Cầu dài 128 m, rộng hơn 5 m, xây bằng thép kiên cố. Theo tài liệu về cầu này thì cầu do Công ty Vận chuyển Hàng hải Messageries Maritimes (Pháp) bỏ vốn, thuê Công ty Xây dựng Levallois Perret xây cất vào năm 1893-1894, bắc ngang rạch Bến Nghé.
Nằm giữa “Dãy Thầy Bói giàu sang tột bực”
Ban đầu, cầu này có hai làn xe chạy hai chiều. Phía hai đầu cầu có đường dẫn cho xe chạy lên cầu. Đường dẫn này dọc theo con kênh. Do đó người Pháp gọi cầu này là cầu “Công ty Messageries Maritimes”.
Công ty này có nhiều tàu và thường vẽ hình đầu ngựa trên ống khói tàu nên người dân thường gọi là “hãng Đầu Ngựa”. Hãng Đầu Ngựa vốn mạnh về hoạt động tàu biển tại Pháp, khoảng năm 1862 thì mở rộng hoạt động đến Sài Gòn. Khi đến Sài Gòn, hãng đã xây trụ sở bên rạch Bến Nghé với kiến trúc kết hợp Đông-Tây, trên mái trang trí hình rồng “lưỡng long châu nguyệt”. Tòa nhà này về sau là Bảo tàng TP. Tàu của hãng Đầu Ngựa tập trung về bến sát trụ sở, gọi là bến Nhà Rồng. Cây cầu được xây dựng cũng nhằm phục vụ việc đi lại, chuyên chở hàng của chính hãng này giữa bờ bến Nhà Rồng và phía bờ bên kia.
Theo cuốn Sài Gòn năm xưa của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển thì “con đường dài theo mé sông chạy thẳng vô Chợ Lớn, người Pháp đặt là “Route Basse” (ta đồng thời cũng gọi là Đường Dưới) để đối chiếu với đường “Route Haute” (ta gọi Đường Trên)” và “Con rạch dài theo Route Basse, chính là rạch Bến Nghé”.
Cụ viết: “Thuở ấy, hai bên rạch Arroyo Chinois nhà sàn cất san sát, dân cư trù mật nhưng khúc chợ sung túc hơn cả thì ở vào khoảng từ cột cờ Thủ Ngữ chạy đến cầu Mống mút đường Công Lý, xóm này có tên riêng là “Dãy Thầy Bói” cũng gọi là “Đường Thợ Tiện”. Đây là dãy nhà đẹp nhứt thuở “cựu trào” phong lưu nhứt nơi đó, vừa giàu vừa sang. Mà có chi đâu cho đáng danh từ vừa đẹp vừa sang: Thay vì cột tạp cột tràm là được bộ cột gỗ danh mọc gõ, cẩm lai, mây núi; thay vì lợp lá lợp tranh thì được nóc lợp ngói; thay vì vách ván vách đất, được vách có phong tô hẳn hoi, chỉ được bấy nhiêu ấy mà đã gọi giàu sang tột bực”.
Khi mới xây dựng, thành cầu được sơn đen. Ngày đó chân cầu phía quận 1 nằm chếch Công viên Diên Hồng đối diện đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đường Công Lý cũ). Sở dĩ gọi là Công viên Diên Hồng vì phía sau đó là Hội trường Diên Hồng mà báo chí trước năm 1975 còn gọi là “Viện Bô Lão”.
Người dân thích đến chụp ảnh tại cầu Mống vì khung cảnh bắt mắt. Ảnh: Q.NHƯ
Cầu đi bộ qua sông
Người Việt thường gọi cầu này là cầu Mống. Cái tên này thường được giải thích là do cầu làm theo kiểu vòng mống. Tên này sử dụng đến ngày nay.
Cách đây 10 năm, tháng 8-2005, cây cầu này được tháo dỡ để thi công đại lộ Đông Tây và hầm sông Sài Gòn. Sau đó cầu Mống được ráp trở lại nhưng hai đường dẫn cho xe chạy lên cầu không được phục dựng. Cây cầu được sơn màu xanh ngọc nổi bật, trở thành cầu đi bộ và được xây thêm bốn lối đi bộ bậc thang lên cầu, mỗi đầu cầu có hai lối cánh tả-cánh hữu, bờ bao quanh xây bằng gạch, sơn màu vàng cam. Con đường cập bờ kênh phía quận 1 được mang tên đường Võ Văn Kiệt (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Hiện nay phía trước mặt của cầu có gắn tấm bảng vàng ghi “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP. Cầu Mống. Được công nhận năm 2014”. Tuy nhiên, cũng tại di tích này, bảng tên chỉ dẫn ở hai đầu cầu lại ghi là “Cầu Móng”.
Cầu Mống nhìn từ phía quận 4.
Và chỉ để làm “kiểng”
Ngày nay xe cộ đã lưu thông qua con kênh này bằng rất nhiều cây cầu lớn như cầu Nguyễn Tất Thành, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh,... Cầu Mống nhỏ xinh được chuyển sang sử dụng cho người đi bộ. Nhưng người có nhu cầu đi bộ qua lại giữa hai quận thì ít mà người đến dạo mát, tập thể dục, ngắm và chụp ảnh tạo dáng với cây cầu này thì nhiều. Dần dần cầu Mống thành điểm làm “kiểng” cho người dân đến chụp ảnh.
Chiều 21-11, có khoảng năm cặp uyên ương đến chụp ảnh cưới tại cầu Mống. Chị Linh Sáng mặc áo dài trắng, quần đen và anh Lâm Phong mặc sơmi trắng, quần âu. “Chúng tôi chọn chụp ảnh tại đây vì cây cầu có nhiều nét cổ điển, rất độc đáo nằm giữa những tòa cao ốc xung quanh mang vẻ hiện đại” - chị Sáng cho biết.
Cặp đôi Hoàng Vân - Minh Trung chia sẻ: “Chúng tôi thích cảnh chụp trên các cây cầu vì có đường phố uốn lượn bên dưới, có sông nước, có các tòa nhà xung quanh. Đặc biệt cây cầu này không có xe cộ qua lại, sẽ dễ dàng tạo dáng mà không lo tai nạn, cũng không cản trở xe cộ lưu thông như khi chụp ở mấy cây cầu khác”.
Những cây cầu cổ của TP Ngoài cầu Mống, TP còn có nhiều cây cầu cổ khác như: Cầu đường sắt Bình Lợi nằm gần ngã tư Bình Triệu, giáp ranh với quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh. Trước đây cầu đường sắt Bình Lợi là tuyến đường quan trọng cho đường sắt và đường bộ, nối TP với các vùng lân cận. Cầu được hoàn thành xây dựng tháng 2-1902, thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang thời Pháp thuộc, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa, cầu có một nhịp quay, cũng do hãng thầu Levalllois Perret thi công, dài 276 m gồm sáu nhịp. Cầu Bông hay còn gọi là cầu Cao Miên, theo cố nhà văn Sơn Nam thì cầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18 do một phó vương Cao Miên cho bắc qua sông để thuận tiện việc đi lại, cái tên cầu Cao Miên cũng là từ đó. Ban đầu cầu Bông được làm bằng gỗ, thiết kế nhỏ và ngắn, khá nổi tiếng của Sài Gòn xưa. Một thời cây cầu này còn có tên gọi là cầu Hoa nhưng sau này đổi tên thành cầu Bông (bông là từ địa phương của miền Nam) cho đến nay. Vì lý do vợ vua Minh Mạng tên là Hồ Thị Hoa. Cầu Thị Nghè bắc qua kênh Nhiêu Lộc, nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Xưa cầu này do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân, cho xây để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà làm chức thư ký, đương thời gọi là ông nghè, vì thế người dân gọi bà là bà nghè. Đến giữa thế kỷ 19, tên cầu Thị Nghè mới được gọi và đến nay vẫn được mọi người giữ nguyên. Cụ Vương Hồng Sển “truy không ra” năm xây Cầu Mống Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển viết: “Quang cảnh Sài Gòn thời ấy có thể nói gần giống một bãi tha ma chen kinh rạch chằng chịt chớ không hoa lệ như ngày nay chút nào. Các nhà dinh Lang sa lúc ban sơ đều dùng toàn cây gỗ và xúm xít chung quanh chỗ Ngân hàng Quốc gia ngày nay”. “Những kiến trúc khác như Sở nấu nha phiến đường Hai Bà Trưng, cầu Mống qua Khánh Hội, cầu Quây qua bến Nhà Rồng, xưa lập năm nào tôi truy không ra”. |