Theo ông Linh, hiện số lượng các trường THCS và THPT phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 95% số trường thành lập tổ tư vấn tâm lý. Do đó, các cơ sở đào tạo sư phạm có ngành tâm lý giáo dục sẽ tham mưu cho các địa phương cũng như Bộ để thành lập các trung tâm can thiệp chuyên sâu, hướng đến giải quyết những trường hợp cá biệt có dấu hiệu tâm lý nặng của học sinh (HS).
Đề cập đến tình trạng HS cá biệt, ông Linh cho rằng một trong những nguyên nhân vẫn còn HS này là do sự quan tâm của gia đình, cha mẹ đến sự tiến bộ của con em mình chưa đáp ứng được yêu cầu. “Một số gia đình mải mê làm ăn, " khoán trắng" cho nhà trường giáo dục” - ông Linh nói.
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại hội thảo.
Dự kiến trong thời gian diễn ra hội thảo, các chủ đề chính được trao đổi thảo luận tại bốn tiểu ban và ở các chủ đề bàn tròn. Trong đó có bàn đến những vấn đề chuyên sâu như lĩnh vực về nhận thức và học tập; lĩnh vực cảm xúc - hành vi - tương tác xã hội; hỗ trợ tâm lý học đường; hỗ trợ tâm lý cho trẻ có nhu cầu đặc biệt; thuận lợi và thách thức trong xây dựng phòng tâm lý học đường ở trường phổ thông; để trở thành chuyên gia tâm lý học đường; vai trò của truyền thông trong nâng cao nhận thức của cộng đồng về tâm lý học đường...
Đây cũng là dịp để công bố kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực tâm lý học trường học. Đồng thời kết nối, vận động các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông, chuyên gia, chuyên viên tâm lý, các bậc cha mẹ trong và ngoài nước trong việc quy hoạch, phát triển ngành nghề, dịch vụ tâm lý học trường học tại Việt Nam và trên thế giới.