Tối 20-6, bà gửi xe cho nhân viên (có nhận thẻ xe) cửa hàng Thiên Lý (thuộc Công ty TNHH Giày Thiên Lý) trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình, TP.HCM) rồi vào mua giày. Khi quay ra thì xe bà (trị giá hơn 100 triệu đồng, do cơ quan công an định giá) “không cánh mà bay”. Ngoài chiếc xe bà cũng mất một số giấy tờ tùy thân và tiền mặt hơn 7 triệu đồng để trong cốp xe. “Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại vì gần sáu tháng qua tôi vẫn chưa được cửa hàng giày bồi thường dù đã nhiều lần yêu cầu. Vậy tôi phải làm gì để cửa hàng giày phải thực hiện nghĩa vụ của mình?” - bà Hạnh hỏi.
Trao đổi với chúng tôi, trợ lý giám đốc Công ty Giày Thiên Lý cho biết: Ban đầu tại cơ quan công an, bà Hạnh đồng ý chờ phía công ty bảo vệ (đơn vị được thuê để bảo vệ cửa hàng) bồi thường cho bà. Tuy nhiên, sau đó do việc thẩm định giá bồi thường quá cao, chưa sát với thực tế nên phía công ty bảo vệ không chịu bồi thường. Thấy vậy, công ty giày lập tức khởi kiện công ty bảo vệ để nhờ tòa án phân xử nhằm mau chóng trả lại quyền lợi cho bà Hạnh.
Về việc này, luật sư Lê Liêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết Điều 562 Bộ luật Dân sự quy định “nghĩa vụ của bên nhận gửi giữ là phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ”. Ở đây, khi vào cửa hàng, khách hàng gửi xe, có nhận thẻ nên trách nhiệm giữ gìn tài sản của khách kể từ thời điểm ấy đã thuộc cửa hàng giày. Do vậy, cửa hàng Thiên Lý phải bồi thường cho khách hàng. Cửa hàng lấy lý do chờ bên phía công ty bảo vệ bồi thường để chậm khắc phục thiệt hại đã gây ra cho khách hàng là chưa đúng. Chuyện khởi kiện của cửa hàng giày và công ty bảo vệ là chuyện riêng của nhau, khách hàng không liên quan.
Cũng theo luật sư Liêm, trong quan hệ dân sự, hai bên có thể thương lượng, thỏa thuận bồi thường thiệt hại. Nếu thỏa thuận không thành, bà Hạnh có thể khởi kiện ra tòa và cũng có thể yêu cầu bồi thường thêm các khoản thiệt hại phát sinh (như phải thuê mướn xe hoặc đi xe công cộng…) với điều kiện bà có chứng cứ chứng minh.
THÁI HIẾU