Người dân và DN kinh doanh ở khu vực trạm thu phí cho biết việc tháo dỡ này nhằm thuận tiện di chuyển và quay đầu xe vào trung tâm TP Cần Thơ. Trong khi đó, đơn vị đầu tư BOT tuyến đường này cho rằng làm đúng thiết kế mà Bộ GTVT phê duyệt, tự mở dải phân cách ở điểm này gây nguy cơ mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ TNGT..
Dân nói bất tiện, tốn tiền không đáng có
Người dân và một số DN khi trình bày kiến nghị với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã cho rằng Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp đóng dải phân cách để thu phí không hợp lý.
Cụ thể, một số DN ở ngay sát trạm thu phí cho biết xe tải của DN muốn chở hàng về trung tâm TP Cần Thơ phải xuôi qua trạm thu phí (hướng về Hậu Giang - PV) rồi tới điểm quay đầu xe ở trước khu vực BV Đa khoa số 10 mới quay lại, tiếp tục nộp phí lần thứ hai để vào nội ô Cần Thơ. Điều này là bất hợp lý, khiến phát sinh thêm chi phí cho DN.
Một số DN cho biết xe không có nhu cầu qua trạm, trong khi khu vực gần trạm lại không có điểm mở của dải phân cách. Xe không thể đi ngược đường để đi đến điểm qua đường ở khu vực nghĩa trang liệt sĩ nên bắt buộc phải qua trạm là thiệt thòi cho DN.
Đoạn dải phân cách dân đã phá dỡ. Ảnh: GIA TUỆ
Dải phân cách dân phá vỡ để ngổn ngang ở giữa đường. Ảnh: GIA TUỆ
Sáng 14-4, PV báo Pháp luật TP.HCM đã có mặt tại QL1 đoạn mà người dân tự ý phá dỡ dải phân cách (chỉ các trạm thu phí khoảng 50 m - PV).
Theo ghi nhận, mật độ phương tiện có nhu cầu quay đầu xe tại vị trí dân tự ý phá dải phân cách rất đông. Tuy nhiên, tại điểm này mật độ xe lưu thông qua lại cũng dày đặc, có lúc bị dồn ứ. Nguyên nhân do xe di chuyển chậm để chờ tới trạm thu phí mua vé, nên khi có xe quay đầu là đoàn xe bị dồn lại, nguy cơ ùn tắc và tiềm ẩn TNGT rất cao.
Trong buổi sáng, lực lượng công an địa phương, thanh tra GTVT Cần Thơ và Hậu Giang cũng có mặt để ghi nhận thực tế, làm việc với Công ty BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp để nắm tình hình. Tuy nhiên, ở vị trí dân tự ý phá dỡ dải phân cách không có lực lượng chuyên trách nào tham gia điều tiết giao thông trong khi tình hình tại đây khá lộn xộn…
Hình ảnh ghi nhận được ở đoạn dải phân cách bị phá bỏ.
Chủ đầu tư bảo thực hiện theo thiết kế được phê duyệt
Phía Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, đơn vị đầu tư dự án cho rằng việc người dân tự ý đập phá trụ và tháo dỡ dải phân cách di động để mở đường là rất nguy hiểm. Trước đây, người dân đã tự ý phá dỡ một lần. Khi chủ đầu tư cho lắp đặt lại thì bị ngăn cản, không cho triển khai lắp đặt lại các cấu kiện dải phân cách.
Nhà đầu tư nói thIiết kế Bộ GTVT duyệt thi công có dải phân cách. Ảnh: GIA TUỆ
Phía chủ đầu tư cũng cho biết việc thi công, lắp đặt dải phân cách di động là thực hiện theo thiết kế được Bộ GTVT và ngành chức năng phê duyệt. Nếu các hành vi phá dỡ tiếp tục xảy ra, gây mất ATGT, TNGT chủ đầu tư sẽ không chịu trách nhiệm.
Đơn vị này đã có văn bản gửi UBND TP Cần Thơ, Ban ATGT, Sở GTVT, công an địa phương đề nghị hỗ trợ lắp đặt lại dải phân cách, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định những hành vi phá hoại tương tự vì dự án QL1 là công trình trọng điểm quốc gia.
Chính quyền địa phương bối rối chờ ý kiến Bộ Giao thông
Trao đổi qua điện thoại với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết: "Ngày 13-4, tôi đã trực tiếp xuống hiện trường để phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương giải quyết. Qua khảo sát, ghi nhận tại khu vực người dân tự ý phá dỡ dải phân cách có trên 10 DN có cơ sở sản xuất, kinh doanh. Xe chở hàng hóa ra vào thường xuyên nên kiến nghị của người dân và DN cũng có cái lý của họ. Tuy nhiên, trên hết phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo ATGT”.
Ông Dũng cho biết đã đề nghị chủ đầu tư và ngành chức năng phối hợp đảm bảo ATGT khu vực này. Bên cạnh đó, Sở sẽ tham mưu cho UBND thành phố có văn bản kiến nghị cụ thể với Bộ GTVT cho khảo sát để Bộ có ý kiến chính thức cho hay không cho mở vị trí quay đầu xe ở điểm trên. Chủ trương sẽ giải quyết hợp lý nhằm đảm bảo trật tự ATGT và thuận tiện cho người dân.