Với một siêu đô thị có hơn 10 triệu dân như TP.HCM, nhu cầu giao dịch hồ sơ hành chính các loại là rất lớn. Trong đó, chỉ tính riêng hồ sơ trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận (gcn) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bình quân mỗi năm cũng chiếm khoảng 800.000 hồ sơ.
Trong hội nghị công bố Quyết định 08/2021 của UBND TP, ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP, cho biết năm 2020, HĐND TP đã thực hiện chương trình giám sát về việc trễ hạn hồ sơ cấp GCN trên địa bàn TP. Trong đó, riêng loại hồ sơ cấp đổi, cấp lại, cấp mới do cập nhật công trình trên đất thuộc thẩm quyền ký cấp giấy của Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP giải quyết trễ hạn khoảng 5% trên tổng số 440.000 hồ sơ cấp giấy, tương đương khoảng 23.000 hồ sơ. Hay như năm 2018, theo thống kê của Sở TN&MT, số hồ sơ trễ hạn khoảng 40.000/650.000 hồ sơ tiếp nhận đủ điều kiện giải quyết.
Nếu không nhìn tổng số hồ sơ tiếp nhận thì những con số 23.000 hay 40.000 hồ sơ trễ hạn là rất lớn. Tuy nhiên, nếu đặt vào trong tổng số hồ sơ phải giải quyết con số này cũng không phải quá lớn. Qua đó cũng thấy được lượng hồ sơ ngành đăng ký đất đai TP.HCM phải giải quyết hằng năm là cực lớn. Nhìn ở góc độ này để chia sẻ với áp lực của các cơ quan cấp GCN cũng như đội ngũ cán bộ, công chức có liên quan.
Tuy nhiên, đứng về phía người dân, thời gian giải quyết hồ sơ đã được quy định rõ, trước khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hồng, người dân đều có những dự tính và kế hoạch: Có thể cần sổ để thế chấp ngân hàng, phục vụ cho làm ăn kinh doanh, cũng có thể cần tiền để giải quyết công việc cấp bách như chữa bệnh, con cái học hành, cũng có thể dở dang việc mua - bán… Mỗi GCN của cá nhân, tổ chức bị chậm trễ cũng có nghĩa là những thiệt hại mà họ phải gánh chịu cũng không ít. Đó là chưa kể đến sự phiền toái, khổ sở khi phải lui tới cơ quan cấp giấy nhiều lần để hỏi thăm tình hình hồ sơ.
Vì thế, con số 23.000 hay 40.000 hồ sơ nêu trên dù ở thời điểm nào thì sự chậm trễ cũng mang đến những bức xúc rất lớn cho người dân TP. Thời gian qua, có thể thấy ngành TN&MT cũng như chính quyền TP cũng không ngồi yên trước sự chờ đợi khổ sở của người dân. Cũng từng có nhiều giải pháp như phối hợp với bưu điện để luân chuyển hồ sơ, nhắn tin để người dân biết tình hình hồ sơ để không phải đi lại, cho phép Sở TN&MT ủy quyền lần một xuống cho VPĐKĐĐ TP ký giấy… Tuy nhiên, câu chuyện trễ hạn hồ sơ vẫn chưa có hồi kết.
Lần này, Quyết định 08 cho phép Sở TN&MT ủy quyền về cho các chi nhánh VPĐKĐĐ ký hồ sơ và trả cho dân tại chi nhánh. Hy vọng rằng quyết định này sẽ là cái kết đẹp cho tình trạng trễ hạn hồ sơ kéo dài lâu nay. Trong trường hợp người dân TP vẫn phàn nàn vì không được giải quyết hồ sơ đúng hạn thì không còn là lỗi do vướng mắc trong quy định pháp luật nữa mà chính là ở khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, trách nhiệm của ngành TN&MT trong thời gian tới là không nhỏ…
(PLO)- Bình quân mỗi năm ngành đăng ký đất đai TP.HCM ký khoảng 800.000 hồ sơ cấp giấy chứng nhận.