Ngày 30-10, Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM tổ chức tọa đàm “Tự tin khởi nghiệp cùng các CEO thành công”.
Có thời điểm muốn chạy xe ôm trả nợ mà không có xe
Ông Đỗ Hữu Thanh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty may Sư Tử Vàng cho biết, tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm năm 1996, có 10 năm gắn bó với ngành nông nghiệp và được thỏa chí đi khắp nơi.
“Sau đó, tôi về lại Sài Gòn làm xây dựng, buôn bán… cuối cùng ôm nợ 100 cây vàng, tài sản không còn gì, ngay cả chiếc xe máy cũng không. Tâm lý khởi nghiệp là mong có tiền để trả nợ. Thời điểm đó, thấy người chạy xe ôm tôi cũng ước ao trở thành họ"- ông Thanh kể.
Ông Thanh kể tiếp, lúc đó ông không còn gì trong tay và cũng không có ai chia sẻ. May mắn có một người bạn trong ngành may cho biết sẽ giúp làm hàng, tôi đi bán. Tiền vốn trả lại bạn, tiền lời tôi dùng xoay sở.
Nhưng không có xe, không có máy tính mà mượn ai cũng không được. May mắn đến lần nữa khi một người chú có người thân từ nước ngoài gửi tiền về đã cho ông mượn, quy ra là 14 triệu đồng. Nhờ đó, ông dùng 7 triệu đồng mua xe máy trả góp, dùng một số tiền mở pháp nhân công ty… và văn phòng là quán cà phê.
"Có kinh nghiệm tiếp thị nên tôi bán được nhiều hàng và "ông trời thương", thời điểm đó quảng cáo Google bắt đầu xuất hiện, tôi bắt được trend này. Tháng đầu tiên tôi kiếm được 32 triệu đồng nhưng bị ép trả nợ 5 triệu đồng, chưa kể tài sản lớn nhất lúc đó là máy laptop cũng bị xiết nợ. Tháng thứ hai kiếm được 50-60 triệu đồng…
Chỉ trong một năm văn phòng có được 12 người. Năm thứ hai làm hàng quá tải, người bạn đề nghị mở xưởng... Trong vòng bốn năm tôi đã trả nợ được 100 cây vàng” - ông Thanh kể.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Thu Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Fujiwa Việt Nam cho biết, thành công trong ngành quảng cáo 20 năm, sau đó mới dấn thân vào ngành nước uống. Làm thương mại khác với sản xuất rất nhiều, cần có định hướng lâu dài về chiến lược và thương hiệu.
Theo bà Thủy, thường doanh nghiệp tốn nhiều chi phí marketing, xây dựng thương hiệu và lỗ trong 5 năm đầu là kế hoạch doanh nghiệp phải chấp nhận.
"Dù công ty kiểm soát được vấn đề này nhưng vất vả vô cùng. Vì vậy, giảm lỗ khi xây dựng thương hiệu vô cùng quan trọng. Ngoài ra, tôi nhiều lần thất bại về tuyển dụng, đưa sản phẩm ra thị trường nhưng bình tĩnh tìm lại hướng đi. Do đó, qua năm năm xây dựng thị trường, thương hiệu nước uống có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt"- bà Thủy kể.
Không có tiền khó khởi nghiệp
Nhiều sinh viên đặt câu hỏi không có vốn phải khởi nghiệp bằng cách nào.
Theo bà Thủy, khởi nghiệp mà không có đồng nào rất khó, không thể nào làm được mà phải có người đồng hành hỗ trợ. Vì vậy, uy tín cá nhân rất quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải gây dựng.
“Người ta có thể cho bạn mượn rất nhiều tiền nhưng có thể không cho bạn mượn một đồng nào” - bà Thủy chia sẻ.
Theo ông Thanh, trên con đường khởi nghiệp có 10 người thì “gãy” hết 8 và chúng tôi thành công là những người may mắn và có quyết tâm. Bên cạnh đó, uy tín cá nhân rất quan trọng. Trước đây tôi nợ 10 triệu đồng bị nhà cung cấp nhắc tới nhắc lui. Bây giờ có khi tôi nợ cả tỉ đồng, không có giấy tờ gì nhưng nhiều khi họ còn sợ mình giận, lo bỏ họ tìm nhà cung cấp khác.
Ngoài uy tín cá nhân, có những yếu tố góp phần khởi nghiệp thành công người trẻ cần lưu ý.
Ông Thanh chia sẻ, tư duy chọn con đường khởi nghiệp rất quan trọng. Hiện nay tư duy khởi nghiệp cũng khác xưa. Cách đây 15 năm xu hướng khởi nghiệp với Google, sau đó là mạng xã hội, có nhiều người làm giàu từ mạng xã hội. Xu hướng bây giờ là trí tuệ nhân tạo (AI), các bạn trẻ cần tận dụng để khởi nghiệp thành công.
“Nhiều thông tin cho thấy các bạn Gen Z thích bỏ việc. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đang đi xuống, việc làm không nhiều, các ngành đều sa thải người lao động. Những nhà tuyển dụng bây giờ chọn “thỏ trắng”, là những người chịu làm, chịu học, chịu cống hiến, có tư duy đạo đức bởi khi doanh nghiệp ứng dụng AI thì “thỏ trắng” có thể sử dụng ngay” - ông Thanh nói.