Cầu Thăng Long nứt: “Nghi ngờ chọn công nghệ sai”

“Tôi nghi ngờ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chọn công nghệ sai” - ông Bùi Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCMđã nhận định như trên. Theo ông Trung, có thể các cơ quan chức năng đã sử dụng công nghệ SMA dành cho đường hoặc cầu bê tông để áp dụng vào cầu Thăng Long là cầu thép dẫn đến không phù hợp, gây hỏng hóc.

Ông Trung cho biết: SMA vốn là một công nghệ thảm áp phan chất lượng cao, đã được áp dụng ở một số đoạn đường như Hà Nội - Vĩnh Yên. Tuy nhiên, đối với cầu thì đây là lần đầu tiên được áp dụng. Và việc lựa chọn công nghệ, nguyên liệu đều do Bộ GTVT, Cục Đường bộ, Viện Khoa học và công nghệ GTVT quyết định, Công ty Bảo Quân chỉ là đơn vị thực thi.

SMA gây ngấm nước

. Nhưng hỏng hóc đã xảy ra, ông nhận định thế nào về sự cố trên, thưa ông?

+ Ông Bùi Xuân Trung: Sau khi phát hiện ra sự cố, tôi đã kiểm tra thực tế và thấy… quá khủng khiếp nên vội báo cho PMU 2 để phối hợp tìm hiểu nguyên nhân. Đến nay chúng tôi vẫn chưa thể đưa ra được kết luận nguyên nhân chính xác hỏng hóc do đâu.

. Theo PMU 2, xảy ra hỏng hóc thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm, đồng thời lỗi có thể là do thi công và trộn bê tông không đúng kỹ thuật?

+ Khi hỏng mà còn trong thời gian bảo hành thì rõ ràng chúng tôi phải chịu trách nhiệm nhưng về lâu dài thì phải làm rõ nguyên nhân do công nghệ hay thi công. Nếu mặt cầu nứt dọc thì lỗi chắc chắn là do thi công. Nhưng ở đây, mặt công trình lại xuất hiện các vết nứt ngang, sau đó lan ra nhiều điểm khác nên công ty nghi ngờ về việc sử dụng công nghệ. Ngoài ra, nếu lỗi thi công hoặc do một mẻ bê tông nào đó thì vết nứt chỉ bị một, hai điểm thôi chứ không thể rộng và lan ra nhiều điểm.

. Việc đổ lỗi do công nghệ liệu có khách quan không khi mà đây là một công nghệ được quảng bá hiện đại và lần đầu tiên được áp dụng khi làm cầu?

+ Với chúng ta là mới nhưng ở nước ngoài năm năm trở lại đây họ đã ít sử dụng công nghệ trên vì SMA vốn xốp nên ngấm nước. Đồng thời, cái SMA của mình khi thiết kế và áp dụng ở cầu Thăng Long đã tạo ra sự rỗng ở trong dẫn đến ngấm nước. Ngay khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện ra có sự chứa nước rất lớn, trong khi nước vốn là kẻ thù của mặt đường, mặt cầu. Có thể khâu thiết kế, lựa chọn công nghệ chúng ta đã không để ý đến.

Ngoài ra, về mặt chủ quan cho thấy ta mới ứng dụng công nghệ này nên cũng có nhiều nảy sinh, chúng ta chưa qua kinh nghiệm.

Cầu Thăng Long nứt: “Nghi ngờ chọn công nghệ sai” ảnh 1

Những vết nứt ngày càng lộ rõ, to. Ảnh: THÀNH VĂN

“Chúng tôi chỉ được chỉ định thi công”

. Nếu là lỗi công nghệ thì đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm, thưa ông?

+ Khi lựa chọn công nghệ trên, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hội nghị, nhiều lần bàn bạc mới đưa ra quyết định cuối cùng. Trong đó, Viện Khoa học và công nghệ GTVT là đơn vị nghiên cứu, tư vấn công nghệ. Đơn vị chúng tôi được chỉ định thầu nên chúng tôi chỉ đảm nhận việc thi công. Tất cả công nghệ, nguyên liệu đều do viện chỉ định làm. Do đó, trách nhiệm phải thuộc về đơn vị thiết kế cũng như lãnh đạo phê duyệt thực hiện dự án.

. Vậy các ông sẽ làm gì để phân định được sự cố hỏng hóc với các cơ quan trên?

+ Về mặt chuyên môn khoa học giao thông ở Việt Nam thì viện là đơn vị to nhất rồi. viện cũng là đơn vị lựa chọn công nghệ nên làm sao họ đứng ra nhận được. Vì thế, chúng tôi đã phải mời chuyên gia từ Anh sang và họ nói rằng SMA có nhiều loại, phải áp dụng công nghệ phù hợp mới hiệu quả. Chúng tôi cũng đang mời chuyên gia Mỹ và Trung Quốc sang đánh giá nguyên nhân sự cố một cách độc lập. Nói gì đi nữa thì chúng tôi cũng là những người “độc thân” còn viện thì lại khác…

. Thưa ông, nếu là lỗi công nghệ thì có phải triển khai thực hiện lại dự án không?

+ Cái này thì rất khó nói. Hiện chúng tôi cũng đang hằng ngày theo dõi việc xử lý các điểm hỏng hóc có hiệu quả hay không và có phát sinh thêm những hỏng hóc mới không. Còn về lâu dài, nguyên nhân phải rõ thì mới có biện pháp phù hợp.

. Xin cảm ơn ông.

Lãnh đạo TP Hà Nội: Cần chống thấm ngay!

Chiều 20-3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cùng lãnh đạo Sở GTVT đã trực tiếp đi khảo sát việc hỏng hóc của cầu Thăng Long. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho rằng đây là một huyết mạch giao thông rất quan trọng. Do đó, bất kỳ sự cố nào xảy ra đều có thể ảnh hưởng đến giao thông nội thành. Lãnh đạo TP Hà Nội rất quan tâm việc này. Trước mắt, TP sẽ yêu cầu các cơ quan khoa học tiến hành kiểm tra, phân tích tìm nguyên nhân. Đồng thời, TP đề nghị các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp chống thấm, đọng nước khu vực bên trong của cầu.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm