Chấm dứt tình trạng khẩn cấp, liệu có phải đại dịch kết thúc?

(PLO)- Nhiều người băn khoăn sau tuyên bố của WHO chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu do dịch COVID-19, liệu có phải đại dịch kết thúc?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên gọi COVID-19 là đại dịch vào ngày 11-3-2020. Sau hơn ba năm, ngày 6-5, WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu (PHEIC) do dịch COVID-19.

Một bệnh nhân COVID-19 diễn biến xấu được điều trị tại Trung tâm Y tế St. Jude (TP Fullerton, bang California, Mỹ) ngày 15-2-2021, thời điểm Mỹ vẫn bị dịch hoành hành nặng. Ảnh: AP

Một bệnh nhân COVID-19 diễn biến xấu được điều trị tại Trung tâm Y tế St. Jude (TP Fullerton, bang California, Mỹ) ngày 15-2-2021, thời điểm Mỹ vẫn bị dịch hoành hành nặng. Ảnh: AP

Băn khoăn sau tuyên bố của WHO

Nhiều người băn khoăn, bối rối rằng tuyên bố của WHO chấm dứt PHEIC có đồng nghĩa là đại dịch kết thúc? Cần làm rõ là không. Khi tuyên bố chấm dứt PHEIC, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nói rõ đây không phải là sự kết thúc mối đe dọa mà dịch COVID-19 gây ra.

Thời điểm WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp, cứ 3 phút vẫn có một người chết vì COVID-19. Nói cách khác, WHO vẫn coi COVID-19 là đại dịch, là mối đe dọa toàn cầu. Đa số chuyên gia mà trang tin về sức khỏe STAT (Mỹ) trao đổi không khẳng định rằng đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc, mà chỉ chia sẻ quan điểm của WHO rằng dịch đang ở một giai đoạn khác.

Vậy khi nào đại dịch kết thúc? Việc lây nhiễm sẽ không dừng lại nên không có điểm kết thúc thực sự nào của đại dịch. Thay vào đó, các nhà dịch tễ học và sử gia y tế tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy virus chuyển đổi thành một thứ gì đó dễ dự đoán hơn và ít nguy hiểm hơn.

Vẫn cần theo dõi các biến thể mới và nỗ lực ngăn ngừa cũng như điều trị, tập trung bảo vệ những cá nhân dễ bị tổn thương nhất.

Thời điểm này, mầm bệnh COVID-19 được đánh giá còn mới đối với con người, gây bệnh trên diện rộng và có mức độ tử vong cao, theo chuyên gia truyền nhiễm Marc Lipsitch tại Trường Y tế công cộng Harvard (Mỹ). Chỉ có thể đánh giá là đại dịch kết thúc một khi bệnh đã ổn định thành một thứ mà hệ thống miễn dịch của con người có thể đối phó tốt hơn. Hay nói cách khác, việc đại dịch kết thúc tùy thuộc vào cách và thời gian virus phát triển, vào việc hệ thống miễn dịch của con người có được khả năng đối phó với căn bệnh này nhanh như thế nào.

Vì thế, cả WHO hay bất kỳ tổ chức nào khác đều không quyết định được khi nào đại dịch bắt đầu hoặc kết thúc, theo trang tin US News. Ngay cả TS Mike Ryan, Giám đốc Chương trình Khẩn cấp của WHO, cũng khẳng định “sẽ không có chuyện WHO xuất hiện và nói rằng đại dịch đã kết thúc” và “trong hầu hết trường hợp, đại dịch chỉ thực sự kết thúc khi đại dịch tiếp theo bắt đầu”.

Đại dịch là một thuật ngữ dịch tễ học chính thức, là một dịch bệnh đang bao trùm nhiều nơi trên thế giới. Và theo nghĩa đó, COVID-19 vẫn là một đại dịch. Đó là một bệnh lây nhiễm nhưng về cơ bản, nó đang chuyển từ một mối đe dọa mới sang một thứ mà chúng ta đang học cách chung sống.

BS - nhà nghiên cứu y tế toàn cầu CHRISTOPHER MURRAY, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe của ĐH Washington (Mỹ)

Liệu có quá sớm?

Một tuần sau khi WHO tuyên bố chấm dứt PHEIC, Mỹ cũng tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc gia vì dịch COVID-19, theo đài CNN. Các diễn biến này có ý nghĩa gì? Các nước có nên chấm dứt tình trạng khẩn cấp như WHO và Mỹ tuyên bố, hay còn quá sớm?

Mỗi nước sẽ quyết định thời điểm chấm dứt tình trạng khẩn cấp, tùy tình hình cụ thể trong nước. Trao đổi với CNN, TS Leana Wen, bác sĩ cấp cứu và giảng dạy về quản lý và chính sách y tế tại Trường Y tế công cộng Viện Milken thuộc ĐH George Washington (Mỹ), đánh giá rằng với trường hợp của Mỹ, chấm dứt tình trạng khẩn cấp lúc này không phải là quá sớm.

Hiện tại COVID-19 vẫn tiếp tục lây nhiễm cho khoảng 77.000 người và giết khoảng 1.100 người/tuần ở Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Tuy nhiên, một thước đo quan trọng là số người nhập viện vì COVID-19 đang ở mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch. Lý do là gần như mọi người đều có một số khả năng miễn dịch đối với virus và nhờ các phương pháp điều trị có sẵn rộng rãi.

Theo dữ liệu của CDC, hơn 96% người Mỹ đã nhiễm, đã được tiêm phòng hoặc cả hai. Phơi nhiễm trước đó thông qua quá trình phục hồi, tiêm phòng hoặc cả hai đều mang lại một số biện pháp bảo vệ chống lại bệnh nghiêm trọng. Ngoài ra, có những phương pháp điều trị dành cho những người có nguy cơ cao. Ví dụ, thuốc kháng virus Paxlovid làm giảm khoảng 80% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong nếu được dùng trong vòng năm ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng. Tại thời điểm này, khi có khả năng miễn dịch rộng rãi cũng như vaccine và phương pháp điều trị được phổ biến rộng rãi, việc tuyên bố chính thức kết thúc đại dịch là hợp lý.

Tuy nhiên, theo TS Wen, điều đó không có nghĩa dịch COVID-19 không còn là mối đe dọa nữa hoặc sẽ không còn trong tương lai, mà cần được hiểu như cách chúng ta ứng xử với những căn bệnh hiểm nghèo khác. Mọi người vẫn phải theo dõi các biến thể mới và nỗ lực ngăn ngừa cũng như điều trị, tập trung vào việc bảo vệ những cá nhân dễ bị tổn thương nhất.

TS Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, từng là điều phối viên các nỗ lực chống dịch của Nhà Trắng, cảnh báo cần thận trọng, rằng các tuyên bố của WHO và Mỹ chỉ chấm dứt bản chất khẩn cấp của đại dịch, không có nghĩa là mọi người nên ngừng tiêm vaccine hay ngừng đeo khẩu trang.•

Bài học ba năm qua và khuyến cáo cho thời gian tới

Trao đổi với CNN, TS Leana Wen cho rằng ba năm đại dịch đã mang lại một số bài học quan trọng. Trước hết, nhiều người chưa có niềm tin vào vaccine, rất nhiều người 65 tuổi trở lên từ chối tiêm vaccine. Thời gian tới triển khai tốt hơn cả vaccine và phương pháp điều trị cho những người có nguy cơ cao. Cần phát triển các loại vaccine tốt hơn, cải thiện các phương pháp điều trị. Tiếp tục đầu tư vào các nỗ lực giám sát để nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn các biến thể đáng lo ngại.

Thứ hai, ba năm qua cho thấy mức độ sức khỏe cộng đồng phụ thuộc vào niềm tin của người dân. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra nếu có một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm khác với sự xói mòn niềm tin vào các biện pháp y tế công cộng hiện có.

Thứ ba, đại dịch bộc lộ nhiều vấn đề với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tình trạng khẩn cấp cho phép thực hiện một số biện pháp khắc phục tạm thời, như cung cấp dịch vụ chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân COVID-19 và mở rộng phạm vi bảo hiểm. Tình trạng khẩn cấp kết thúc có nghĩa là các biện pháp bảo vệ này sẽ chấm dứt và sẽ khiến hàng triệu người dễ bị tổn thương. Khuyến cáo là cấp bách phải cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm