Cha dẫn con gái vào nhà vệ sinh nữ: Nên hay không?

Vừa qua trên mạng xã hội xôn xao câu chuyện: “Ông bố đưa con gái đi bơi tại hồ bơi ở quận 12 (TP.HCM), sau đó dẫn con gái vào nhà vệ sinh nữ để tắm cho bé. Cùng lúc đó, tại nhà vệ sinh nữ cũng có hai mẹ con đang thay đồ thì giật mình vì nghe tiếng ông bố cùng con gái ở phòng bên cạnh. Nghe thấy có tiếng đàn ông ở nhà vệ sinh nữ, chị này lên tiếng hỏi: “Phòng tắm nữ mà sao đàn ông vào đây vậy?” và nhân viên bảo vệ cũng lên tiếng về chuyện này khi có khách nữ phản ánh. Bị bảo vệ nhắc nhở, người đàn ông này tỏ vẻ khó chịu “Tôi vào tắm cho con gái tôi cơ mà. Nó còn nhỏ, tôi phải tắm cho nó chứ, sao lại không cho”. Sau đó, người phụ nữ phòng bên cạnh đã đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội và nhận được nhiều luồng ý kiến.

Một số dân mạng cho rằng người đàn ông kia nên dắt con gái vào phòng tắm nam hoặc nhờ chị em tắm cho bé ở phòng tắm nữ hoặc tốt nhất về nhà tắm cho con. Có người chia sẻ, vấn đề nhạy cảm như thế, ông ấy nên nhờ mấy cô, chị em ở đấy tắm hộ cũng được; nếu dẫn bé gái vào phòng tắm nam cũng không nên…

Cha đưa con gái vào nhà vệ sinh nữ là đúng hay sai?

Trao đổi với PLO, ThS - nghiên cứu sinh, giảng viên khoa Tâm lý học trường ĐH KHXH&NV, Nguyễn Thị Diệu Anh, cô cho biết: “Người ta đã thống kê, trên cơ thể người có bốn bộ phận riêng tư: môi, ngực, bộ phận sinh dục và mông. Ngoài ra có những chỗ nhạy cảm như bụng, nách, cổ, đùi. Do đó, người lớn phải ý thức được chuyện này và giáo dục lại cho trẻ. Và đó cũng chính là cái nền tảng dẫn đến câu chuyện đi hồ bơi”.

Theo ThS Diệu Anh, nếu phụ huynh nào đã ý thức được những quy tắc liên quan đến quyền riêng tư, họ phải thấy rằng việc dẫn con gái vào phòng tắm nữ (trường hợp phụ huynh nam) hoặc ngược lại mẹ dẫn con trai vào phòng tắm nam có nguy cơ sẽ xâm phạm quyền riêng tư và thấy những bộ phận riêng tư của người khác. Nên rõ ràng trong trường hợp này là không được phép, bố thì không được dẫn con gái vào nhà vệ sinh nữ và ngược lại.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà vệ sinh đều phân chia ranh giới: nam và nữ, nó đều có lý do riêng cả. Việc chia ranh giới nhà vệ sinh nam và nữ là một quy định để tôn trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân, đồng thời tạo chúng ta cảm giác an toàn hơn khi bước vào đó. “Anh bước vào nơi không thuộc về anh nghĩa là anh đang xâm phạm về sự an toàn quyền riêng tư của người khác nên rõ ràng người đàn ông này sai. Trường hợp này, cho dù đứa con bao nhiêu tuổi cũng vậy”, ThS Diệu Anh cho biết thêm.

Vậy, đâu là hướng giải quyết?

Theo ThS Diệu Anh, việc đưa ra giải pháp ở đây là dành cho những người làm cha làm mẹ chứ không phải cho trẻ. Nếu phụ huynh ý thức được những quyền riêng tư của người khác thì trong trường hợp trên, anh ta không cần phải dẫn bé vào nhà vệ sinh nữ tắm mà có thể đưa con về nhà tắm.

Đây là một bài học dành cho tất cả các phụ huynh khác về chuyện đưa con đi đến phòng tắm rồi ai sẽ tắm cho nó, rồi ai là người đưa đi, ai là người đưa vô… nếu như phụ huynh không tiện vào thì tốt nhất là nên về nhà. Đồng thời, phụ huynh cũng lưu ý, nếu nơi đó đã không thuộc quyền riêng tư của mình thì tốt nhất mình không nên bước vào. Vì đó là hình thức lạm dụng.

Trường hợp người bố dẫn con gái đi bơi rồi vào nhà vệ sinh nữ tắm cho con là không được phép, vì có nguy cơ sẽ nhìn thấy những bộ phận riêng tư của người khác.

Trong trường hợp này, bé gái đã tầm 5-6 tuổi thì có thể tự vệ sinh sơ về bản thân dựa vào lời dặn của phụ huynh. Ví dụ “ba đứng ở ngoài đợi con, con vô đó con vệ sinh nha…”. Những chuyện này phụ huynh phải hướng dẫn cho bé ngay ở nhà để đứa trẻ có thể tự xử lý được những tình huống nơi công cộng.

“Việc nhờ người khác tắm cho con là bí bách quá thôi. Nghĩa là phụ huynh đó chưa bao giờ hướng dẫn con mình thì mới sử dụng biện pháp là nhờ người tắm giúp. Tuy nhiên, việc nhờ người khác tắm cũng có thể vi phạm quyền riêng tư của trẻ. Cho nên mình không khuyến khích cho cách làm đó. Thay vào đó, phụ huynh nên hướng dẫn con ở nhà với những tình huống mà con trẻ sẽ phải gặp ở ngoài đời sống”, ThS Diệu Anh cho biết.

Vậy làm cách nào để trẻ có thể xử lý được những tình huống xảy ra ở nơi công cộng?

Đầu tiên, phụ huynh phải hướng dẫn nhiều lần cho trẻ biết về bốn bộ phận riêng tư. Nghĩa là trẻ phải biết được bộ phận riêng tư của mình và người khác. Thông qua đó, trẻ sẽ nhận thức được rằng, khi trẻ tôn trọng mình đồng nghĩa với việc trẻ cũng đang tôn trọng người khác về bốn bộ phận riêng tư đó.

Nên nhớ, phụ huynh phải hướng dẫn thường xuyên để trẻ nhớ kĩ. Ba tuổi là bắt đầu dạy cho trẻ về quyền riêng tư, tuần sau hướng dẫn một lần, một tháng sau hướng dẫn lần nữa, rồi cứ cách đều ba tháng hướng dẫn tiếp cho trẻ, và nó sẽ trở thành một kiến thức cho trẻ sau này. Khi đã trở thành kiến thức rồi, bạn thử tưởng tượng ba tuổi được dạy liên tục như vậy đến năm tuổi thì đến lúc ba bé kêu “ba dẫn con vào phòng nữ này tắm nhé”, khi đó bé sẽ hiểu ngay là không được phép.

Thứ hai, phụ huynh phải dạy cho trẻ kĩ năng “phải biết nói không”; bỏ chạy, kể ra nếu như mà bé bị xâm phạm về những bộ phận riêng tư đó. Và kể ra thì nên kể với ai, kể với những người mà trẻ cảm thấy an toàn. Phụ huynh phải hướng dẫn cho trẻ sẵn luôn là những ai trẻ cảm thấy an toàn. Dựa trên quy tắc bàn tay năm ngón, phụ huynh cùng với trẻ phải soạn sẵn ra năm người mà trẻ cảm thấy an toàn nhất để trẻ có thể kể được hết bất cứ thứ gì trên đời, và năm người này phải luôn luôn tin tưởng trẻ. Đây là điều cơ bản nhất để trẻ tự biết bảo vệ bản thân mình.

Để không vướng phải rắc rối như trong câu chuyện “người bố dẫn con gái vào nhà vệ sinh nữ tắm cho con”, tốt nhất cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con từ sớm, đừng sợ vẽ đường cho hươu chạy để trẻ đi đúng hướng. Và khi trẻ hiểu được bản thân nó, trẻ hiểu được cảm xúc của nó, nó hiểu được những bộ phận riêng tư nói riêng và nó hiểu được cơ thể nó nói chung thì nó sẽ tôn trọng bản thân nó. Và một trong những cái thể hiện sự tôn trọng là không cho ai được đụng vô người nó nếu như đó là những đụng chạm không an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm