Cầu xây trước, bồi thường sau nên… ách

Cầu Phước Lộc nằm trên đường Đào Sư Tích, bắc qua rạch Cây Khô nối xã Phước Kiểng với xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TP.HCM), được khởi công tháng 6-2012, dự kiến xong sau 17 tháng. Nhưng đến nay cầu mới chỉ có trụ và nhịp đúc hẫng nằm giữa rạch. Hai đầu dẫn vào cầu cỏ mọc um tùm, trùm lên những căn nhà lụp xụp.

Mãi chịu cảnh rách nát, nghèo nàn

Trong khi đó, cầu cũ gần bên đã mục, xuống cấp có thể sập bất cứ lúc nào. Hiện Công ty Công trình Cầu phà TP phải lập trạm canh gác và dựng thùng phuy, cắm biển báo chặn ô tô, chỉ cho xe máy và xe ba gác lưu thông.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch xã Phước Lộc, cho biết khi đau ốm cần cấp cứu, người dân chỉ còn nước đi xe máy hoặc xe ba gác. Nếu đi bằng xe cứu thương phải vòng xuống huyện, rồi ngược vào trung tâm TP xa thêm cả chục km.

“Cũng vì cầu, đường cách trở, việc vận chuyển vật liệu xây dựng khó khăn, giá thành tăng gấp 3-4 lần nên người dân Phước Lộc không đủ sức xây nhà mới, chịu mãi cảnh nhà lá lụp xụp, rách nát, nghèo nàn!” - ông Trung nói thêm. 

Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4 - chủ đầu tư dự án), dự án vướng bồi thường, giải tỏa, không có mặt bằng thi công tiếp. Hơn một năm sau ngày khởi công, nhà thầu thi công buộc phải rút đi, để lại giữa rạch và bờ ba trụ, hai nhịp chơ vơ...

Cầu Phước Lộc sau bốn năm xây dựng mới chỉ có ba trụ, hai nhịp nằm lửng lơ giữa rạch Cây Khô.  Ảnh: LĐ

Nghịch lý xây trước, bồi thường sau

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cầu được khởi công hơn một năm thì huyện Nhà Bè mới đưa ra đơn giá, phương án bồi thường. Liền đó, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, người dân không chấp nhận đơn giá, phương án bồi thường, hỗ trợ cũ. Hội đồng Thẩm định bồi thường TP cũng yêu cầu huyện phải làm lại đơn giá, phương án theo luật mới.

Thế nhưng khi đơn giá mới được đưa ra, người dân xã Phước Lộc lại cho rằng chỉ cách cây cầu nhưng giá đất thị trường ở xã Phước Kiểng là 25-30 triệu đồng/m2, còn ở xã Phước Lộc chỉ là 15-17 triệu đồng/m2... Vì vậy việc xác định giá để áp dụng cứ bị nhì nhằng, kéo dài. Hiện xã Phước Kiểng còn 33 hộ chưa giải tỏa được, phía xã Phước Lộc là 51 hộ. Người dân vẫn phải tiếp tục mỏi mòn chờ cây cầu mới bắc qua sông.

Sẽ sớm có mức giá bồi thường mới

Ông Huỳnh Quốc Dũng, Phó Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè (TP.HCM), cho biết đến đầu tháng 11-2016, các đơn vị liên quan thống nhất được với 84 hộ bị ảnh hưởng ở hai xã thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định lại giá đất. “Hy vọng trong quý IV này sẽ ban hành được phương án, mức giá bồi thường để giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, đơn vị thi công” - ông Dũng nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4 - chủ đầu tư dự án), cho hay nếu từ đầu năm 2017, huyện Nhà Bè giao mặt bằng sạch thì cầu Phước Lộc sẽ được thi công trở lại và hoàn thành sau tám đến 10 tháng. Dù cầu bị “treo” suốt nhiều năm qua nhưng khi hoàn thành tổng trị giá xây lắp của cầu không bị đội lên, vẫn là 210 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới