Cấp sổ hồng cho nhà xây tạm trong quy hoạch: Vẫn vướng

Tháng 12-2020, sự ra đời Nghị định 148 của Chính phủ là một tin rất vui cho người dân có nhà xây dựng tạm trong quy hoạch, khi căn nhà xây tạm của họ cuối cùng cũng được hợp thức hóa. Tuy nhiên, từ khi nghị định có hiệu lực đến nay, TP.HCM vẫn chưa thể triển khai vì còn gặp nhiều khúc mắc.

Căn nhà của ông Đặng Văn Tỏ trên đường số 24, phường Linh Trung,
TP Thủ Đức được cấp phép xây dựng tạm, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2020. Ảnh: VIỆT HOA

Dân mừng nhưng vẫn phải chờ

Cuối năm 2019, ông Đặng Văn Tỏ xin phép xây dựng căn nhà tại đường số 24, phường Linh Trung, TP Thủ Đức. Ông Tỏ xin xây ba tầng và một lửng nhưng ông chỉ được cấp phép hai tầng và một lửng do nằm trong quy hoạch đất dân cư xây dựng mới.

Tháng 8-2020, căn nhà của ông đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thời điểm đó, ông Tỏ biết rằng nhà xây dựng tạm thì không được hoàn công, không được cấp sổ hồng. Tuy nhiên, do nhu cầu ở bức thiết nên ông vẫn xây nhà để giải quyết nhu cầu ở cho cả gia đình đông người.

Đầu năm 2021, nghe tin nhà xây tạm trong quy hoạch sẽ được cấp sổ hồng, ông Tỏ rất phấn khởi. Ông Tỏ đến hỏi thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thì được thông tin là tạm thời chưa giải quyết.

Cũng trên đường số 24, thuộc phường Tam Phú, TP Thủ Đức, công trình nhà ở riêng lẻ của ông Nguyễn Văn Hùng cũng đang xây dựng dở dang. Căn nhà của ông cũng nằm trên đất quy hoạch dân cư xây dựng mới nên chỉ được cấp giấy phép xây dựng (GPXD) tạm. Thời gian cấp phép xây dựng chỉ trước khi Nghị định 148 có hiệu lực (ngày 10-2) đúng một tháng.

Thời điểm PV đến, căn nhà đang xây dựng phần thô của tầng trệt. Hiện nay đang phải tạm dừng xây dựng do dịch bệnh. Ông Hùng cho biết ông rất vui khi căn nhà xây xong sẽ được hoàn công và cấp sổ hồng. “Trước đây biết là xây xong sẽ không được hoàn công nhưng nhà cũ đã xuống cấp nên tôi phải đập đi xây lại nhà mới khang trang hơn. Đúng lúc có quy định mới cho phép hoàn công và cấp sổ hồng, mừng lắm” - ông Hùng nói.

Sở TN&MT đề nghị Sở Xây dựng cùng vào cuộc

Liên quan đến việc triển khai Nghị định 148, mới đây Sở TN&MT có văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị sở này cùng phối hợp, khẩn trương hướng dẫn UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện giải quyết giấy chứng nhận nhà ở, công trình không phải nhà ở cho người dân đang được cấp phép xây dựng tạm.

Theo Sở TN&MT, gần 20 năm qua (từ năm 2004 đến nay), UBND TP đã ban hành sáu quyết định (QĐ) quy định về việc xây dựng tạm trong quy hoạch. Cụ thể là các QĐ 217/2004, 04/2006, 68/2010, 21/2013, 27/2014 và 26/2017.

Các QĐ này quy định chi tiết về việc cấp phép xây dựng tạm và cấp phép xây dựng có thời hạn trên địa bàn TP.HCM qua các thời kỳ. Đồng thời quy định chủ sở hữu có trách nhiệm tháo dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện quy hoạch. Cùng với đó là quy định các trường hợp được hoặc không được bồi thường gắn liền với thời hạn của GPXD tạm. Theo đó, một số QĐ (như QĐ 217, QĐ 04) thì được bồi thường nhà ở và vật kiến trúc, một số thì không được bồi thường (như QĐ 68, QĐ 26)…

Sở TN&MT cho rằng các văn bản nêu trên quy định về việc hạn chế quyền lợi của người dân khác nhau. Đến nay, nhiều công trình đã quá thời hạn được ghi trên GPXD tạm nên việc cấp sổ hồng đối với trường hợp này sẽ gặp khó khăn. “Vì vậy, Sở TN&MT đề nghị Sở Xây dựng cùng hướng dẫn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện thực hiện để đảm bảo tính thống nhất trong việc cấp sổ hồng cho nhà xây dựng tạm trong quy hoạch” - văn bản của Sở TN&MT nêu.

Sở TN&MT đề nghị Sở Xây dựng rà soát toàn bộ quy hoạch xây dựng trên địa bàn để xác định các vùng, khu vực tiếp tục thực hiện quy hoạch hoặc phải điều chỉnh quy hoạch. Kết quả của việc rà soát này sẽ là cơ sở để xác định lại thời hạn sử dụng nhà ở, công trình không phải nhà ở đã được xây theo GPXD tạm.•

 

Nhiều nội dung cần Sở Xây dựng làm rõ

Đề xuất hướng giải quyết đối với các trường hợp đã xây dựng nhà ở, công trình không phải nhà ở theo GPXD tạm. Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng có ý kiến với từng trường hợp về diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và phù hợp với quy hoạch xây dựng.

Nếu hết thời hạn thực hiện quy hoạch xây dựng mà quy hoạch chưa thực hiện thì xác định lại thời hạn của nhà ở, công trình. Trong trường hợp có vi phạm xây dựng thì xác định việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng (nêu rõ cho phép tồn tại hoặc buộc tháo dỡ) và những vấn đề có liên quan. Ngoài ra cũng xác định những hạn chế về quyền (nếu có) đối với chủ sở hữu có yêu cầu đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm