Bé Nguyễn Văn Duy Chương (sáu tuổi), may mắn trở thành con nuôi của các chiến sĩ Đồn biên phòng Lạc Quới (An Giang). Bé Chương gọi các chiến sĩ là anh, gọi chú đồn trưởng và hai lãnh đạo nữa trong đồn là ba.
Chăm lo cho cả hai bà cháu
Trước ngày về làm con nuôi của Đồn biên phòng Lạc Quới, bé Chương gần như không biết ăn bất cứ món canh nào ngoài canh chua cá. Bà Trần Thị Nhứt năm nay gần 80 tuổi, kể cũng bởi ngày thường chắt chiu lắm bà mới mua được con cá nhỏ về kho mặn để dành cho cháu ăn cơm vài bữa, còn bà thì chỉ chan nước lã húp là xong.
Nỗi day dứt lớn nhất trong cuộc đời bà Nhứt là thằng cháu ngoại, khúc ruột duy nhất mà đứa con gái bạc mệnh của bà còn để lại trên cuộc đời.
“Mẹ nó mất hồi nó mới tám tháng. Mấy người bảo nuôi gì nổi. Nó lớn lên bằng nước cháo, nước bột không à. Các cô chú tới thuyết phục, tôi nghĩ cho nó đi theo các chú được ăn no mặc ấm, không phải chạy vạy từng bữa, lại được học chữ mà làm người. Tui già rồi, không biết ngày nào mất để nó bơ vơ, nên thôi, tôi chịu” - bà Nhứt rưng rưng cho hay.
Bà cho hay từ hồi theo các chú biên phòng, cháu bà ngoan lắm, ngoan hơn ở nhà, lại còn có da có thịt hơn. Cứ cuối tuần thằng bé lại về với bà, Chủ nhật các chú lại lên đón.
Trung úy Sa Minh Quân (27 tuổi), Đội trưởng vận động quần chúng - Đồn biên phòng Lạc Quới, cho biết trong đồn 50% anh em chưa lập gia đình, chủ yếu là cán bộ trẻ mới ra trường.
“Ngày trước bé Chương chưa quen, mỗi buổi sáng lại có một chú biên phòng gần nhà rước con qua đơn vị, chiều thì đón về với bà. Sau này con quen nên ở luôn trong đồn với các chú” - Trung úy Quân kể.
Nuôi con là một chuyện, mỗi tháng cán bộ, chiến sĩ của đồn còn gửi thêm bà ngoại của Chương 10 kg gạo, một ít cá thịt, cũng là để con ở trong đồn yên tâm học hành.
Chiến sĩ biên phòng đưa bé Duy Chương tới lớp.
Và hướng dẫn cậu con nuôi học bài. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
“Mình thương thằng bé như con mình ở nhà”
Đại úy Trần Thanh Tâm, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Lạc Quới, cho hay: Khó khăn ban đầu là vận động gia đình cho bé vào đồn ở, rồi liên hệ địa phương làm thủ tục nhận con nuôi. Trong đơn vị, anh em không có kiến thức sư phạm nên việc dạy dỗ, kèm cặp con trẻ cũng đã gặp ít nhiều khó khăn. Nhưng qua mỗi ngày, mỗi người góp một chút, ai giỏi món nào dạy con món đó cho đến nay thì “ngon lành”.
Sáng, kẻng 5 giờ 15 báo thức, thằng nhóc dậy cùng các cán bộ, chiến sĩ, 6 giờ ăn cơm, 7 giờ kém đi học. Chiều đi học về, con thấy các chú tập thể dục cũng ra xem, các chú chạy thể dục con lấy xe đạp chạy theo các chú.
Hình ảnh cậu bé nhỏ xíu lon ton chạy theo các chú biên phòng trên khoảng sân đầy nắng, tiếng cười giòn tan trong veo của cậu nhóc như phần nào xua đi cái lạnh vùng biên. “Mình cũng có con mới một tuổi, nhìn thằng bé mình thấy thương như thương con mình ở nhà. Mà anh em trong đồn cũng coi bé Chương như con cháu trong nhà, thấy con sai thì chỉ bảo, còn làm tốt thì khen, thưởng” - một cán bộ kể thêm.
Còn Đại úy Trần Thanh Tâm vẫn nhớ hình ảnh ngày “chú bộ đội con nhập ngũ”: “Ngày mới vào đây, thằng bé chỉ được 17 kg, ăn cơm chỉ đòi chan nước lã. Sau khoảng hai tháng con tăng gần 6 ký rồi đó, ngoan hơn, biết ăn nhiều món hơn”. “Mấy hôm học xong, con qua cười khì khì: “Ba cho con mượn điện thoại cầm chơi xíu nha ba”. Ba con nói chuyện lát thì thằng nhóc lăn ra ôm ba ngủ luôn. Bữa rồi anh em kể chuyện, con được cô giáo khen sáng dạ, anh em mừng lắm” - Đại úy Tâm cười tự hào.
Mô hình “Con nuôi biên phòng” “Con nuôi biên phòng” là mô hình thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, nhằm giúp đỡ các cháu học sinh hiếu học, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên tuyến biên giới. Trước mắt, bốn đồn biên phòng nhận nuôi dưỡng năm em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn nơi các đơn vị đóng quân. |