Nứt cầu do thử nghiệm kiểu đường:Trả lời quá vô trách nhiệm

Ngày 22/3, báo giớiđã có cuộc trao đổi với ông Doãn Minh Tâm, Viện trưởng, và ông Vũ Đức Chính, Phó Viện trưởng (đơn vị giới thiệu công nghệ, vật liệu và cũng là đơn vị thiết kế và giám sát sửa cầu Thăng Long).

Làm cầu nhưng thử nghiệm với... đường

- Thưa ông, vật liệu SMA (công nghệ bê tông nhựa nóng) được sử dụng cho cầu Thăng Long được quảng bá là công nghệ tiên tiến của thế giới, nhưng cầu vừa sửa xong đã nứt. Ông nói gì về điều này?

Ông Vũ Đức Chính: - Chúng tôi khẳng định đây là công nghệ, vật liệu tốt nhất, ưu việt nhất có thể với Việt Nam hiện nay.

- Song đây lại lần đầu áp dụng với cầu ở nước ta, đã có thử nghiệm gì để ông nói tốt và phù hợp với kết cấu cầu Thăng Long?

Ông Vũ Đức Chính: - Chúng tôi đã áp dụng thử với… đường (đường quốc lộ ở Vĩnh Phúc - PV) và được đánh giá rất tốt.

Ông Doãn Minh Tâm: - Chúng tôi đã có 1 đề tài cấp bộ công nghệ nhựa SMA, giao một thạc sỹ chủ trì, đã có kết quả báo cáo: với nhựa này, làm đúng như thiết kế thì rất tốt. Từ kết quả này, đơn vị thiết kế mới trình.

Nứt cầu do thử nghiệm kiểu đường:Trả lời quá vô trách nhiệm ảnh 1

Ông Vũ Đức Chính Ảnh:C.Hiếu

-Nghĩa là công nghệ, vật liệu làm cho cầu nhưng chỉ áp dụng thử nghiệm với... đường?

Ông Vũ Đức Chính: - Mọi người mong muốn thử nghiệm trên cầu nhưng không làm được do tính khắc nghiệt của công trình là không được phép dừng xe nên chúng tôi thử nghiệm trên một đoạn đường khác.

Hơn nữa, không có nghĩa anh làm ở đâu thì phải thử nghiệm ở đấy. Không cứ anh làm ở biển thì ra đấy thử, làm trên không thì lên trên không thử.

Không thoát được nước vì dự án thiếu đồng bộ!

- Nhà thầu nói thiết kế không phù hợp, như lớp đường mới thảm (17m/22m bề ngang) thấp hơn lớp cũ hai bên (5m hai bên lan can) nên nước không thoát được, và thực tế nhà thầu đang phải xẻ rãnh để thoát nước, ông nói sao về “lỗi” thiết kế này?

Ông Vũ Đức Chính: - Đường xe chạy làm bằng vật liệu mới, còn hai mép làm bằng vật liệu cũ, đã nhiều năm rồi nên cao độ nó không tạo điều cho thoát nước, nên giờ đây chúng tôi đề xuất làm sao đấy cho thoát nước được tốt.

Hơn nữa, đường giữa hỏng nhiều nhất do ô tô chạy nhiều nhất, hai bên bê tông nhựa già đi, nhưng không có ô tô chạy nên làm sau. Cái này đã có trong kế hoạch nhưng phải tuần tự từng bước một. 

Trong thiết kế vẽ bê tông nhựa cũ không cao vậy. Nhưng quá trình vật liệu cũ bị phồng rộp lên có bị lệch một chút, chứ không phải cao như "bức tường" để ngăn nước.

Ông Doãn Minh Tâm: - Do dự án chỉ là thi công làn ô tô bằng phương tiện cơ giới, lực lượng mạnh, còn làn đi bộ thi công thủ công, chắc nằm trong quy trình bảo dưỡng thôi, sẽ làm sau. Sửa chữa hai bên không nằm trong dự án này.

-Công nghệ thì ưu việt, vậy lỗi là do thi công? Là đơn vị giám sát, Viện có thấy sơ suất nào của nhà thầu?

Ông Vũ Đức Chính: - Quá trình kiểm sát thì chúng tôi đánh giá là chuẩn mực. Chúng tôi xin Bộ cho chúng tôi đánh giá vật liệu, các công đoạn bằng các con số, xem thi công có đạt các số liệu quy định, nếu không đạt thì là lỗi thi công, còn họ chứng minh số liệu đó phù hợp thì không phải lỗi họ. Giả sử do nhà thầu có một mẻ trộn nào đó không chuẩn, nhưng chưa nói ngay được.

Giám sát là hệ thống, nhà thầu Bảo Quân sẽ trình tất cả các số liệu về máy móc, vật liệu…, Trách nhiệm của tư vấn là xuống trực tiếp xem anh có đủ năng lực không nhưng khối lượng rất nhiều, và theo quy định của Luật Đấu thầu, Bảo Quân có trách nhiệm làm cái đấy. 

Theo luật, giả sử trong 100 khối có 50 khối phải có 1 mẫu, nếu có khối thứ 30 trong 50 khối đó không đủ thì trách nhiệm nhà thầu.

Tư vấn giám sát nước ngoài thì người ta chỉ có 1 vài người, kiểm tra đột xuất, cùng nhắc nhở.
Ở đây chúng tôi đã làm mật độ nhiều hơn, nhưng cũng chỉ nhắc, hướng dẫn chứ không làm thay họ.

Vá chậm do... công nhân nghỉ Tết

- Được biết Viện cũng đã khoan lấy mẫu bê tông để kiểm định, kết quả ra sao?

Ông Vũ Đức Chính: - Các mẫu đó khoan từ mặt đường khó vô cùng so với nhựa bình thường, vì chúng tôi sợ hư hỏng tới bản thép, phải tính từng milimet, nên khi lấy rồi nó bị biến dạng toàn bộ. 

Nói như thế để nói nó tốt nhưng cũng không thể kết luận không có vấn đề gì vì có thể có lỗi gì đó cục bộ. 

Nứt cầu do thử nghiệm kiểu đường:Trả lời quá vô trách nhiệm ảnh 2

Vết nứt rộng trên cầu Thăng Long  Ảnh: Chí Hiếu

- Ông có lo ngại vết nứt lan ra?

Ông Vũ Đức Chính: - Viện cùng Ban 2 kiểm soát quá trình sửa chữa. Chúng tôi cũng phải viết đề cương, tiến hành kiểm tra đánh giá toàn bộ. Cũng chả ai mong muốn vết nứt lan ra.

- Mức độ nghiệm trọng của sự cố, ông đánh giá thế nào?

Ông Vũ Đức Chính: - Cầu còn có nhiều lớp bê tông bảo vệ ở dưới nữa. Lớp đó hoàn toàn tốt và không có hiện tượng hỏng bản thép.

- Nhà thầu có nói rằng, bản thép sau một thời gian dài đã bị cong, và đây có thể là nguyên nhân khiến cầu bị nứt?

Ông Doãn Minh Tâm: - Về nguyên tắc thì bản thép phải thẳng toàn bộ. Trước khi thảm chúng tôi đo thì thấy có biến dạng. 

"Chúng ta còn quá ít kinh nghiệm xử lý cầu có kết cấu mặt cầu là thép. Cả nước này chỉ có 2 cầu có kết cấu mặt cầu bằng thép là cầu Thăng Long và cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng)", ông Doãn Minh Tâm

Nhưng các chuyên gia nói không đơn giản nếu đưa thêm một khối lượng vật liệu lớn vào vì cầu chỉ có từng ấy trụ.

Trong nghiên cứu, chúng tôi sẽ “ốp” các vết nứt với con số đo trước đây, để tìm quy luật. Tất cả chỗ biến dạng trước đây mà nứt thì mới nói được nguyên nhân này.

- Vậy còn vì sao việc sửa chữa chậm thế, dù vết nứt được phát hiện từ đầu tháng 2. Và sửa chữa trên nguyên tắc nào?

Ông Vũ Đức Chính: - Người ta (nhà thầu) chấp nhận vận hành cả trạm lớn để sửa lỗi nhỏ nhưng lúc đó cận Tết, không huy động được công nhân, nguyên liệu ngay.

Ông Doãn Minh Tâm: - Khắc phục cũng phải gắn với nguyên nhân nữa. Chúng tôi đề nghị nhà thầu sửa cho tốt và phải đẹp: mục tiêu đẹp như cũ, chất lượng đạt theo thiết kế. Vì thế, dù vết nứt nhỏ nhưng chúng tôi chỉ đạo đục rộng ra, vuông vắn và dùng đúng vật liệu cũ.

Tổng cộng diện tích vết vá khoảng 100m2, trên tổng số 27.000m2 mặt cầu vừa thảm lại.

- Xin cám ơn các ông!

  • Chí Hiếu/VNN (ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm