Cha đẻ gạo ngon ST25 'kêu cứu' vì bị làm giả

Ngày 22-12, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được đơn đề nghị của gia đình ông Hồ Quang Cua về việc hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25.

Ông Hồ Quang Cua là "cha đẻ" của giống lúa và gạo ST24, ST25. Năm 2019, tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới diễn ra ở Philippines, gạo ST25 đã giành được giải thưởng gạo ngon nhất thế giới. Sang đến năm 2020, gạo ST25 tiếp tục giành được giải nhì tại cuộc thi này.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết sau khi nhận được đơn của gia đình ông Cua, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc chủ động rà soát, thẩm tra, xác minh các nội dung doanh nghiệp phản ánh tại hồ sơ đối với các cơ sở bị cho là vi phạm trên địa bàn quản lý của Cục QLTT các tỉnh, thành phố.

Ông Hồ Quang Cua bên sản phẩm gạo ST25, loại gạo đạt giải "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2019. Ảnh: AH

Tổng cục QLTT đặc biệt lưu ý, đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, bao bì, tem, nhãn hàng hóa, đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, đối với hành vi xâm phạm quyền về giống cây trồng (giống lúa, gạo) thuộc phạm vi quản lý của Bộ/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tổng cục QLTT cũng yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ/Sở NNN&PTNT (khi có đề nghị) để kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Trao đổi với PLO, ông Hồ Quang Trí, con trai kỹ sư Hồ Quang Cua, xác nhận đã gửi đơn và hồ sơ đề nghị Tổng cục QLTT vào cuộc bảo vệ thương hiệu. Ông Trí cho biết, đã rất nhiều lần phát hiện đơn vị kinh doanh khác giả mạo nhãn hiệu, thậm chí sử dụng tên doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí kèm theo địa chỉ trụ sở doanh nghiệp của mình để in lên túi.

"Chúng tôi đã đề nghị xử lý các túi giả đó rất nhiều lần. Khách hàng mua phải túi giả, khi phát hiện ra chất lượng sản phẩm không đúng như vậy, họ lại gọi điện cho chúng tôi quở trách " - ông Trí bức xúc.

Để ngăn chặn hàng giả, doanh nghiệp này đã liên tục thay đổi bao bì. Nhưng chỉ mới thay đổi bao bì được một tháng đã bị các đối tượng làm giả y hệt. Sau đó, doanh nghiệp này đã làm tem số nhảy để khách hàng dễ dàng phân biệt hàng thật với hàng giả.

"Tem số nhảy tức là mỗi con tem có một số khác nhau. Mỗi túi gạo có một con tem, người tiêu dùng khi mua hàng có thể cào lớp phủ bên ngoài, sau đó truy xuất bằng điện thoại. Nếu truy xuất ra thông tin thì đó là hàng thật. Tuy nhiên, mỗi tem chỉ được một lần truy xuất, để tránh các cơ sở khác cũng có thể làm giả" - ông Trí nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm