Chậm thi hành án, dân kiện được không?

Bà Phạm Thị B. (Cai Lậy, Tiền Giang) có vườn nằm sau vườn của ông Lê Văn T. và bị bao bọc bởi các bất động sản khác liền kề. Từ trước tới nay, để ra đường công cộng, gia đình bà B. phải đi theo con đường ngang đất ông T. và bà H. Lối đi này được xác định có từ trước năm 1975. Tuy nhiên, sau này khi đi đăng ký quyền sử dụng đất, ông T. kê khai cả con đường và rào lại, không cho gia đình bà B. sử dụng.

Không chịu cưỡng chế

Không còn đường nào khác để đi, bà B. đã nhiều lần thương lượng với ông T. và bà h. xin mở lại lối đi và đồng ý bồi thường thiệt hại. Lối đi qua phần đất bà h., đôi bên đã thỏa thuận được bằng văn bản. Riêng lối đi qua phần đất ông T. không thỏa thuận được nên bà B. khởi kiện ra tòa xin mở lối đi.

Trong tháng 8-2011 và tháng 3-2012, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã buộc ông T. và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mở cho bà B. một lối đi có chiều ngang 1,5 m, dài 40,54 m. Ngược lại, bà B. phải trả cho ông T. 11 triệu đồng.

Tháng 5-2012, bà B. đã đóng đầy đủ khoản tiền trên cho Chi cục THA huyện Cai Lậy. Từ đó đến nay, bà vẫn chưa có lối đi vì ông T. không chịu THA. Theo luật, gặp trường hợp này, chi cục THA có quyền thẳng tay cưỡng chế. Thực tế, cơ quan này cũng đã có quyết định cưỡng chế nhưng sau đó lại hoãn để... xin ý kiến Huyện ủy và UBND huyện. Thế rồi dù Huyện ủy và UBND huyện đồng ý cho thi hành nhưng chi cục THA lại lấy lý do phải chờ... Ủy ban MTTQ và Hội Cựu chiến binh huyện đến vận động ông T. tự nguyện thi hành. Kết quả là cho đến hôm nay vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Mặc dân khiếu nại

Vụ khác, năm 1974, mẹ bà Hồ Thị K.h. mua một căn nhà ba gian lợp tôn nằm trên diện tích đất hơn 1.080 m2 (nay thuộc TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) và đã được chứng thực quyền sở hữu hợp pháp. Do gia đình sinh sống ở TP.HCM nên năm 1984, mẹ bà H. cho ông Nguyễn Văn Ch. (cháu gọi bằng cô) đến ở và trông coi.

Năm 1998, mẹ bà H. mất. Hai năm sau, với tư cách là người thừa kế, bà H. đòi ông Ch. trả lại nhà, đất nhưng không được. Tháng 7-2001, bà H. khởi kiện ra TAND thị xã Bảo Lộc đòi lại tài sản. Năm 2005, TAND tỉnh Lâm Đồng xử phúc thẩm đã buộc gia đình ông Ch. phải tháo dỡ nhà, giao lại đất và nhà cũ cho bà H. Bà H. có quyền liên hệ với cơ quan chức năng để được cấp giấy hồng theo quy định. Tòa cũng ghi nhận bà H. hỗ trợ cho ông Ch. hai lượng vàng và buộc bà thanh toán cho ông Ch. hơn 7,6 triệu đồng tiền hai giếng nước và bể nước.

Sau đó, bà H. đến cơ quan THA thị xã Bảo Lộc thực hiện đầy đủ các quyết định của bản án phúc thẩm nhưng chờ mãi vẫn không thấy phía ông Ch. giao lại nhà, đất. Tháng 9-2006, bà nộp đơn yêu cầu cưỡng chế THA nhưng hơn một năm rưỡi sau, cơ quan THA thị xã cũng không ra quyết định cưỡng chế.

Bà H. khiếu nại về việc chấp hành viên kéo dài thời gian THA, được thủ trưởng cơ quan THA chấp nhận một phần nội dung khiếu nại. Theo cơ quan này, việc thi hành bản án có phần chậm là do phải thuyết phục nhiều lần để phía gia đình ông Ch. tháo dỡ nhà, giao đất, tránh cưỡng chế, mặt khác diện tích đo lại có phần chênh lệch. Nay bà H. đã thống nhất nhận phần diện tích đất theo thực trạng, không tranh chấp về ranh đất nên cơ quan THA sẽ cưỡng chế đất giao lại cho bà.

Dù cơ quan THA hứa hẹn như vậy nhưng rồi mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Bà H. lại tiếp tục khiếu nại khắp nơi. Tháng 9-2009, chủ tịch UBND TP Bảo Lộc ký văn bản với nội dung chỉ đạo THA nhưng rồi cũng không ăn thua vì cơ quan THA vẫn không chịu tiến hành cưỡng chế theo luật.

Kiện đòi bồi thường: Rất khó

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho biết hành vi, quyết định của chấp hành viên, cơ quan THA dân sự không phải là đối tượng khởi kiện hành chính, không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa bằng vụ án hành chính. Do vậy, người bị chấp hành viên, cơ quan THA thiếu trách nhiệm, chậm trễ THA chỉ có thể khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), để người dân kiện được phía cơ quan THA đòi bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là rất khó. Bởi theo luật này, trước hết người dân phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của chấp hành viên hay cán bộ cơ quan THA. Mà thực tế, trong rất nhiều vụ chậm THA như hai vụ việc kể trên, người dân có khiếu nại bao nhiêu đi nữa cũng như “nước đổ lá môn”, làm gì có cơ quan nào ra “văn bản xác định sai phạm” này. Mặt khác, người dân còn phải chứng minh được có thiệt hại xảy ra bằng các chứng cứ cụ thể. Đây là điều không dễ bởi thiệt hại thì có thể thấy nhưng lại khó cân đo đong đếm.

Theo luật sư Đức, nên sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng bỏ quy định phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ khi người dân khởi kiện. Chuyện đúng sai như thế nào, có thiệt hại hay không, thiệt hại bao nhiêu là chuyện để tòa xem xét. Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi của những người được THA trong các trường hợp cơ quan THA thiếu trách nhiệm, chưa làm tròn chức trách.

HOÀNG YẾN

 

Các quy định liên quan

Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của luật này.

(Theo khoản 1 Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)

Văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

(Theo khoản 3 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm