Câu chuyện hai nhà ga ở NewYork

LOẠT BÀI BA KỲ: ĐỐI CHIẾU SÀI GÒN-NEW YORK

TP.HCM đang trải qua đợt cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất lớn nhất từ trước đến nay. Trong quá trình đó, nhiều phần lịch sử của thành phố đã phải nhường đường cho công cuộc sự hiện đại hóa.

Điều này khiến cho nhiều cuộc tranh luận nảy lửa đã nổ ra xoay quanh hai vấn đề: Bảo tồn hay phát triển.

Lịch sử các nước cũng đã từng trải qua quá trình này, việc lật lại các câu chuyện lịch sử như một ví dụ cân nhắc là một điều cần thiết hiện nay bởi từ đó chúng ta không chỉ học hỏi mà còn có thể tránh khỏi những sai lầm cho tương lai. Loạt bài này nhằm trình bày lại một số câu chuyện về các thành tựu và sai lầm trong quá trình đưa thành phố New York trở thành một trong những  “thủ đô thế giới”.

Việc lựa chọn New York làm ví dụ so sánh đối chiếu với TP.HCM do các điểm giống nhau sau đây:

1. Thời gian ra đời của New York (1624) và TP.HCM (1698) gần như là tương đương nhau. Đây là thời gian tính từ mốc cho thấy có những cộng đồng đầu tiên đến lập cư.

2. Giá trị của hai thành phố đối với quốc gia khá tương đồng về vị trí kinh tế, sức hút đô thị cao, dân số đông và đa dạng thành phần. Cuộc sống đắt đỏ đòi hỏi phải đặt yếu tố kinh tế lên hàng đầu, không như các thành phố khác sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế vì giá trị nghệ thuật và văn hóa như Rome hay Paris.

3. Với bề dày lịch sử tương đương và đều có sự đa dạng về kiến trúc trong nhiều thời kỳ và phong cách khác nhau nên việc so sánh ở đây về mặt kiến trúc sẽ hợp lý hơn. Điều này nhằm cho phép phản biện lập luận của một số người cho rằng giá trị lịch sử nhiều công trình ở Sài Gòn không "dày" như ở châu Âu nên không thể đem Việt Nam so sánh với Tây được.

Lựa chọn New York làm ví dụ so sánh nhưng vẫn nên nhớ rằng New York còn là trung tâm tài chính thế giới, đồng thời với khu trung tâm của New York là hòn đảo Manhattan có diện tích giới hạn và không thể mở rộng nên áp lực ở New York có thể nói lớn hơn rất nhiều lần so với TP.HCM.

Phòng chờ nhà ga Trung tâm NewYork.

 
Cuộc biểu tình phản đối sự phá hủy Penn Station của các kiến trúc sư Mỹ năm 1962.

Nhà ga Pennsylvania: Đập xong mới thấy tiếc

Nhà ga Pennsylvania (Penn Station) được xây dựng hoàn thành vào năm 1910, do kiến trúc sư Charles McKim thiết kế theo phong cách và đường nét Beaux Art, một phong cách thống lĩnh bấy giờ ở Mỹ. Ông hình dung phương án của mình, như là “lối vào của một trong các TP vĩ đại nhất thế giới”.

Với tư cách là một nút giao thông quan trọng đối với TP New York, kết nối với các TP khác, Penn Station trở thành một nơi nhộn nhịp. 2/3 khách đến ga là những khách vãng lai từ các TP khác. Khi nó đạt công suất đỉnh điểm 1945, ước tính có khoảng 100 triệu lượt khách đã đến Penn Station năm đó. 

Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới II, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không và hệ thống đường cao tốc liên bang, số lượt khách mỗi năm giảm dần. Công trình xuống cấp và cũng trải qua vài đợt sửa chữa. Mặc dù vậy sức ảnh hưởng của Penn Station về mặt kiến trúc và văn hóa tại thời điểm đó rất lớn.

 Trong những năm 1950, Công ty đường sắt Pennsylvania đã cố gắng bán quyền sử dụng không gian trên mặt đất. Phương án này sẽ phá bỏ toàn bộ nhà ga hiện tại, xây dựng tòa nhà Penn Plaza và phức hợp thể thao Madison Square Garden bên trên. Bù lại, Công ty đường sắt Pennsylvania được xây dựng một nhà ga mới, ngầm bên dưới, có hệ thống máy lạnh và được hưởng 25% lợi nhuận từ Madison Square Garden. Hơn nữa, giá đất Manhattan ngày càng có giá trị cao, việc bán đi sẽ mang lại một số tiền khổng lồ cho Công ty đường sắt Pennsylvania.

Việc đề xuất phá hủy được đưa ra và biện hộ với hai lý do:

1. Việc duy trì bảo dưỡng nhà ga Pennsylvania quá tốn kém. Hệ thống kết cấu đã quá cũ kỹ sau 50 năm sử dụng. Việc xây một nhà ga hiện đại, mới mẻ, nhằm đảm bảo phục vụ tốt hơn, cũng như sẽ hấp dẫn phù hợp với xu hướng hiện tại.

2. Việc phá hủy nhà ga mới, xây dựng trung tâm mua sắm, tài chính và giải trí nhằm mục đích phục vụ lợi ích kinh tế TP. Phá bỏ nhà ga kém hiệu quả, cải tổ và nâng cấp TP New York, phục vụ lợi ích cho cộng đồng và người dân xung quanh.

Khi đó toàn thể các kiến trúc sư, nhà phê bình nghệ thuật, nhà xã hội học đồng loạt phản đối.

Trong số những người tham gia biểu tình chống lại sự phá hủy của Penn Station, có cả người có sức ảnh hưởng lớn trong ngành xây dựng như Phillip Johnson, Aline Saarinen,... Họ cùng nhau hô khẩu hiệu: “Đừng phá bỏ - hãy cải tạo!”. Những người biểu tình, có một nhóm người thành lập tổ chức Action Group for Better Architecture in New York (AGBANY - Nhóm hành động vì kiến trúc tốt đẹp hơn của New York). Nhóm này đã vận động, kêu gọi sự quan tâm của những người có sức ảnh hưởng. Họ là nhóm hoạt động mạnh mẽ nhất và duy trì cuộc chống đối này trên mọi mặt.

Thế nhưng Penn Station bị phá hủy hoàn toàn. Hai cao ốc mới, cùng nhà thi đấu Madison Square Garden được xây dựng và tất nhiên bên dưới là một nhà ga hiện đại. Tuy nhiên, tiếc nuối đối với Penn Station vẫn kéo dài đến tận bây giờ. Sử gia Vincent Scully tại Yale viết rằng: “Một kẻ đến TP như một vị thần, còn một kẻ đến TP như lũ chuột chui rúc” nhằm so sánh sự khác biệt giữa nhà ga cũ và mới. Có nhiều cuộc vận động hành lang, yêu cầu xây dựng lại một Penn Station xứng tầm với New York. Đã có cuộc thi được tổ chức nhằm cải tạo khu vực và làm sống lại giá trị lịch sử của Penn Station.

Khu vực Madison Square Garden hiện nay được xem là một trong các điểm ách tắc giao thông lớn nhất TP. Công trình còn bị chỉ trích về tính thẩm mỹ, cũng như gây cản trở cho việc thoát người và khả năng mở rộng của Penn Station. Vừa mới đây, sau 50 năm kết thúc hợp đồng thuê lần đầu, chính quyền New York quyết định chỉ cho phép Madison Square Garden tồn tại thêm 10 năm nữa để phục vụ cho việc di dời, đồng thời một kế hoạch xây dựng mới đang được triển khai nhằm khôi phục lại giá trị xứng đáng với lịch sử của Penn Station.

Phá hủy Penn Station năm 1963.

 
Grand Central Station của New York từng bị lên kế hoạch đập nhưng thoát “án tử” nhờ ủy ban Bảo tồn công nhận là di sản văn hóa thành phố. Hiện nay Grand Central Station trở thành một địa điểm văn hóa nổi tiếng, được BBC bình chọn là Nhà ga được yêu thích nhất thế giới năm 2013, được tạp chí Travel & Leisure thống kê đứng thứ 6 trong các địa điểm du lịch hút khách nhất thế giới, thu hút trên 21 triệu lượt khách viếng/năm.

Nhà ga trung tâm New York: Thoát “án tử”, thành điểm hút khách thứ 6 thế giới

Nhà ga trung tâm New York (Grand Central Terminal) nằm dưới quyền quản lý của Công ty đường sắt New York. Được xây dựng hoàn thành năm 1913 sau vụ cháy trước đó, bởi hai công ty kiến trúc Reed and Stem và Warren and Wetmore. Công trình được thiết kế theo lối kiến trúc Beaux-Arts. Và cũng như Penn Station, đây cũng là một nhà ga lớn ở New York, ước tính có số lượt khách đỉnh điểm là 65 triệu vào năm 1947. Và số phận của nó cũng như Penn Station, sau chiến tranh với sự phát triển của hàng không và đường cao tốc, doanh thu của nhà ga bị giảm mạnh.

 Tất nhiên, cũng như Penn Station, nó bị rao bán và đề xuất thay thế bởi các tòa nhà chọc trời. Rất nhiều kiến trúc sư tên tuổi thời điểm đó đã tham gia dự án này. Dự án đề xuất sẽ xây một tòa tháp cao hơn cả tòa nhà Empire State 150 m (tòa nhà cao thứ nhì ở New York hiện nay). Vào thời điểm đó, việc xây dựng tòa tháp cao nhất TP là một dự án béo bở.

 Năm 1968, Công ty đường sắt New York phá sản và sáp nhập với Công ty đường sắt Pennsylvania, trong khi công ty này vừa mới phá hủy xong nhà ga Penn Station năm 1963. Phương án được chọn sau cùng là giảm chiều cao xuống còn 55 tầng và đề xuất hai giải pháp mới. Tuy nhiên, các phương án đều bị sự phản đối kịch liệt từ công chúng. Ủy ban Bảo tồn New York cho rằng cả hai phương án với khối tháp 55 tầng khiến nhà ga hay những gì còn lại của nó trông thật nhỏ bé và hèn kém. Trong số các ý kiến của dư luận tại thời điểm đó, đệ nhất phu nhân thời Tổng thống Kennedy cũng lên tiếng phản đối.

May thay, Ủy ban Bảo tồn, được thành lập sau vụ việc của nhà ga Penn Station, nhanh chóng công nhận nhà ga trung tâm là di sản văn hóa TP khiến dự án gặp trở ngại. Chủ đầu tư đã đâm đơn kiện chính quyền TP New York. Dẫn đến vụ kiện giữa Công ty đường sắt Pennsylvania và TP New York ở tòa án tối cao. Tòa án đã bảo vệ tòa nhà, bác bỏ việc xây dựng lên trên di tích này, đảm bảo cho sự tồn tại của nhà ga trung tâm New York.

Sai lầm của Penn Station trở thành hồi chuông cảnh tỉnh trước tình trạng xây dựng vụ lợi nhuận ở New York, cũng như sự thờ ơ của người dân với các di sản kiến trúc trước đó. Nhờ đó Grand Central Station được bảo vệ, cải tạo và nâng cấp. Nhà ga trung tâm New York hiện nay trở thành một địa điểm văn hóa nổi tiếng, được xuất hiện trong nhiều phim ảnh, sự kiện văn hóa. Nhà ga được BBC bình chọn là “Nhà ga được yêu thích nhất thế giới năm 2013”. Được tạp chí Travel & Leisure thống kê đứng thứ 6 trên thế giới trong các địa điểm du lịch hút khách nhất thế giới, trung bình mỗi năm ở đây tiếp hơn 21,6 triệu lượt khách tham quan du lịch.

Đệ nhất phu nhân Tổng thống Kennedy:

Không thấy cảm hứng trong quá khứ, lấy đâu sức mạnh tương lai

Không phải quá tàn nhẫn sao khi chúng ta để TP này bị lột bỏ dần từng chút một những niềm tự hào, cho đến khi không còn gì sót lại về lịch sử và vẻ đẹp của TP để làm niềm cảm hứng cho con cháu chúng ta? Nếu như bọn trẻ không tìm thấy cảm hứng trong quá khứ của TP, chúng sẽ tìm ở đâu sức mạnh để chiến đấu cho tương lai của TP này? Người Mỹ quan tâm quá khứ của họ nhưng vì lợi ích ngắn hạn, họ đã làm ngơ nó và phá bỏ tất cả những gì quan trọng. Có lẽ... đã đến lúc cùng đứng lên, đảo ngược điều này, để chúng ta không kết thúc ở một thế giới của những chiếc hộp thép và kính giống nhau đơn điệu.

KTS VÕ DUY KIM

Số chủ nhật 14-9: Huyền thoại biểu tượng mới

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm