Trẻ hoang mang vì đùng đùng dạy về vùng bikini

Tối 7-1, đông đảo phụ huynh và các chuyên gia đã có mặt tại buổi tọa đàm kín “Save me - Cứu con với” do doanh nghiệp xã hội OpenM tổ chức. Đây là một hoạt động trong dự án dài hạn “That’s enough” của OpenM nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi sự lên tiếng của xã hội về vấn nạn xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em.

Đừng lo khi con đề phòng tất cả

Chia sẻ trăn trở với phụ huynh, các chuyên gia đều nhìn nhận GDGT cho trẻ từ sớm rất quan trọng. Theo ThS Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên khoa Khoa học Giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM, việc GDGT cho trẻ ở Anh và Úc diễn ra rất sớm, ngay từ khi trẻ mới ba tuổi.

Nhìn nhận dưới góc độ giáo dục, bà Huyền cho rằng: “Việc GDGT phải diễn ra từ sớm, tuần tự từng bước chứ không thể đùng một phát kêu con ơi, vùng bikini là vùng gì và không cho ai được chạm vào sẽ khiến trẻ hoang mang, khó xử”.

ThS Nguyễn Thị Thu Huyền cùng các chuyên gia tại buổi tọa đàm. Ảnh: H.LAN

ThS Huyền hướng dẫn: Trước khi dạy trẻ về XHTD thì các phụ huynh phải dạy cho trẻ nhận diện cảm xúc tích cực, tiêu cực và tôn trọng cảm xúc của trẻ. Tiếp theo đó là dạy cho trẻ về tình huống an toàn và không an toàn như con đi một mình sẽ không an toàn, con chơi có cha mẹ xung quanh là an toàn. Kế đến là đụng chạm an toàn và không an toàn.

ThS Huyền chia sẻ câu chuyện báo cáo viên trong nhóm Sách và trẻ thơ do chị sáng lập bị phản ứng khi trẻ được dạy phòng chống xâm hại thì bắt đầu đề phòng tất cả. Trẻ về nhà thấy cha và ông nội cởi trần hay ôm hôn là liền phản ứng. Do đó, ThS Huyền cho rằng ngoài dạy về phòng chống XHTD còn cần thiết dạy cho trẻ cách thiết lập mối quan hệ với những người xung quanh thì bài học mới được áp dụng hiệu quả. Nhiều phụ huynh hiện nay rất quan tâm với việc giáo dục giới tính cho con trẻ nên thường xuyên tập hợp các nhóm trẻ và mời báo cáo viên đến chia sẻ về vấn đề này là tín hiệu đáng mừng. Ngoài ra, ngoài dạy cho trẻ bảo vệ bản thân cũng cần phải dạy cho trẻ tôn trọng và không thực hiện hành vi xâm hại với người khác.

Đồng quan điểm với ThS Huyền, TS tâm lý Lê Thị Linh Trang, người tích cực dạy kỹ năng phòng chống XHTD miễn phí cho các em học sinh tiểu học tại TP.HCM, cũng cho biết, việc làm này của chị vấp phải không ít khó khăn khi một số trường chưa nhìn nhận đúng về việc dạy kỹ năng cho trẻ từ sớm để bảo vệ mình. TS Trang chia sẻ: “Có trường khi nghe đề cập dạy cho trẻ về XHTD thì từ chối với lý do mấy em mới học tiểu học, con nít con nôi thì biết gì mà dạy. Họ sợ mình dạy bậy bạ nhưng thực ra người lớn nghĩ mới là bậy bạ”.

TS Trang kể: Lúc dạy một trường ở quận 8 có một bà ngoại mắng vốn tắm cho cháu không được sau khi học xong. Theo TS Trang, việc này là bình thường bởi trẻ có tiếp thu kiến thức và khả năng những người khác chạm vùng nhạy cảm của bé sẽ không xảy ra. Do đó, người lớn không nên la mắng, cần giải thích cho con hiểu và nên mua sách tin cậy, phù hợp lứa tuổi con về đọc để dạy thêm cho con. Quyển sách chị vẫn thường ủng hộ là sách Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con - Những bảo bối của hiệp sĩ Tani của TS Phạm Thị Thúy và bạn Thảo Nhi.

Sách Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con - Những bảo bối của hiệp sĩ Tani được TS Linh Trang cho rằng dễ hiểu. Ảnh: H.LAN

Ngoài ra, tuy con trai có số lượng bị xâm hại tình dục ít hơn nhưng có nguy cơ bị lôi kéo phạm tội cao. Nhiều trường hợp khi xảy ra sự việc, bé gái không cho rằng mình bị xâm hại. Do đó, phụ huynh hãy chia sẻ và khuyến cáo luật pháp sẽ xử con như thế nào cho con hiểu để tránh phạm sai lầm.

Cũng theo TS Linh Trang, hiện nay người trẻ không nên nháo nhào, lên án cơ quan điều tra xét xử mà hãy bỏ công sức vận động chính sách pháp luật bằng cách cân nhắc bỏ lá phiếu ở dưới cơ sở, xem xét thấu đáo dự thảo luật để đề xuất sửa đổi các điểm bất hợp lý.

Không chờ phơi bày mới nghiêm trọng

Chị Nguyễn Yên Thảo, chi hội trưởng Chi hội tâm lý giáo dục Nhịp cầu hạnh phúc OBV, nơi giải cứu nuôi dưỡng trẻ bị xâm hại tình dục trăn trở những vụ việc được phơi bày ra ánh sáng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chị Thảo kể nhiều vụ án cực kỳ khó xử, người nhà nạn nhân liên hệ tổ chức nhưng ngày hôm sau biến mất, dắt con đi thật xa, không ai tìm ra được đứa trẻ nữa.

Chị Thảo cho rằng: “Chúng ta không cần thiết phải thấy những vụ việc phơi bày  mới nghĩ vấn đề này nghiêm trọng mà thực sự nó đã rất nghiêm trọng từ nhiều năm nay, từ gia đình đến nhà trường phải có trách nhiệm chung tay phòng chống chứ không để xảy ra sự việc rồi mới chống. Mỗi người là cánh tay nối dài giúp tuyên truyền tác động mạnh mẽ sẽ giúp nỗi đau không lặp lại dày hơn”. 

Các phụ huynh quan tâm tham dự tọa đàm. Ảnh: H.LAN

Đồng tình với ý kiến của chị Thảo,  TS tâm lý Vũ Thiện Toàn cho rằng phải tạo môi trường lành mạnh và an toàn cho trẻ. Trong các chương trình dạy kỹ năng phòng chống xâm hại, TS Toàn luôn ưu tiên dạy cho phụ huynh và các cán bộ làm công tác trẻ em. Theo TS Toàn, sự quan tâm của phụ huynh là chìa khoá bảo vệ các em, người lớn để ý sẽ giúp trẻ không xảy ra tai nạn. Mỗi người tùy theo sức của mình mà làm những công việc phù hợp.

TS Toàn kể có một cộng tác viên từng là nạn nhân đi làm ban ngày, tối tập hợp các trẻ trong khu phố dạy kiến thức chống xâm hại, để ý xung quanh có ai lai vãng. Hay ở các trường, phụ huynh được TS Toàn gợi ý mỗi ngày vào giờ tan học sẽ phân chia phụ huynh nán lại chờ các em ở lớp còn mình ra về và để ý các em đi bộ về nhà. Lớp có 30 em thì mỗi tháng, mỗi phụ huynh chỉ về trễ một ngày nhưng con em nào cũng được để ý bảo vệ. Việc này được vận dụng ở Nhật giúp bảo vệ trẻ rất hiệu quả.

 

Gọi 111 khi trẻ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục

Vừa qua, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 do Bộ LĐ-TB&XH quản lý đã đi vào hoạt động. Đây là số điện thoại tiếp nhận thông tin tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em...

Khi tiếp nhận, tổng đài có trách nhiệm liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền để kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em.

Tổng đài 111 hoạt động 24/24 giờ. Tổng đài 111 không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm