Chiều 4-7, đoàn kiểm tra TP.HCM do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến dẫn đầu đã có buổi kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính tại huyện Hóc Môn. Tại đây nổi lên vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho dân còn chậm.
Đọng hồ sơ vì kênh, mương chưa được duyệt
Theo báo cáo của UBND huyện Hóc Môn, đến thời điểm tháng 3-2018 (khi đó còn tồn tại song trùng hai cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ (thường gọi là sổ đỏ) là Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN&MT) và UBND huyện) thì số hồ sơ tồn đọng là 1.376.
Từ sau tháng 3-2018, sau khi hình thành chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện, là cơ quan tham mưu cho chủ tịch huyện ký, thì tốc độ cấp GCNQSDĐ đã được đẩy nhanh với 1.165 hồ sơ.
Như vậy, đến nay còn tồn đọng hơn 210 hồ sơ chưa được cấp GCNQSDĐ. Lý giải về việc tồn đọng này, huyện Hóc Môn cho rằng có nhiều hồ sơ thuộc các trường hợp có lộ giới tạm đề xuất (đường tự mở, hẻm) hoặc bị ảnh hưởng bởi hành lang bảo vệ của các tuyến sông, kênh, rạch, mương chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ và làm tăng số lượng hồ sơ tồn đọng.
Đường, vỉa hè đang được thi công ở đường Dương Công Khi, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM, bên cạnh là đất ruộng đang được rao bán là đất ở. Ảnh: LƯU ĐỨC
Chậm vì cán bộ làm chưa khoa học
Sau tháng 3-2018, sau khi được phân quyền cấp GCN QSDĐ, các đơn vị có liên quan của huyện Hóc Môn phải thực hiện “một núi” việc trước khi trình UBND huyện cấp GCN cho người dân như phải kiểm tra đầy đủ thông tin đối với thửa đất trên cơ sở bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ, phiếu công khai, thông tin nhà, đất để xác định chủ sử dụng đất.
Cạnh đó, trong thành phần hồ sơ cần bổ sung các tài liệu, giấy tờ chứng minh việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân xin cấp GCN; làm việc với chủ sử dụng đất yêu cầu xác nhận và cung cấp đầy đủ thông tin đã chuyển nhượng (cho ai, diện tích bao nhiêu, thời điểm chuyển nhượng…).
Bản báo cáo của huyện Hóc Môn cũng nhìn nhận nguyên nhân chủ quan của việc chậm cấp GCNQSDĐ cho dân là “Quá trình thực hiện, cán bộ thụ lý chưa sắp xếp thời gian khoa học nên còn hồ sơ chậm trễ”.
Tại sở, ngành chậm trả lời
Một khó khăn khác được huyện Hóc Môn nêu ra là đối với các hồ sơ có nguồn gốc, pháp lý sử dụng đất phức tạp, căn cứ pháp lý về điều kiện cấp GCN chưa rõ ràng, UBND huyện đã có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của các sở, ngành TP. Tuy nhiên, thời gian phúc đáp của các sở, ngành TP chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân.
Từ đó, phía UBND huyện Hóc Môn có kiến nghị với UBND TP cho chủ trương, bố trí kinh phí để thực hiện việc đo đạc, chỉnh lý, cập nhật bản đồ địa chính số trên địa bàn huyện Hóc Môn. Đồng thời đề xuất UBND TP có chủ trương, chỉ đạo các sở, ngành TP khi nhận được văn bản đề nghị hướng dẫn của UBND huyện, trong thời gian 15 ngày nếu không có văn bản phúc đáp thì xem như là thống nhất theo nội dung đề xuất của UBND huyện để phía huyện chủ động và kịp thời giải quyết hồ sơ cho người dân.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho rằng phía lãnh đạo huyện cần phải kiểm tra, giám sát công tác thực hiện giữa các bộ phận để mọi thủ tục, hồ sơ được thống nhất với nhau.
Còn Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đặt vấn đề huyện Hóc Môn cần nghiên cứu để làm sao số hóa các thủ tục đất đai, công khai, minh bạch với người dân về mọi vấn đề liên quan.
Đất nóng, bản đồ… nguội Theo ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, những năm qua tốc độ đô thị hóa ở huyện rất cao. Trong khi đó bản đồ địa chính được lập, đưa vào sử dụng từ những năm 2002-2005. “Do đó có biến động rất lớn về chủ sử dụng, ranh giới thửa đất, hiện trạng sử dụng…” - ông Thắng cho biết. Ông đề xuất nhằm quản lý tốt đất đai, xây dựng, cấp sổ đỏ cho dân, tránh những khiếu kiện phức tạp thì cần phải đo đạc, chỉnh lý, cập nhật bản đồ địa chính kỹ thuật số của huyện này. |