Cặp rồng lu độc đáo ở Bình Dương chính thức nhận Kỷ lục Việt Nam

(PLO)- Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận Kỷ lục Việt Nam cho UBND phường Tương Bình Hiệp đối với cặp rồng lu được lắp ghép từ các lu hũ gốm nung thủ công nhiều nhất Việt Nam.

Ngày 8-3, phường Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) tổ chức Lễ công bố Kỷ lục Việt Nam đối với “Cặp rồng lu lắp ghép từ các lu, hũ gốm nung thủ công nhiều nhất Việt Nam” và Lễ đón nhận công nhận cây di sản Việt Nam hai cây cổ thụ Cây Kơ nia và cây Đa.

Chính quyền phường Tương Bình Hiệp nhận chứng nhận Kỷ lục Việt Nam đối với cặp rồng lu độc đáo. Ảnh: UYỂN NHI

Tại lễ công bố, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận Kỷ lục Việt Nam cho UBND phường Tương Bình Hiệp đối với cặp rồng lu được lắp ghép từ các lu hũ gốm nung thủ công nhiều nhất Việt Nam.

Cặp rồng lu này được UBND phường Tương Bình Hiệp xây dựng hai bên cầu Bà Sảng, nằm trên đường Hồ Văn Cống. Mỗi con rồng có chiều dài gần 30 mét, được lắp ghép từ gần 14.000 lu, hũ gốm từ lò lu truyền thống tại phường Tương Bình Hiệp.

Ông Trần Anh Chương, Chủ tịch UBND phường Tương Bình Hiệp, cho biết cặp rồng lu được các nghệ nhân xây dựng rất công phu, tâm huyết nhân dịp 10 năm thành lập phường và chào đón Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024.

Cặp rồng lu sẽ là biểu tượng của làng nghề truyền thống Tương Bình Hiệp. Ảnh: LÊ ÁNH

Ông Chương cho biết thêm cặp rồng lu này sẽ để xuyên suốt, trở thành biểu tượng của làng nghề truyền thống của phường Tương Bình Hiệp.

Trong ngày, Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường Việt Nam đã trao giấy công nhận hai cây cổ thụ là cây Kơ nia và cây Đa nằm trong khuôn viên Di tích lịch sử cấp Tỉnh Đình Tương Bình Hiệp là Cây Di sản Việt Nam.

Cây Kơ nia có độ tuổi khoảng gần 200 năm, còn cây Đa khoảng hơn 150 năm tuổi.

Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường Việt Nam trao giấy công nhận hai cây cổ thụ là cây Kơ nia và cây Đa là Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: UYỂN NHI

Điểm đặc biệt là hai cây này đều mọc chung một chỗ. Cây Đa lớn lên và bao xung quanh cây Kơ nia. Cây Kơ nia mọc thẳng, cao nên tán cây ở phía trên, còn cây Đa thì mọc thấp nên tán cây ở dưới thấp, xòa rộng dưới gốc cây. Ban đầu thoạt nhìn thì mọi người sẽ nhầm tưởng đây chỉ là một cây.

Chính quyền, nhân dân phường Tương Bình Hiệp chụp ảnh lưu niệm dưới bóng cây Cây Kơ nia và cây Đa. Ảnh: UYỂN NHI

Dịp này, Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường Việt Nam cũng trao giấy chứng nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây Trôm có tuổi đời khoảng hơn 150 năm, tại Trường trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới