Thủ tướng: Dứt khoát làm bằng được dự án đường vành đai 4 ở Đông Nam Bộ

Thủ tướng: Dứt khoát làm bằng được dự án đường vành đai 4 ở Đông Nam Bộ

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo để có vốn làm dự án đường vành đai 4 cần nghiên cứu hợp tác công tư, phát hành trái phiếu chính phủ.

Sáng 5-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại tỉnh Tây Ninh. Tại đây, ngoài các dự án liên kết vùng, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành và năm tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã tập trung bàn bạc cơ chế, chính sách và cách thức để triển khai dự án đường vành đai 4.

THU-TUONG-6.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ, sáng 5-5. Ảnh: VÕ TÙNG

TP.HCM tự cân đối vốn, các tỉnh cần hỗ trợ của Trung ương

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, vừa qua các địa phương đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, thống nhất thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt. Quy mô mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 phần tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc (tối thiểu bốn làn xe chạy, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy).

Tổng chiều dài tuyến vành đai 4 khoảng 206,82 km, có chênh lệch so với quy hoạch (197,6 km). Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 127.230 tỉ đồng. TP.HCM đã cùng Bộ GTVT, các địa phương chuẩn bị triển khai dự án và các địa phương đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Trước đó, TP.HCM có công văn gửi năm địa phương, đề nghị sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thống nhất phương án đầu tư đối với các công trình có vị trí giáp ranh với các địa phương như cầu Thủ Biên (kết nối Bình Dương và Đồng Nai), cầu Bàu Cạn (kết nối Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu). Đồng thời, đề nghị các tỉnh báo cáo khả năng cân đối vốn của ngân sách địa phương cho dự án và đề xuất nguồn vốn Trung ương hỗ trợ.

Ông Mãi cho biết TP.HCM và các tỉnh trong vùng đề nghị Trung ương hỗ trợ 50% phần vốn giải phóng mặt bằng cho Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai; 75% đối với Long An; TP.HCM xin tự cân đối vốn.

cang-can-gio-3.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VÕ TÙNG

TP.HCM cũng đề nghị tỉnh Long An rà soát khả năng cân đối vốn ngân sách địa phương, tham gia thực hiện dự án để đề xuất các phương án phân kỳ đầu tư phù hợp, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện dự án.

Theo ông Mãi, đường vành đai 4 đoạn qua tỉnh Long An dài hơn 78 km, nếu để tỉnh Long An làm hết sẽ tốn nhiều vốn. Do đó có thể nghiên cứu thực hiện phân kỳ, lấy cao tốc TP.HCM - Trung Lương làm điểm phân kỳ. Ngoài ra, TP còn đề nghị các địa phương đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù sau khi các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận hiện còn một số vướng mắc, nhất là chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư dự án đường vành đai 4.

“Nếu xác định đây là đường giao thông quốc gia thì thuộc nhiệm vụ đầu tư của Trung ương nhưng vận dụng cơ chế đường vành đai 3 có thể chia sẻ ngân sách cả Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế để địa phương này sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ cho địa phương khác” - ông Mãi nói.

29

là số dự án quan trọng, liên kết vùng Đông Nam Bộ. Hiện đã khởi công bốn dự án gồm đường vành đai 3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Cũng theo ông Mãi, nguồn vốn nhà nước tham gia các dự án là rất lớn, trong khi ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án. Chủ tịch TP.HCM kiến nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành hồ sơ dự án. Riêng dự án đường vành đai 4 đoạn qua tỉnh Long An nặng nhất, phải trình ra Quốc hội.

Ông Mãi đề nghị Thủ tướng chấp thuận giao TP.HCM chủ trì, phối hợp Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho đường vành đai 4. Cùng với đó, tích hợp các cơ chế từ đường vành đai 3, Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội để xây dựng đường vành đai 4. Từ đó, các địa phương sẽ cố gắng hoàn thành hồ sơ, trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.

Về phần vốn xin Trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, với 50% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng và xin bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025.

Riêng tỉnh Long An, ngân sách Trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án, khoảng 28.400 tỉ đồng và xin bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 6.700 tỉ đồng (tức 30% chi phí giải phóng mặt bằng). Phần còn lại xin bố trí trong giai đoạn 2026-2030. “Bình Dương đã đủ điều kiện khởi công trong tháng 7, xin phép Thủ tướng cho Bình Dương đi trước. Cơ chế, chính sách sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm” - ông Mãi đề xuất.

Thủ tướng: Dứt khoát làm bằng được dự án đường vành đai 4 ở Đông Nam Bộ
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Ảnh: VÕ TÙNG

Cần cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án thành phần

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết các kiến nghị của TP.HCM và các địa phương hợp lý nhưng có khó khăn về ngân sách. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch vốn Trung ương giai đoạn 2026-2030 chưa được Quốc hội phê duyệt nên rất khó xác định.

“Đây là khoản tiền tương đối lớn, không nằm trong kế hoạch nào hiện nay và phải chờ rất lâu” - ông Dũng nói. Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý xem xét khả năng tách dự án này riêng ra, không đặt vào ngân sách chung quốc gia. Ví dụ, cho phát hành trái phiếu riêng của dự án. Các tỉnh đi vay, sau này các tỉnh tự trả lại.

cang-can-gio.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VÕ TÙNG

“Chúng ta mạnh dạn vay, nếu như đặt vào ngân sách Trung ương sẽ vô cùng phức tạp, gần như rất khó khả thi… Nếu muốn làm nhanh, tách dự án này riêng ra, các địa phương đóng góp bao nhiêu, vay bao nhiêu, cho các cơ chế đi vay, phát hành và đề xuất trả” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận các cơ chế, kiến nghị của TP.HCM và địa phương đề xuất cho đường vành đai 4 cũng là các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng cho đường vành đai 3 Hà Nội và các dự án đường cao tốc quốc gia.

Trường hợp có khó khăn về ngân sách Trung ương, ông Thắng đề nghị phải có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực xã hội hóa. Theo ông Thắng, vùng Đông Nam Bộ có sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, do đó cần có cơ chế, chính sách linh hoạt, đa dạng để tháo gỡ nội dung này.

bo-truong-giao-thong-nguyen-van-thang.jpeg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Về triển khai dự án đường vành đai 4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết tuyến đường này được quy hoạch với chiều dài 199 km, quy mô tám làn xe. Dự án đi qua năm địa phương gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Đây là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, dự kiến đầu tư trước năm 2030. Thủ tướng đã giao các địa phương, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các dự án thành phần trên địa bàn theo phương thức đối tác công tư (PPP).

TP.HCM là cơ quan đầu mối tổng hợp tình hình triển khai các dự án thành phần, Bộ GTVT là cơ quan điều phối chung. Bộ GTVT đã phối hợp với TP.HCM cùng các địa phương trong vùng để tháo gỡ khó khăn nhằm quyết liệt triển khai thực hiện dự án này. Đến nay, Bộ GTVT cùng các địa phương đã thống nhất khẩn trương triển khai các dự án thành phần độc lập theo phương thức PPP, quy mô giai đoạn 1 đảm bảo bốn làn xe hoàn chỉnh.

Cạnh đó, UBND TP.HCM được giao chủ trì thống nhất với các địa phương lựa chọn đơn vị tư vấn tổng thể để rà soát các dự án thành phần, đảm bảo được thực hiện đồng bộ. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng về các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án thành phần. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ đang tập trung hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương để giải quyết các khó khăn, vương mắc liên quan trong quá trình triển khai dự án.

Thủ tướng cơ bản đồng tình với đề xuất của TP.HCM

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với đề xuất của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Để giải quyết vấn đề nguồn vốn, Thủ tướng nhìn nhận nguồn vốn Trung ương là để xây lắp, vốn địa phương để giải phóng mặt bằng. Để có vốn cần nghiên cứu hợp tác công tư, phát hành trái phiếu chính phủ.

Theo Thủ tướng, hiện nay dư địa chính sách tài khóa tại Việt Nam còn rộng. Ông đề nghị Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT bàn luận, tìm ra phương án về vốn. “Khó mấy cũng phải làm, dứt khoát phải làm, mà chúng ta làm được, vấn đề là tư duy thôi” - Thủ tướng khẳng định và cho biết việc phát hành trái phiếu lúc này rất thuận lợi vì lãi suất USD còn lớn.

Theo Thủ tướng, việc phát hành trái phiếu như nguồn vốn để làm công trình trọng điểm không bao giờ lỗ, nhất là hạ tầng giao thông, miễn làm xong có không gian phát triển mới. Lợi nhuận mang lại có thể hàng trăm, hàng ngàn lần nhưng phải làm đúng chính sách, đúng quy định.

******

Thủ tướng: Bộ, ngành phải chủ động, không để địa phương phải xin xỏ

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động hơn trong xây dựng cơ chế, chính sách vùng, không để địa phương phải tự đề xuất, xin xỏ.

L.THOA - V.TÙNG - N.THẢO

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ sáng 5-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định diện tích vùng Đông Nam Bộ nhỏ nhưng có đóng góp lớn cho cả nước. Dẫn chứng một số kết quả kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng cho biết việc xây dựng sân bay Long Thành, đường vành đai 3, nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… là những hạ tầng “nhìn thấy được, sờ được”.

thu-tuong-5.JPG
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VÕ TÙNG

Cần xác định lợi thế cạnh tranh của vùng

Thủ tướng khẳng định hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ được nhìn thấy rõ, không ai phủ nhận. Nhắc đến sân bay Long Thành, Thủ tướng nói: “Một sân bay hơn 100.000 tỉ đồng, có chủ trương từ năm 2015, đến năm 2021 chưa giải phóng mặt bằng mà đến giờ này đã có hình hài như thế cho thấy sự quyết tâm lớn, có thể hoàn thành vượt tiến độ”.

Thủ tướng cho rằng dự án này đã giải phóng mặt bằng xong rồi, nếu tăng ca, tăng kíp, làm việc xuyên lễ, Tết, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ.

Với dự án này, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tập hợp được sức mạnh của người dân, doanh nghiệp. Dù vậy, Thủ tướng lưu ý không được chủ quan vì vùng Đông Nam Bộ còn nhiều điểm nghẽn cần giải quyết để vùng phát triển đúng với tiềm năng, vị thế và đúng với mong mỏi của cả nước.

Trong đó, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển công nghiệp văn hóa, liên kết hạ tầng giữa các tỉnh, thành trong vùng và giữa các vùng với nhau. Đồng thời giải quyết ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông, nhất là ở TP.HCM.

Nói về vấn đề ngân sách để làm các dự án giao thông, Thủ tướng khẳng định ngân sách nhà nước bao gồm cả ngân sách Trung ương và địa phương chứ không phân biệt. Các dự án hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục… là của Nhà nước nhưng cũng là của người dân, được làm bằng tiền ngân sách, của xã hội nếu hợp tác công tư hoặc tiền đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp theo hình thức BOT.

Đối với việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng đề nghị phải xác định những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng. Đồng thời cộng hưởng với các cơ chế, chính sách ưu tiên để phát triển.

Trong phát triển vùng, Thủ tướng nhấn mạnh đến các từ khóa như tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết, chặt chẽ, thực chất, hiệu quả. Đồng thời gắn với cơ chế, chính sách thông thoáng, đổi mới, hiện đại, chiến lược giao thông, hạ tầng phải nhanh và hiện đại; quản trị phải minh bạch, phù hợp với xu thế phát triển mới.

Theo Thủ tướng, nguồn lực để phát triển vùng bao gồm Trung ương, địa phương, xã hội, FDI, hợp tác công tư và các cơ chế đổi mới để huy động nguồn lực tổng thể. Trong đó, lấy đầu tư công dẫn dắt tư nhân và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải bám sát tình hình thực tiễn để kiên định mục tiêu chiến lược, lâu dài. Tuy nhiên cũng uyển chuyển linh hoạt, bám sát nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp để xây dựng cơ chế, chính sách.

“Luôn đặt con người là trung tâm chủ thể, nguồn lực, động lực cho sự phát triển, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ người dân.

Về bộ máy điều phối vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng nhấn mạnh đã tổ chức ra bộ máy thì phải hoạt động hiệu quả, đều tay, tâm huyết, không hình thức. “Người đứng đầu bộ, ngành phải chủ động hơn trong xây dựng cơ chế, chính sách vùng, không để địa phương phải tự đề xuất, xin xỏ. Quyết tâm xóa bỏ cơ chế xin-cho, hành chính, quan liêu, bộ này đẩy bộ kia” - Thủ tướng nói.

VANH-DAI-4-8.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VÕ TÙNG

Ưu tiên đầu tư các dự án động lực trọng điểm

Đi sâu vào một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ưu tiên đầu tư các dự án động lực trọng điểm như các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Biên Hòa. “Nay mai còn sân bay Biên Hòa, không phải để bay từ TP.HCM đến Biên Hòa mà từ khắp nơi trên thế giới đến đây, để chia sẻ với sự quá tải của TP.HCM trong lúc chưa hoàn thành sân bay Long Thành” - Thủ tướng nói.

Về trung tâm tài chính quốc tế, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, bộ trưởng Bộ KH&ĐT tham mưu với tinh thần “cứ triển khai đã, khó đến đâu tháo gỡ đến đó”. Thủ tướng đề nghị cần xem việc gì làm trước, việc gì làm sau, gặp gỡ các doanh nghiệp và tổ chức thực hiện cho bằng được trung tâm này, cần thiết có thể huy động đầu tư nước ngoài vào làm.

Về dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Thủ tướng đề nghị hoàn thiện hồ sơ trước ngày 15-5. Đối với dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT trong 10 ngày phải bổ sung dự án vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải dứt khoát hoàn thiện cơ bản sân bay Long Thành trong năm 2025, khánh thành nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 30-4-2025 và các đoạn tuyến cao tốc nào có thể làm ngay thì làm ngay. “Thời gian tới, tinh thần đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực cao hơn, quyết liệt rồi quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đọc thêm