“Diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp COVID-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động”.
Đây là nhận định của Bộ KH&ĐT trong báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đang diễn ra chiều nay (12-2).
Ảnh hưởng kinh tế toàn cầu khoảng 160 tỉ USD
Để có được báo cáo này như công văn của Thủ tướng ngày 7-2, Bộ KH&ĐT đã chủ động làm việc với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngày 11-2 để lắng nghe ý kiến về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, giải pháp đề xuất hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp ứng phó với bệnh dịch do virus COVID-19.
Bộ này cũng nghiên cứu ý kiến tại báo cáo của các bộ Công Thương, Tài chính, NN&PTNT để tổng hợp, đánh giá ảnh hưởng của dịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Từ khi virus Corona gây ra bệnh dịch COVID-19 đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành liên tục theo dõi, cập nhật thông tin, họp để đề ra các giải pháp vừa khống chế dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế. Trong ảnh là cuộc họp của Chính phủ hôm 4-2. Ảnh: VGP
Dẫn đánh giá của các tổ chức quốc tế, Bộ KH&ĐT cho hay kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài.
“Kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ nghiêm trọng, thiệt hại có thể lớn gấp 3-4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỉ USD” - báo cáo nêu. Lý do được nêu ra là vì kinh tế thế giới và Trung Quốc phụ thuộc nhau chặt chẽ hơn. Dự kiến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á có thể giảm còn 4% so với mức 4,3% của năm 2019. Ở ASEAN, Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Các lĩnh vực kinh tế đều bị ảnh hưởng. Ngay cả giá dầu thế giới cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5-2019 do lo ngại về giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại.
Ảnh hưởng toàn diện
Tại Việt Nam, cũng như báo cáo ngày 4-2, Bộ KH&ĐT đánh giá dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Từ nông, lâm, ngư nghiệp đến sản xuất công nghiệp, đầu tư, du lịch, vận tải, các ngành dịch vụ, xuất nhập khẩu, chỉ số giá tiêu dùng, lao động, giáo dục.
Đặc biệt, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho hay: “Tính đến 16 giờ 50 ngày 8-2 có 57 địa phương cho học sinh nghỉ thêm một tuần. Điều này giúp ngăn chặn dịch lây lan nhưng ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, sinh viên, nhiều lao động phải nghỉ việc, một số phải làm việc tại nhà để trông con”.
Sau khi nhận định tình hình, Bộ KH&ĐT vẫn đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Theo kịch bản 1, nếu khống chế được dịch trong quý I-2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Theo kịch bản 2, nếu dịch được khống chế trong quý II-2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Như vậy, nếu so với hai kịch bản được Bộ KH&ĐT đưa ra hôm 4-2 thì dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam tiếp tục được hạ thấp hơn. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 5-2, Bộ KH&ĐT đưa ra dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam là 6,27% theo kịch bản 1 và 6,09% theo kịch bản 2.
Kích cầu đầu tư công
Sau khi kiến nghị Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan, Bộ KH&ĐT kiến nghị hai giải pháp chủ chốt. Trong đó, bộ này nhấn mạnh việc khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt.
Thủ tướng hôm 4-2 yêu cầu tập trung chống dịch COVID-19 và vẫn phải đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng. Ảnh: VGP
Cùng với đó, bộ này đề nghị khẩn trương hoàn thành thủ tục các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, đa mục tiêu, kịp thời khắc phục các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhằm hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội…
Cụ thể hơn, bộ đề nghị “tăng cường trách nhiệm người đứng đầu để có thể sớm khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án đầu tư công quan trọng quốc gia”. Một số dự án được đề cập là đường bộ cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các dự án giao thông và thủy lợi giữ nước ngọt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Ngoài ra, bộ cũng đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư của một số dự án hạ tầng BOT. Mục đích là vừa đẩy mạnh kích cầu đầu tư công lành mạnh thời kỳ “hậu dịch”, không ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô, vừa sớm có thêm các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo tác động lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.