Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính tới 13 giờ 45 ngày 12-2, trên toàn thế giới có 1.115 ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus COVID-19 gây ra và 45.171 ca nhiễm.
Có 4.771 ca nhiễm được chữa khỏi.
Riêng số ca tử vong và ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục lần lượt là 1.113 và 44.653, hầu hết số ca tử vong là tại tâm dịch Hồ Bắc.
Số liệu về tình hình dịch Corona trên thế giới được SCMP cập nhật.
Đến nay, vẫn chỉ có hai ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc (một ca ở Philippines và một ca ở đặc khu Hong Kong).
Tại Việt Nam, bé ba tháng tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc được xác nhận dương tính với virus COVID-19 mà Bộ Y tế thông tin sáng 11-2 là trường hợp thứ 15 nhiễm virus này.
Ông Michael Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO ngày 11-2, nói rằng virus COVID-19 có nguy cơ lây lan nhanh hơn so với virus Ebola hay SARS.
WHO: Phải xem COVID-19 là kẻ thù công khai số một
WHO đã yêu cầu các quốc gia quyết liệt hết mức có thể trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (tên chính thức là COVID-19), gọi tắt là dịch Corona.
“Nếu thế giới không muốn thức tỉnh và coi virus này là kẻ thù công khai số một, tôi không nghĩ chúng ta sẽ học được bài học đắt giá” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 11-2.
“Chúng ta vẫn đang trong chiến lược ngăn chặn và không nên cho phép virus có không gian để lây lan” - ông Ghebreyesus nói.
WHO nói vaccine có thể sẵn sàng trong 18 tháng nữa
"Vaccine đầu tiên chống COVID-19 có thể sẵn sàng trong 18 tháng nữa. Vì vậy chúng ta phải làm mọi thứ hôm nay và sử dụng mọi vũ khí có sẵn” - Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus nói.
Ông Tedros cũng thông báo rằng cái tên mới mà các chuyên gia y tế thống nhất đặt cho chủng mới của virus Corona là COVID-19. Ông giải thích rằng điều quan trọng là cái tên tránh sự kỳ thị và có thể không chính xác nếu dùng những tên khác.
“Nếu chúng ta đầu tư ngay bây giờ… chúng ta có một cơ hội thực tế để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh này” - ông Ghebreyesus nói.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung bị ảnh hưởng
Dịch Corona có thể tác động lên việc Trung Quốc mua các mặt hàng nông sản của Mỹ trong năm nay theo thỏa thuận giai đoạn 1 giữa hai nước, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien nói ngày 11-2, theo SCMP.
“Chúng ta hy vọng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ cho phép Trung Quốc nhập khẩu thêm lương thực và mở cửa những thị trường này cho nông dân Mỹ. Tuy nhiên, như chúng ta theo dõi tình hình dịch Corona khởi phát ở Trung Quốc, chắc chắn nó sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc mua nông sản, ít nhất là trong năm nay” - ông O’Brien nói trong một sự kiện tại Hội đồng Atlantic.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung bao gồm các cam kết của Trung Quốc tăng cường mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ ít nhất là 200 tỉ USD trong hai năm tới.
Liên quan tới tình hình dịch Corona tại Trung Quốc, ông O’Brien tiết lộ thêm tính đến nay không có bác sĩ nào của Mỹ tại Trung Quốc mặc dù Mỹ đã đề nghị giúp chống dịch.
“Chúng tôi đã trao cho Trung Quốc cơ hội để các bác sĩ Mỹ thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Viện Y tế quốc gia (NIH) cùng những bác sĩ khác tới Trung Quốc giúp đỡ họ. Đề nghị này đã không được chấp nhận vào thời điểm này nhưng đó là một đề nghị đáng chú ý” - ông O’Brien nói.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ ngày 10-2 nói rằng Trung Quốc đã đồng ý cho phép các chuyên gia y tế Mỹ vào nước này.
“Trung Quốc đã chấp nhận đề nghị của Mỹ kết hợp một nhóm chuyên gia với một phái đoàn của WHO tới Trung Quốc để tìm hiểu thêm và chống loại virus này” - người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere nói.
Trên Twitter ngày 10-2, Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus cho biết một nhóm các chuyên gia tiên tiến của WHO đã đến Trung Quốc “nhằm đặt nền móng cho nhóm quốc tế lớn hơn”.
Chuyên gia ngạc nhiên chuyện Indonesia đến giờ chưa có ca nhiễm nào
Theo trang tin Today Online, các chuyên gia sức khỏe rất ngạc nhiên khi cho tới giờ Indonesia vẫn chưa có trường hợp nào được xác nhận nhiễm virus COVID-19, bất kể nước này từng đón khoảng 5.000 du khách Trung Quốc mỗi ngày ngay trước dịch bệnh.
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Bali tuần trước nói rằng khoảng 5.000 du khách Trung Quốc vẫn còn ở Bali, trong đó có 200 người đến từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - tâm điểm của dịch virus COVID-19 gây ra.
Các nước láng giềng sát Indonesia như Philippines, Singapore, Malaysia và Úc tất cả đều có ca nhiễm.
“Đến nay, Indonesia là quốc gia lớn duy nhất ở châu Á không có trường hợp nhiễm virus COVID-19 nào. Dịch Corona không tồn tại ở Indonesia” - Bộ trưởng An ninh Indonesia Mohammad Mahfud nói ngày 7-2.
Ông Mahfud thêm rằng không có ai trong số 285 người được sơ tán từ Vũ Hán và hiện được cách ly theo dõi trên đảo Natuna của Indonesia không có triệu chứng nhiễm virus này.
Trong khi đó, năm nhà nghiên cứu tại Trường Y tế cộng đồng Harvard T.H. Chan tuần trước khuyến cáo hai nước Indonesia và Campuchia (hiện mới có một ca nhiễm) nên nhanh chóng tăng cường theo dõi các trường hợp nghi nhiễm.
"Rất nhiều trong số các ca bệnh từ nước khác mang tới đã liên quan tới lịch sử đi lại gần đây tới Vũ Hán. Điều này cho thấy lưu lượng đi lại đường không lớn có thể đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ lây nhiễm lan sang nước khác bên ngoài Trung Quốc" - các nhà nghiên cứu trên nói.
Theo kênh Al Jazeera, đáp trả một số lo ngại của các nhà nghiên cứu rằng có thể dịch Corona đã thâm nhập vào Indonesia rồi nhưng người dân nước này có thể không nhận ra những triệu chứng bệnh đó là do virus COVID-19 gây ra, Bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan Agus Putranto nói rằng nước này không hề che giấu bất cứ điều gì.
“Chúng tôi có các bộ dụng cụ để kiểm tra virus COVID-19 và đã được chứng minh không có gì để che giấu” - ông Putranto nói sau một cuộc họp nội các ở Jakarta.
Indonesia là nước đông dân thứ tư thế giới với gần 270 triệu dân sống rải rác trên 6.000 hòn đảo có người ở. Nước này hằng năm đón 2 triệu du khách Trung Quốc và chủ yếu là ở đảo Bali.