Thảo luận trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội ngày 1-11, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng chưa có khi nào các vụ xâm hại tình dục trẻ em lại gây phức tạp trong thời gian như vừa qua.
Dẫn chứng cho nhận định này, bà Thủy nêu mỗi năm cả nước có trên 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, như số trẻ bị xâm hại ở độ tuổi mẫu giáo ngày càng có xu hướng gia tăng, xảy ra nhiều vụ xâm hại rồi sau đó giết trẻ hoặc dẫn tới trẻ tự sát. Nhiều vụ xâm hại có tính chất loạn luân... Một số vụ thầy giáo và bảo vệ nhà trường cùng xâm hại nhiều học sinh, chỉ đến khi các cháu quá sợ hãi thì sự việc mới bị phát hiện. Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng sau khi xảy ra thì lại có dấu hiệu bị bỏ qua, bị bỏ lọt hoặc rất khó khăn trong quá trình chứng minh tội phạm.
Trong khi đó, theo đại biểu (ĐB) Thủy, quá trình chứng minh các vụ án này gặp rất nhiều khó khăn bởi nguyên tắc của tố tụng hình sự là trọng chứng hơn trọng cung, nếu không có chứng cứ hoặc chứng cứ yếu thì các cơ quan tố tụng cũng không thể khởi tố, truy tố, kết tội.
“Các vụ xâm hại trẻ em thường xảy ra ở những nơi vắng vẻ, ít khi có nhân chứng. Trẻ bị hại tuổi còn quá nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ sự việc, hoặc có những cháu quá hoảng sợ nên khai báo không thống nhất”- bà Thủy nói. Một khó khăn khác là vấn đề giám định, gia đình người hại chỉ có quyền tự trưng cầu giám định nếu sau bảy ngày mà cơ quan tố tụng từ chối trưng cầu giám định, mà khi đó rất khó còn có thể lưu giữ được chứng cứ tới thời điểm này.
Cũng theo bà Thủy, theo quy định của luật có tới 15 cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trong đó Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan đầu mối nhưng cho tới nay chưa có cơ quan nào có được số liệu chính xác về thực tế tình hình trẻ em nước ta bị xâm hại. Tất cả số liệu đều đang lấy theo số liệu vụ án đã bị khởi tố...
Là một nhà giáo, ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng con số trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo hành trên thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều so với các báo cáo. Rất nhiều nạn nhân còn nhỏ tuổi, cá biệt có những em chỉ 9-10 tháng tuổi.
Bà Thảo sau đó dẫn lại trường hợp cách đây hai tháng, một bệnh viện tại Hà Nội phải tiếp nhận một bệnh nhi mới hơn 1 tuổi bị đa chấn thương, hôn mê sâu, não bị tổn thương nghiêm trọng. Bà Thảo cho rằng nếu như bạo hành đối với đối tượng yếu thế đáng lên án một thì bạo hành trẻ em đáng lên án gấp hàng trăm, hàng nghìn lần bởi hậu quả để lại cho các em cực kỳ nặng nề. ĐB Nam Định sau đó kiến nghị Quốc hội cần đưa nội dung về tình trạng bạo hành trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội trong thời gian tới và coi đây là giám sát ở mức cao nhất.