Khẩn trương ứng phó siêu bão Noru

(PLO)- Ban chỉ đạo nhận định bão Noru mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 nên đề xuất lập ban chỉ đạo tiền phương để ứng phó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 16 giờ chiều nay (26-9), bão Noru đi vào Biển Đông thành bão số 4 với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149 km/giờ), giật cấp 16.

Bão di chuyển nhanh, sức tàn phá mạnh

Sau đó bão di chuyển nhanh, có xu hướng mạnh hơn và đến chiều mai, tâm bão sẽ ở khoảng 15,8 độ vĩ Bắc; 111,8 độ kinh Đông, trên vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166 km/giờ), giật cấp 17.

Bão số 4 tiếp tục di chuyển nhanh (mỗi giờ đi được 20-25 km), vào đất liền khu vực Trung Trung bộ. Đến 16 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở trên biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10.

Vị trí, đường đi của bão số 4 và ảnh mây vệ tinh của bão số 4. Ảnh: nchmf.gov.vn

Vị trí, đường đi của bão số 4 và ảnh mây vệ tinh của bão số 4. Ảnh: nchmf.gov.vn

Trên đất liền, từ chiều tối và đêm 25-9, ở khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40 mm, có nơi trên 70 mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Từ ngày 27-9, ở khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định, Tây Nguyên có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 150-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt.

Riêng khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, đêm 27-9 đến 30-9 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 150-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt.

Các ngành, địa phương tạm dừng, hoãn một số cuộc họp không thật sự cần thiết để chỉ đạo ứng phó với siêu bão, cấp độ rủi ro cấp 4.

Đề nghị lập ban chỉ đạo tiền phương

Chiều 25-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai với sự tham dự của lãnh đạo 14 tỉnh, thành.

Theo Phó Thủ tướng, Noru là cơn bão lớn nhất trong năm năm trở lại đây. “Dự báo cơn bão này rất mạnh, có thể giật tới cấp 17, di chuyển nhanh. Vào đất liền mà cấp 13 thì nhà cấp 4 sẽ bị thổi bay, tốc mái. Đề nghị các bộ, ngành, nhất là địa phương tổ chức di tản dân, kêu gọi tàu thuyền di chuyển tới nơi an toàn… Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác” - Phó Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu việc dự báo phải thường trực 24/24 giờ, tham khảo rộng rãi các cơ quan quốc tế để có đánh giá chính xác, có giải pháp ứng phó.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai với sự tham dự của lãnh đạo 14 tỉnh, thành. Ảnh: AH
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai với sự tham dự của lãnh đạo 14 tỉnh, thành. Ảnh: AH

Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương tạm dừng, hoãn một số cuộc họp không thật sự cần thiết để chỉ đạo ứng phó bão. “Xây dựng kế hoạch cụ thể, vì đây là siêu bão, cấp độ rủi ro cấp 4, cấp cao nhất” - Phó Thủ tướng nói.

Ông chỉ đạo Bộ NN&PTNT chuẩn bị phương án lập ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa hậu quả của siêu bão Noru.

Trước mắt sẽ thành lập các đoàn công tác của Chính phủ, ban chỉ đạo, các bộ, ngành để tăng cường kiểm tra thực tế.

Cấm tàu thuyền ra khơi

Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thống nhất thời gian cấm biển, không cho tàu ra khơi, kiểm soát tàu trên biển; đồng thời có phương án rà soát đưa tàu về, đảm bảo an toàn, tránh tình trạng về bờ rồi vẫn bị lật thuyền.

Đối với các hộ dân ở nhà cấp 4, với sức gió giật như dự báo thì cần có phương án sơ tán trước, tránh thiệt hại về tính mạng người dân. Các địa phương thành lập các ban chỉ đạo và đoàn công tác của địa phương từ tỉnh/TP tới các quận/huyện, xã. Bảo đảm dự trữ lương thực, thực phẩm để đề phòng trường hợp bị chia cắt, người dân không đi lại mua bán được.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban chỉ đạo, nhận định đây là cơn bão rất lớn, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Với cấp độ rủi ro này, công tác chỉ đạo nên ở cấp Thủ tướng và nên lập ban chỉ đạo tiền phương để ứng phó kịp thời.

Các tỉnh, thành khẩn trương ứng phó bão số 4

• Quảng Trị: Lên kế hoạch sơ tán người dân

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có công điện ứng phó với bão Noru.

Huyện đảo Cồn Cỏ kêu gọi tàu thuyền đang neo đậu trên đảo, hoạt động trên biển vào bờ tránh trú. Các đơn vị trên đảo đang chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Huyện này cũng lên kế hoạch sơ tán người dân vào các hầm trú bão.

• Quảng Bình: Ứng phó mưa bão nhiều ngày

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết các lao động đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về cơn bão Noru và đang ra khỏi khu vực nguy hiểm, vào khu vực tránh trú.

Tỉnh có phương án ứng phó với bão, mưa lũ kéo dài nhiều ngày, lên phương án sơ tán người dân, tài sản và chuẩn bị lương thực tại các nhà phao khi có lũ đổ về.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình phòng chống bão tại Đà Nẵng. Ảnh: N.QUANG
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình phòng chống bão tại Đà Nẵng. Ảnh: N.QUANG

• Thừa Thiên-Huế: Dự trữ gạo, mì đủ bảy ngày

Thừa Thiên-Huế thực hiện lệnh cấm biển từ sáng 25-9. Người dân nhiều địa phương tại vùng biển Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào neo đậu ở các khu an toàn.

Địa phương đã lên phương án dự trữ cấp tỉnh với 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo. Các địa phương tự dự trữ và vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo bảy ngày khi có thiên tai xảy ra.

• Đà Nẵng: Đưa các tàu chở dầu ra khỏi cảng cá Thọ Quang

Chiều 25-9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình phòng chống bão tại cảng cá và âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

Địa phương này đã di dời các tàu chở dầu ra khỏi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đến nơi neo đậu an toàn, đảm bảo phóng cháy chữa cháy; lên các phương án di dân đến nơi an toàn; đã bố trí các địa điểm, lương thực để cho người dân sơ tán...

• Quảng Nam: Người dân tất bật chằng chống nhà ứng phó siêu bão Noru

Chiều 25-9, người dân ở các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Nam đã chằng chống nhà cửa để ứng phó với bão số 4 (bão Noru).

Tại xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam), người dân chuẩn bị bao cát, can nước, đất, đá… sẵn sàng đưa lên mái nhà. Hệ thống loa phát thanh của xã liên tục thông báo cập nhật diễn biến bão số 4.

• Bình Thuận: Bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó

Công an tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đề nghị chủ động ứng phó với bão Noru.

Công an tỉnh yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tập trung ứng phó với thiên tai, bão, lũ, tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng lực lượng tham gia phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, điều tiết giao thông, đảm bảo thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra thiên tai… NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm