Những ngày cuối năm Đinh Dậu, giữa không khí Tết đến Xuân về trên khắp cả nước. Giữa sự rộn ràng đó đã có không ít người, nhất là những người làm trong ngành y đã như sống chậm lại, lặng người đi khi nghe được câu chuyện xót xa của nữ bác sĩ trẻ vừa tròn 33 tuổi luôn giấu đi bệnh tật để hết lòng cứu chữa cho bệnh nhân.
Nữ bác sĩ này là Nguyễn Thị Hạnh, người con gái nông thôn từ Ninh Bình ra Hà Nội, tốt nghiệp lớp bác sĩ nội trú khóa 35 chuyên ngành Nội xương khớp, Đại học Y Hà Nội năm 2014, sau đó công tác tại khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai đến nay vừa tròn 3 năm.
Bác sĩ Hạnh lập gia đình, sinh một cô con gái đầu lòng và cũng từ đó những tháng ngày sóng gió cũng liên tiếp ập đến.
Khi vừa nhận xong tấm bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú được 1 năm, bác sĩ Hạnh bị thai lưu em bé thứ hai khi có bầu gần 6 tháng. Tiếp đó 1 tháng sau, bác sĩ Hạnh lại tình cờ phát hiện ra mình bị ung thư tuyến vỏ thượng thận (adrenocortical carcinoma - ACC, đã cắt bỏ khối u được 3 năm, một loại ung thư hiếm gặp không đáp ứng với hoá chất và xạ trị).
Nỗi đau chồng chất nỗi đau! Đứng giữa quyết định điều trị hoá chất và sinh con, cô gái này đã từ chối điều trị để có thêm 1 em bé với mong muốn “khi em ra đi ít ra còn có 2 chị em nó đỡ đần nhau”.
Tưởng chừng cuộc sống chỉ thử thách với cô bấy nhiêu, thế nhưng sau phẫu thuật cô tiếp tục công việc là bác sĩ điều trị tại khoa Cơ xương khớp. Cô luôn tích cực và hăng say, không mệt mỏi, không than phiền hay kêu ca bất cứ điều gì và với bất cứ ai, tận tình giúp đỡ tất cả mọi người, tận tụy với người bệnh như người thân của chính mình. Nữ bác sĩ được rất nhiều người bệnh và người nhà người bệnh viết thư khen.
Thế rồi, điều tồi tệ nhất lại đến, nhanh hơn dự kiến khi trong lần kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, bác sĩ Hạnh phát hiện ra mình đã bị di căn nhiều nơi trung thất, phổi và ổ bụng với nhiều khối u kích thước rất lớn gần 10 cm.
“Vẫn nghị lực phi thường ấy, em vẫn đi làm, vẫn chăm sóc chu đáo các bệnh nhân, vẫn không hề than phiền 1 câu mặc dù trong lòng ngổn ngang. Chỉ sau khi hội chẩn quyết định phương pháp điều trị đã rõ ràng, em mới thổn thức: anh chị ơi em vẫn chưa cho gia đình biết, em sợ bố mẹ sẽ buồn, em muốn được chăm bố mẹ lúc tuổi già, em phải thế nào với hai đứa con còn quá nhỏ của em đây? Lúc này chúng tôi thực sự lặng đi” – một nữ đồng nghiệp của bác sĩ Hạnh kể lại.
Được biết ngày hôm qua 12-2, bác sĩ Hạnh trải qua cuộc phẫu thuật lớn nhất trong cuộc đời khi phải trải qua hai lần phẫu thuật liên tiếp (mổ bụng và mổ lồng ngực).
“Mặc dù sẽ được các chuyên gia đầu ngành của bệnh viện Việt Đức thực hiện, nhưng chúng tôi những đồng nghiệp của em không khỏi lo lắng cho em liệu có đủ sức chống đỡ, vượt qua được cuộc phẫu thuật này không và để tiếp tục chiến đấu với những đợt truyền hóa chất đầy khắc nghiệt” – bác sĩ Như nói.
Với tập thể các bác sĩ BV Bạch Mai, với tinh thần thép của bác sĩ Hạnh trong những ngày tháng qua mà đồng nghiệp, bạn bè từng chứng kiến. Chúng tôi biết không phải em lo lắng về cái Tết này như thế nào mà em lo lắng cho bố mẹ già ở quê lại một lần nữa phải gồng mình lên để lo tiền cho con gái chữa bệnh, chúng tôi biết cuộc chiến đấu tiếp sau đây không những cần sức lực mà còn cần rất nhiều chi phí phải trang trải, liệu em có đủ sức đủ điều kiện để chống đỡ với bệnh tật của mình hay không. Đến thăm nhà em chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì trong nhà em chỉ có 1 chiếc tivi cũ chắc từ lâu lắm rồi! 10 năm đèn sách em chưa kịp báo đáp công ơn của bố mẹ già, hai con còn quá nhỏ!” – đồng nghiệp bác sĩ Hạnh tâm sự.
Năm cũ cũng sắp qua, năm mới đang đến gần, mọi người đều cầu mong cho bác sĩ Hạnh nhận được một phép màu, đó sẽ là món quà Tết vô giá để bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh vượt lên được số phận nghiệt ngã, vượt qua được giai đoạn khó khăn này, cơ hội vẫn còn cho em một cuộc sống tốt đẹp.