Thời gian qua những vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra, tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại không chỉ bị tổn thương về thể xác mà còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tinh thần.
“Voices Out” là triển lãm ảnh và sắp đặt đầu tiên tại Việt Nam về đề tài xâm hại tình dục. Triển lãm có sự lộ diện của gia đình nạn nhân với 10 câu chuyện được ghi lại dưới dạng video/audio của chính gia đình chia sẻ về hành trình đòi lại công lý cho những đứa trẻ vô tội.
Nỗi đau còn đó
“Dì âm thầm đi thưa chính quyền. Cỡ nào chăng nữa, dì cũng phải làm cho ra. Dì Tư sẽ không chấp nhận giảm án, không bãi nại. Nếu nhà sui chống án, đi đâu dì cũng đi” - bà Tư, bà ngoại bé D. (Vĩnh Long), chia sẻ về câu chuyện của đứa cháu ngoại tội nghiệp. Bé D. mới chỉ 10 tuổi, thế nhưng đã bị xâm hại tình dục trong suốt thời gian dài bởi chính người cha ruột và ông nội. Kẻ thủ ác còn ép em phải uống thuốc phá thai trong suốt một năm trời, cho tới khi bà ngoại bé phát hiện. Với những nỗ lực không mệt mỏi, bà Tư đã khiến hai kẻ tội đồ phải chịu sự trừng trị của pháp luật là tù chung thân. Vậy nhưng bé D. mãi không còn hồn nhiên như ngày xưa.
Hay như câu chuyện đau lòng của hai bé sinh đôi T., H. ở TP.HCM. Mới chỉ năm tuổi nhưng hai em đã bị hàng xóm xâm hại. Chị Mai, mẹ của bé, chỉ phát hiện ra sự việc khi con liên tục có biểu hiện kỳ lạ, hay la hét trong đêm. Hiện mọi nguồn thu trông chờ vào chồng, một mình chị đang đi đòi lại công lý cho hai con mình. “Chị không thể tha thứ được. Nếu chị tha thứ thì trong tương lai nó sẽ làm với con chị nữa” - chị Mai nói. Đến thời điểm này vụ án đang bị đình chỉ.
Có những vụ xâm hại tình dục dù nạn nhân đã chết, thế nhưng kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vì không giải được nỗi oan bị xâm hại nhiều lần bởi người hàng xóm, bé K. (Cà Mau) đã tự tử chỉ khi mới 10 tuổi. “Tôi muốn nói con tôi từ từ chờ các chú xử. Chờ tới lúc con tôi chết. Khi nào vụ này chưa sáng tỏ, con tôi chưa được siêu thoát” - mẹ bé K. nói.
Các bé được gia đình đưa đến tham quan triển lãm để hiểu hơn về vấn đề này. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Đọc những dòng chia sẻ từ chính gia đình các nạn nhân trên những bức tranh, chị Nguyễn Hoàng Thảo Lan, nhân viên Công ty Officience, đã không kìm được nước mắt. Chị Lan cho biết buổi triển lãm là cơ hội để chị cùng các phụ huynh khác có thể hiểu rõ hơn về nỗi đau cũng như quá trình đòi lại công lý của các gia đình. “Tôi nghĩ việc làm cần thiết ngay lúc này là cha mẹ, nhà trường nên quan tâm đến vấn đề giáo dục giới tính. Ở đất nước Malaysia, trẻ em bốn tuổi đã được giáo dục kiến thức về vấn đề này. Phải làm thế nào để trẻ em hiểu rõ được đâu là giới hạn của sự yêu thương và đâu là hành vi xâm hại tình dục” - chị Lan nói.
Học sinh cũng cùng lên tiếng
Vấn đề xâm hại tình dục hiện đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Đặc biệt, đây cũng là đề tài được nhiều học sinh THPT chọn nghiên cứu tại vòng chung kết học sinh nghiên cứu khoa học cấp TP vừa được tổ chức vào sáng 4-1.
Triển lãm sắp đặt “Voices Out - Dáng hình thanh âm” sử dụng nghệ thuật sắp đặt kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh, chia sẻ câu chuyện về 10 gia đình nạn nhân bị xâm hại tình dục. Đây là hoạt động trong chuỗi dự án dài hạn “That’s enough” của doanh nghiệp xã hội OpenM về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em. |
Chia sẻ về đề tài “Giải pháp hỗ trợ phòng chống xâm hại tình dục trẻ em”, em Đoàn Anh Trâm, Trường THPT Trần Văn Giàu, cho biết em bắt đầu thực hiện đề tài từ hè năm ngoái. Thời điểm đó xâm hại tình dục trở thành một vấn nạn đáng báo động. Vì thế, em nghĩ cần có một giải pháp thiết thực cho tình trạng trên.
Cũng theo Anh Trâm, trên thế giới đã có nhiều giải pháp mang tính trừng trị đối với loại tội phạm này như thiến hóa học, gắn con chip vào cơ thể nạn nhân. Thế nhưng em nghĩ cần có một giải pháp mang tính nền tảng và lâu dài. Đó là đẩy mạnh giáo dục về vấn đề trên.
Để thực hiện đề tài, em và bạn Đỗ Anh Tuấn đã nghiên cứu các vụ án xâm hại tình dục. Qua đó cho thấy có hai nhóm đối tượng phạm tội, đó là có kế hoạch và do có cơ hội. Phạm tội có kế hoạch là những người mắc bệnh ấu dâm. Còn phạm tội do có cơ hội là những người dân trí thấp, bị tác động của rượu bia, chất kích thích. Trong khi đó, qua làm khảo sát đối tượng phụ huynh, học sinh cho thấy mọi người vẫn chưa quan tâm lắm đến vấn đề trên. Vì thế, để phòng tránh, giáo dục là quan trọng nhất.
Anh Trâm cho hay các em vừa tiến hành giáo dục trực tiếp lẫn gián tiếp. Đối với giáo dục trực tiếp, nhóm thực hiện những buổi tuyên truyền tại các trường mầm non, tiểu học, THCS. Trước khi tuyên truyền, các em đã làm phiếu khảo sát để nắm kiến thức của học sinh về vấn đề trên. Sau đó, nhóm sẽ cung cấp những thông tin liên quan. Kết thúc, nhóm còn làm một bản thực nghiệm để đánh giá lại kiến thức của các em.
Về giáo dục gián tiếp, nhóm sử dụng kênh YouTube và thiết kế website mang tên Bác sĩ Gấu nâu. Website này không chỉ giáo dục cho trẻ em mà còn giáo dục cho tất cả đối tượng. Là giáo viên hướng dẫn, cô Tạ Thị Hồng Hà cho biết đề tài được thực hiện với mong muốn sẽ cung cấp những kiến thức bổ ích để các em biết phòng tránh.
Mỗi năm có 1.500 vụ xâm hại tình dục Mỗi tám giờ có một bé gái bị xâm hại Sáu bé trai thì có một bé bị xâm hại Bốn bé gái thì có một bé bị xâm hại 93% thủ phạm là người quen 47% là họ hàng trong gia đình 30% trẻ em bị xâm hại hai lần trở lên Con nuôi bị tấn công cao gấp 10 lần con đẻ Trẻ em sống cùng bố mẹ tái hôn có nguy cơ cao gấp 20 lần so với bố mẹ ruột. (Nguồn: Số liệu thống kê tại buổi triển lãm Voices Out) |