Ngày 26-12, trao đổi với PLO, một lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết UBND tỉnh chuẩn bị ban hành kế hoạch khắc phục các vi phạm, khuyết điểm theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ (TTCP) liên quan các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh này.
Trước đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ tài liệu để xem xét, điều tra xử lý vi phạm trong việc quản lý đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời chồng lấn quy hoạch thủy lợi thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận.
Bốn dự án điện mặt trời chồng lên hệ thống thủy lợi
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ do Bộ NN&PTNT làm quản lý đầu tư, được phê duyệt đưa vào quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thích ứng biến đổi khí hậu. Dự án có nhiệm vụ tưới trực tiếp cho 7.480 ha.
Ngày 22-4-2020, Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị làm rõ phạm vi chồng lấn của bốn dự án điện mặt trời gồm Công ty TNHH Thiên Tân Solar, Công ty CP Xuân Thiện Thuận Bắc, Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam và điện mặt trời CMX Rewable Energy Việt Nam.
Cụ thể, ba dự án điện mặt trời đã chồng lấn lên tuyến kênh chính 3,8 ha. Theo Ban Quản lý dự án 7 Bộ NN&PTNT, trường hợp phải nắn tuyến kênh chính Tân Mỹ kéo dài thêm 200 m thì kinh phí xây lắp tăng thêm 10 tỉ đồng.
Bộ NN&PTNT xác định bốn dự án điện mặt trời trên đã chồng lấn lên khu tưới Tân Mỹ hơn 492 ha. Qua kiểm tra nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc trên diện tích 169 ha, TTCP phát hiện có đến 100 ha nằm trong vùng tưới kênh TM-24. Trong khi kênh này có diện tích tưới chỉ 248 ha.
Còn nhà máy điện mặt trời của Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam có diện tích 264 ha thì có đến 100 ha chiếm trọn khu tưới kênh TM-22.
Sau khi Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị kiểm tra việc chồng lấn, ngày 3-6-2020, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản đề xuất hướng xử lý. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, bốn dự án điện mặt trời trên có tổng diện tích 773 ha đã được triển khai, đi vào hoạt động.
Trong đó, hai dự án điện mặt trời Trung Nam, Xuân Thiện Thuận Bắc là những dự án năng lượng kết hợp sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gần 460 ha. Các chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn lập đề án nghiên cứu giống cây trồng phù hợp dưới tấm pin. Khi có nguồn nước, dự án sẽ triển khai phần nông nghiệp. UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng các dự án này không làm thay đổi mục tiêu tưới của dự án Tân Mỹ.
Hai dự án điện mặt trời còn lại do yếu tố địa hình, định hướng đa mục tiêu sử dụng nguồn nước xác lập quy mô phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện hạn chế nguồn nước. UBND tỉnh Ninh Thuận đã cho chuyển đổi sang đất phát triển năng lượng tái tạo với tổng diện tích 332 ha.
Cung cấp thông tin về đất không chính xác
Tuy nhiên, theo TTCP, trong báo cáo thuyết minh đầu tư hai dự án điện mặt trời Trung Nam, Xuân Thiện Thuận Bắc không có phần sản xuất nông nghiệp như báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận.
Mặt khác, khảo sát thực tế hồi tháng 5-2022 tại các dự án trên thì không có cây trồng nào. TTCP cho rằng chiều cao trung bình cột giá đỡ các tấm pin là 1 m nên sản xuất nông nghiệp bên dưới là không khả thi.
Theo TTCP, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận đã có ý kiến về sự không phù hợp trong sử dụng đất của các dự án điện mặt trời. Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh xem xét không cho thực hiện dự án đối với khu vực đã quy hoạch thủy lợi, khu vực tưới. Tuy nhiên, UBND tỉnh không thực hiện chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án.
Trong khi đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Ninh Thuận báo cáo UBND tỉnh không đầy đủ các ý kiến của Sở NN&PTNT, trong đó có ý kiến về sự chồng lấn lên đất hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Sở TN&MT Ninh Thuận không nêu rõ hiện trạng đất đai có quy hoạch chồng lấn trong quá trình thẩm định, đề nghị UBND tỉnh cho thuê đất.
TTCP kết luận UBND tỉnh Ninh Thuận không thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định. Mặt khác, tỉnh chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất thủy lợi sang quy hoạch đất công trình năng lượng, phê duyệt các dự án điện mặt trời chồng lấn lên quy hoạch thủy lợi mà không mà không có ý kiến Bộ NN&PTNT; sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi là vi phạm quy định của Luật Thủy lợi.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh quy hoạch đất thuộc dự án thủy lợi nhưng không có ý kiến của Bộ NN&PTNT, điều chỉnh quy hoạch đất cấp tỉnh chưa thực hiện đúng yêu cầu của Bộ TN&MT, cung cấp thông tin về đất không chính xác là vi phạm Luật Đất đai 2013.
PLO sẽ thông tin cụ thể ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan của tỉnh Ninh Thuận liên quan các sai phạm trên; việc khắc phục của tỉnh; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan theo yêu cầu của TTCP.