã đi kiểm tra và chỉ đạo về công tác phòng chống bão tại các địa phương.
Theo đó, trong sáng 26-9, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại đập dâng Phú Phong (huyện Tây Sơn), dự án đường ven biển Cát Tiến- Diêm Vân, đồng thời kiểm tra tình hình tàu thuyền tránh trú bão ở Cảng cá Quy Nhơn.
Cùng ngày, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với bão tại thị xã Hoài Nhơn, huyện An Lão, Hoài Ân và Phù Mỹ.
Tại đây, ông Tuấn đã yêu cầu các huyện triển khai phương án di dời người dân cùng tàu thuyền đến nơi an toàn, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa.
+ Bí thư Tỉnh ủy Bình Định kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại một số khu vực xung yếu
Ngày 26-9, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, trưc tiếp đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại một số khu vực xung yếu, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp.
Tại cảng cá Quy Nhơn, ông Hồ Quốc Dũng kiểm tra công tác ứng phó với bão tại cảng cá, các hoạt động hỗ trợ ngư dân đưa tàu thuyền vào tránh bão.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (thứ hai từ phải sang, hàng đầu) kiểm tra công tác ứng phó bão tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: NO |
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định, hiện đơn vị đang ưu tiên giải phóng hàng hóa cho các tàu cá đăng ký vào cảng bán hải sản, tránh trú bão. Khi các tàu vào cầu cảng bán hải sản xong thì phải rời cầu vào khu neo đậu an toàn.
Ban quản lý cảng cá yêu cầu các thuyền viên phải lên bờ trước khi mưa bão đổ bộ, không được ở lại cảng biển, trên tàu.
“Hiện chúng tôi đang tập trung kiểm đếm các tàu cá phát sinh, hướng dẫn chủ tàu đến khu neo đậu an toàn” - ông Thiện nói và cho biết Ban Quản lý cảng cá đã đăng thông tin lên Đài Thông tin Duyên hải để hướng dẫn các ngư dân, tàu thuyền vào cảng neo đậu an toàn.
Hiện cảng cá Quy Nhơn vẫn còn sức chứa 300 tàu.
Lực lượng biên phòng Bình Định hỗ trợ ngư dân ứng pho bão. Ảnh: NO |
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định thăm hỏi, động viên các ngư dân sớm di chuyển tàu cá đến nơi neo trú an toàn. Ông Dũng nhắc nhở bà con chủ động phương án chằng chống, neo buộc bảo vệ tài sản. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các cơ quan chức năng tuyệt đối không để ngư dân trên tàu khi bão đổ bộ…
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định tổ chức các chuyến tuần tra, kiểm soát, vận động ngư dân tại các cửa biển, cảng Quy Nhơn, đầm Thị Nại ứng phó với cơn bão số 4.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Bình Định trực tiếp đến các khu vực lồng bè ngư dân, khu neo đậu tàu thuyền để kiểm tra, vận động người dân thực hiện nghiêm túc quy định ứng phó với mưa bão, triều cường. Đối với các lồng bè ven cảng Quy Nhơn được thông báo neo cột, chằng chống cẩn thận và có phương án di chuyển, thu hoạch hải sản trước cơn bão lớn.
Lực lượng Bộ đội biên phòng Bình Định vận động ngư dân triển khai các biện pháp ứng phó bão. Ảnh: NO |
Tại cảng cá Quy Nhơn, lực lượng biên phòng phối hợp với Ban Quản lý cảng cá Quy Nhơn tổ chức kiểm tra, hỗ trợ ngư dân xuống cá bán cho các thương lái sớm di chuyển tàu cá đến nơi neo trú an toàn. Đến trưa 26-9, có 350 tàu cá vào đăng ký neo đậu tránh, trú bão tại cảng cá Quy Nhơn.
Đại tá Nguyễn Trung Hà, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, cho biết đã bố trí bốn tàu, 10 ca nô, tám xuồng chèo cùng 110 cán bộ, chiến sĩ trực sẵn sàng khi có lệnh, mở đài canh 24/24 để thực hiện công tác ứng phó với bão.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định đã thành lập năm đội với 50 cán bộ, chiến sĩ sử dụng ô tô, tàu thuyền của đơn vị thường trực sẵn sàng cơ động triển khai xuống địa bàn xung yếu để phối.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo các đơn vị ở khu vực biên giới biển nắm chắc tình hình tàu thuyền, ngư dân ven bờ, ngoài khơi để có kế hoạch phòng chống bão.
Lực lượng Bộ đội biên phòng Bình Định vận động ngư dân triển khai các biện pháp ứng phó bão. Ảnh: NO |
Đến nay, lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định đã phối hợp các đơn vị liên quan thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 1.253 tàu thuyền với 8.771 lao động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 4.
Tỉnh Bình Định hiện còn 34 tàu cá với 238 lao động đang trên đường chạy vào bờ. Hầu hết các chủ phương tiện, thuyền trưởng đã nắm thông tin, hướng di chuyển đến nơi an toàn.
+ Bình Định huy động giáo viên chằng chống trường học
Chiều 26-9, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định cho biết đã có thông báo cho học sinh mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên cho học sinh, học viên nghỉ học từ ngày 27-9 cho đến khi có thông báo mới nhằm chủ động phòng chống bão số 4.
Sở GD&ĐT Bình Định yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trong ngành giáo dục tỉnh khẩn trương rà soát, triển khai ngay công tác chuẩn bị chủ động ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất.
Sở GD&ĐT yêu cầu huy động lực lượng giáo viên, nhân viên của đơn vị, tham gia đưa máy vi tính, thiết bị dạy và học, hồ sơ đến các phòng ở tầng hai để phòng bị ướt do mưa tạt hoặc bị ngập nước. Chằng chống tường bao, mái, đóng và cài chốt cửa sổ, cửa ra vào các phòng học, tránh bị tốc mái, tung cửa khi bão đổ bộ.
Riêng các trường, điểm trường được xây cấp bốn cần chú ý đưa máy vi tính, thiết bị dạy và học lên kệ cao đề phòng nước ngập sâu do mưa lớn. Việc huy động nhân lực của đơn vị để triển khai các công việc cụ thể nêu trên phải đảm bảo an toàn và hoàn thành trước 11 giờ ngày 27-9.
Nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh nhắc nhở con em mình tuyệt đối không ra khỏi nhà khi mưa, bão đến; không tắm biển, không chèo bè, chống sõng, vớt củi, không qua các đoạn đường ngập nước sâu, chảy xiết; nhằm không để xảy ra thiệt hại về con người.
Nghiêm túc thực hiện chế độ trực ban tại đơn vị 24/24 giờ để phòng, chống lụt bão và chế độ thông tin báo cáo về công tác phòng, chống lụt bão của đơn vị cho Sở GD&ĐT và chính quyền địa phương nơi trường đóng,nhờ lực lượng cứu hộ địa phương hỗ trợ khi cần thiết. Mở cửa phòng học để người dân tạm trú theo yêu cầu của chính quyền địa phương (nếu có)...
+ Ra lệnh cấm biển
Theo dự báo của Đài Khí tượng- thủy văn tỉnh Bình Định, từ ngày 27 đến 28-9, ở khu vực Bình Định có mưa to đến rất to, giông.
Để ứng phó với bão số 4, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), các địa phương tập trung rà soát và triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, vùng nguy hiểm trên biển Đông được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn.
Các địa phương tổ chức, hướng dẫn di chuyển, chằng buộc, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn cho người và thu hoạch sớm nhằm giảm thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.
Rà soát, đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực ven biển, nhất là thành phố Quy Nhơn, các xã ven biển và đảo; kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các tuyến đường ven biển, cầu Thị Nại để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh ban hành lệnh cấm tàu cá ra biển bắt đầu từ ngày 26-9 cho đến khi có bản tin cuối cùng về cơn bão số 4.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các cấp rà soát phương án sơ tán dân, triển khai sơ tán dân theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4...
Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh chủ động phương án, triển khai lực lượng, phương tiện, thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão. Thành lập các tổ công tác của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về ngay các huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với bão, mưa lớn.
Các sở, ban, ngành thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai công tác ứng phó. Các Hiệu trưởng trường học căn cứ vào tình hình bão để cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Q.NAM
Video: Lên phương án sơ tán gần 1.000 dân trên đảo Phú Quý |
Ngày 26-9 tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, tỉnh đã xây dựng phương án di dời, sơ tán dân khi bão số 4 đổ bộ vào huyện đảo Phú Quý và đất liền.
Bộ đội Biên phòng Bình Thuận kêu gọi các tàu cá vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh TRUNG THÀNH. |
Tại huyện đảo Phú Qúy, số lượng dân cần di dời, sơ tán khi bị ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ tại các ba xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải trên đảo là 219 hộ với gần 1.000 người.
Địa điểm di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn theo kế hoạch là các trường học, Trạm Y tế xã, trụ sở cơ quan và nhà dân kiên cố.
Các địa phương trong đất liền ven biển gồm các huyện Tuy Phong, Bắc Bình Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và TP Phan Thiết với số lượng dân cần di dời, sơ tán khi bị ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ là 4.375 hộ/13.311 người. Trong đó, tại huyện Tuy Phong là địa phương có số dân đông nhất ở tám xã ven biển với 926 hộ/3.471 khẩu.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.552 tàu cá với 13.792 lao động, trong đó có 368 tàu cá/3.194 lao động đánh bắt xa bờ.
Các tàu thuyền hoạt động trên biển hiện nay đã kết nối thông tin, diễn biến về bão và đang được Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn, kêu gọi vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn, không di chuyển vào vùng ảnh hưởng của bão; giữ liên lạc với các đồn biên phòng, các đài thông tin Duyên hải khu vực và với gia đình, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Riêng tàu thuyền các tỉnh đang neo đậu tại các bến trong tỉnh là 100 chiếc với 940 lao động.
Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Thuận đã thành lập một trung đội 30 cán bộ, chiến sĩ và các đồn Biên phòng, Hải đội 2 và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động mỗi đơn vị 10 cán bộ chiến sĩ cùng phương tiện thường trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Bộ đội Biên phòng Bình Thuận liên tục kết nối với tàu thuyền trên biển và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ cứu nạn. Ảnh TRUNG THÀNH. |
UBND tỉnh cũng đã giao Bộ Chỉ huy đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở NN&PTNT và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển theo dõi, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, phương tiện vận tải...
Tàu thuyền đậu trên sông Cà Ty, Phan Thiết. Ảnh PHƯƠNG NAM. |
Các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến về bão; tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường, sạt lở bờ biển, mưa, lũ, ngập lụt và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và đến mọi người dân trong cộng đồng biết, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời.
PHƯƠNG NAM
Chiều nay, 26-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia (Trung tâm KTTVQG) có buổi cung cấp thông tin về diễn biến, tác động của bão số 4 – Noru.
Sáng 28-9 bão đổ bộ Trung Trung bộ
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, tiếp tục nhấn mạnh đây là cơn bão có cường độ mạnh. Sau khi đi vào biển Đông vào sáng nay, cường độ bão đã yếu đi còn mức cấp 12, giật 14.
Tuy nhiên dự báo bão sẽ mạnh trở lại, cường độ đạt mạnh nhất khi ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa với cấp 14, giật cấp 16. Bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, đi rất nhanh với tốc độ 20-25km/giờ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm KTTVQG. Ảnh: AH |
“Nhận định khoảng sáng đến trưa 28-9 bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ, sau đó đi xuyên qua Tây Nguyên, sang Lào rồi sang Thái Lan và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan” – ông Hưởng nhấn mạnh.
Bão số 4 - Noru là một trong những cơn bão được dự báo mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9-2006, bão số 9-Ketsana 10-2009 và bão số 9-Molave 10-2020
Về ảnh hưởng và tác động của cơn bão số 4, ông Hưởng cho biết, ở trên vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11; vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 16; sóng biển cao từ 9-11m; biển động dữ dội.
Từ trưa 27-9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.
Từ tối và đêm 27-9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Về cảnh báo gió mạnh trên đất liền, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng cho hay từ gần sáng ngày 28-9, khu vực ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10; ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15.
Các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9; giật cấp 12-13; khu vực Kon Tum, Gia Lai ngày 28-9 có gió mạnh dần lên 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Hai kịch bản mưa lũ
Một trong những điểm đáng chú ý về tác động của cơn bão này là mưa lớn. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm KTTVQG) cho hay từ chiều mai đến ngày 28-9 ở khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên sẽ có mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh với lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm. Từ 28 đến 30-9 mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ.
Với lượng mưa lớn như trên, Trung tâm KTTVQG đưa ra 2 kịch bản lũ.
Dự báo về bão số 4. Ảnh: KTTVQG |
Kịch bản 1: Mưa lớn trên 300mm. Các sông ở khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Các sông ở Bình Định, Kon Tum, Gia Lai ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.Các sông ở Thừa Thiên Huế ở mức BĐ1 và trên BĐ1.
Kịch bản 2: Mưa lớn trên 400mm. Đỉnh lũ trên các sông ở khu vực Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Riêng sông Hương tại Huế lên mức BĐ2 và trên BĐ2. Ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Trung Trung Bộ và khu vực bắc Tây Nguyên.
Sẽ có khoảng trên 60 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt
Quảng Bình: Có nguy cơ ngập lụt tại các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, TP Đồng Hới, Thị xã (TX) Ba Đồn, Lệ Thủy
Quảng Trị: Hướng Hóa, Đắkrông, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, TX Quảng Trị, TP Đông Hà
Huế: Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, TP. Huế
TP Đà Nẵng: Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn
Quảng Nam: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Núi Thành, TP. Tam Kỳ
Quảng Ngãi: Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, TP Quảng Ngãi
Bình Định: An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, TP Quy Nhơn
Phú Yên: Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, TP Tuy Hòa
Kon Tum: Đăk Glei, Đăk Tô, Đăk Hà, KonPlong, TP KonTum, Sa Thầy, Ia H'Drai
Gia Lai: Mang Yang, Phú Thiện, Ayunpa, Krông Pa, An Khê, K Pang, TX. An Khê.
AN HIỀN
Theo thông tin từ Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành ven biển đã kết nối hướng dẫn cho 57.840 phương tiện với gần 300.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4, bão Noru để chủ động vòng, tránh ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bộ đội Biên phòng Bình Thuận kết nối với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Ảnh TT. |
Cụ thể có 760 tàu với 7.611 người hoạt động ở khu vực Bắc, giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; 6.795 tàu với 43.539 người hoạt động ở các khu vực khác và hiện có 50.285 tàu với 248.528 người đã neo đậu tại các bến.
Chiều 26-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết hiện bão số 4 di chuyển chủ yếu hướng Tây, với tốc độ từ 20-25 km/giờ. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km có xu hướng mạnh thêm.
Bộ đội Biên phòng Bình Thuận thông báo, hướng dẫn cho các tàu neo đậu tại các bến. |
Đến 13 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở ngay trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166 km/giờ), giật cấp 17.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,5-19,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
PHƯƠNG NAM
Chiều 26-9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho hay hiện đĩa mây của bão Noru - bão số 4 phát triển về phía tây, cách đất liền hơn 1.000 km nhưng vành mây đã gây mưa ở vùng ven biển khu vực Trung bộ.
“Từ chiều tối mai, khả năng khu vực ven biển và đất liền các tỉnh Trung Trung bộ bắt đầu có ảnh hưởng gió từ cơn bão này. Đi kèm với gió là mưa nhưng mưa lớn sẽ tập trung vào ngày 28-9” - ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, trong ba tiếng qua, cấu trúc bão tốt hơn, cường độ có xu thế mạnh hơn so với sáng sớm nay. “Nếu đúng như dự báo hiện tại thì sau 15 giờ chiều mai là thời điểm căng thẳng nhất khi ven biển, đất liền Trung bộ bắt đầu chịu tác động trực tiếp của bão” - ông Khiêm cho hay.
Dự báo vùng ảnh hưởng của bão Noru. |
Liệu bão có giảm cấp hay tăng cấp đột ngột khi vào bờ? Trả lời câu hỏi này, ông Khiêm cho hay tất cả các dự báo đều dựa trên các mô hình tính toán và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khi vào gần bờ bão sẽ vào vùng nước nông hơn, tương tác với ma sát của địa hình nên về mặt lý thuyết cường độ bão sẽ giảm.
Tuy nhiên, cường độ của bão vẫn có thể bị tác động bởi các yếu tố khác như không khí lạnh làm bão mạnh lên.
“Chúng tôi có các trạm radar ở Quy Nhơn, Đông Hà, Tam Kỳ nên khi bão vào cách 200 km thì có thể nhìn thấy rõ cấu trúc của bão. Nếu bão vẫn giữa nguyên cường độ cấp 13-14 thì chúng tôi sẽ lập tức cảnh báo tới chính quyền địa phương, người dân” - ông Khiêm nhấn mạnh.
AN HIỀN
Hôm nay, 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 4.
Ban chỉ đạo tiền phương được đặt tại thành phố Đà Nẵng, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm trưởng ban.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó với bão số 4. |
Phó trưởng ban là ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. Ngoài ra còn có thành viên các bộ, ngành liên quan.
Ban chỉ đạo tiền phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4, bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng nhân dân, hạn chế thiệt hại do bão; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tỉnh huống phát sinh. Ban chỉ đạo tiền phương thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, bão số 4, tên quốc tế Noru là cơn bão rất mạnh.
Dự kiến bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định với cường độ cấp 13-14 vào sáng 28-9.
Đáng chú ý khi đây là khu vực biển thoáng nên với gió cấp 13, giật cấp 14-15 là rất nguy hiểm. Do vậy cấp độ rủi ro thiên tai với khu vực này đã được nâng lên cấp 4 với mức rủi ro rất lớn.
AN HIỀN
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 4 giờ sang nay (27-9), vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Vị trí, đường đi của bão số 4 |
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 300km, Quảng Nam khoảng 250km, Quảng Ngãi khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 04 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị-Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.
Từ sáng 27-9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.
Từ chiều 27-9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,0-1,5m; mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 2,0-2,5m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: từ tối và đêm 27-9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Cảnh báo mưa lớn: từ ngày 27-9 đến ngày 28-9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Cấp độ rủi ro thiên tai:
Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: cấp 4
Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai: cấp 3.
HC