Cẩu thả với lịch sử!

Đó là cuốn Nguyễn Sinh Sắc, cụ phó bảng xứ Nghệ - một nhân cách lớn của Trần Nhu do Nhà xuất bản Văn học hợp tác với nhà sách Thăng Long ấn hành năm 2015.

Tác giả được giới thiệu là tiến sĩ triết học nhưng viết một cuốn “gọi là biên khảo” chỉ có 240 trang mà có đến mấy chục chỗ sai. 

Vừa đọc lướt qua tôi đã giật bắn người về những sai sót ấu trĩ trong sách, nếu không nói là người viết quá thiếu kiến thức, viết cẩu thả không thèm tham khảo những chỗ không nắm được, dẫn đến nhiều chỗ sai nghiêm trọng. 

Xin nêu vài điểm sai ngớ ngẩn mà một học sinh trung học cũng thấy. Ví dụ trang 38, tác giả viết Nguyễn Sinh Sắc đỗ đầu (tức giải nguyên) khoa thi Hương năm 1894 ở Nghệ An. Thực ra theo Quốc triều Hương khoa lục thì khoa thi này lấy 22 người đậu cử nhân, riêng huyện Nam Đàn quê hương cụ Sắc đã có tám người đậu, trong đó cụ Sắc đậu thứ 12, chứ không phải đậu đầu. 

Cũng liên quan tới chuyện thi cử, tác giả hoàn toàn không biết gì về khoa cử thời Nguyễn. Theo thể lệ thi Hương bấy giờ, vượt qua ba trường là tú tài, vượt qua bốn trường mới đậu cử nhân… 

Các danh xưng dân gian gọi “ông kép”, “ông mền”, “ông đụp”, tức các ông chỉ qua được trường ba mấy lần, nghĩa là chỉ đậu tú tài hai lần, ba lần, bốn lần mà không vượt qua được trường bốn để đậu cử nhân. Thế nhưng tác giả Trần Nhu gọi là “lên chức kép”, “nhận chức mền” như là các ông được nhà nước phong kiến phong chức vậy…! 

Bấy giờ thi Hương tại địa phương, đậu cử nhân xong mới về kinh thi Hội để lấy tiến sĩ… chứ sao thi Hội để giành học vị cử nhân?… 

Tác giả cũng lỗ chỗ kiến thức khi nhầm lẫn Duy Tân hội và phong trào Duy Tân là một, khi viết “Phan Bội Châu sáng lập phong trào Duy Tân, chủ trương Đông Du”. Thật ra cụ Phan Bội Châu lập Duy Tân hội năm 1904, còn phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh và một số nhà nho cấp tiến khởi xướng ở Quảng Nam năm 1905.

Trang 73 có đoạn viết: Năm 1888, thực dân Pháp phế truất Đồng Khánh rồi đưa vua mới lên là Thành Thái. Thật ra năm 1888 vua Đồng Khánh chết chứ ông ta là ông vua thân Pháp đâu có bị phế truất! Tác giả lại viết ẩu rằng thực dân Pháp “phế truất (Đồng Khánh) như con vật thừa, rồi đưa con thứ hai của Thành Thái lên ngôi, đặt niên hiệu là Duy Tân mà nhất định không chấp nhận Hoàng tử Vĩnh San…!”. Thật hết biết! Học trò lớp 8 cũng biết hoàng tử Vĩnh San lên ngôi lấy niên hiệu Duy Tân. 

Tác giả còn xuyên tạc lịch sử khi viết rằng Phan Thanh Giản ký hiệp ước dâng ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho Pháp (trang 116). Trong khi lịch sử ghi rõ do Phan Thanh Giản cả tin, bị Pháp lừa chiếm thành Vĩnh Long, khiến ông uống thuốc độc tự tử, rồi sau đó Pháp dễ dàng chiếm luôn hai tỉnh An Giang và Hà Tiên, thống trị toàn xứ Nam Kỳ. 

Càng không thể tưởng tượng về sự thiếu kiến thức của ông tiến sĩ Trần Nhu khi ông viết rằng Nguyễn Ánh - Gia Long nghe theo lời toàn quyền Pháp đổi tên Đông Đô thành ra Hà Nội! (trang 177).

Đáng nói là Nhà xuất bản Văn học uy tín xưa nay với người chịu trách nhiệm nội dung sách cũng là một tiến sĩ lại để cuốn sách viết về một nhân vật lịch sử đặc biệt là thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều sai sót trầm trọng này ra đời. Được biết nhà sách Thăng Long, đơn vị liên kết làm sách, đã ngưng phát hành nhưng vẫn còn nhiều nơi bán qua mạng. Dù sao thì hệ quả để lại của cuốn sách chắc không nhỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới