Sự chú ý đang dồn về TS Muhammad Yunus sau quyết định của Tổng thống Bangladesh - ông Mohammed Shahabuddin ngày 7-8 bổ nhiệm nhân vật này làm cố vấn trưởng của chính phủ lâm thời Bangladesh.
Theo tờ Prothom Alo, quyết định bổ nhiệm được đưa ra trong cuộc họp tại dinh tổng thống giữa tổng thống Bangladesh, các chỉ huy của các lực lượng vũ trang, các lãnh đạo sinh viên, cùng nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp, một ngày sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước.
Vậy TS Muhammad Yunus là ai?
Chủ nhân của giải Nobel Hòa bình
TS Muhammad Yunus là chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2006. Ông Yunus là nhân vật tiên phong trong lĩnh vực tài chính vi mô ở Bangladesh.
Theo tờ The Washington Post, ông Yunus sinh năm 1940 tại TP cảng Chittagong (Bangladesh).
Năm 1960, ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại ĐH Dhaka (Bangladesh) và nhận bằng thạc sĩ chỉ một năm sau đó. Những năm 1960, ông sang Mỹ du học theo Học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ và tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại ĐH Vanderbilt (Mỹ) vào năm 1971.
Ông Yunus là người ủng hộ mạnh mẽ cho nền độc lập của Bangladesh trong cuộc chiến tranh Bangladesh - Pakistan năm 1971 bằng cách tập hợp sự ủng hộ của người dân Bangladesh sống tại Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp, TS Yunus về nước và giảng dạy kinh tế tại ĐH Chittagon (miền nam Bangladesh). Trong khoảng thời gian này, ông đã chứng kiến đời sống khó khăn của người dân Bangladesh, bao gồm giai đoạn xảy ra nạn đói năm 1974.
Năm 1983, ông Yunus thành lập Ngân hàng Grameen (“Ngân hàng của làng quê”) để cung cấp những khoản vay nhỏ cho những người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, không có tài sản thế chấp. Hệ thống ngân hàng của ông hoạt động dựa sự tin tưởng lẫn nhau giữa những người trong cùng địa phương.
Sự tăng trưởng đều đặn của Ngân hàng Grameen trong những thập niên tiếp theo đã truyền cảm hứng cho các dự án tài chính vi mô ở hàng chục quốc gia và nhận được lời khen ngợi từ các nhà lãnh đạo thế giới.
Ngân hàng này đã giúp TS Yunus giành Giải thưởng Nobel hòa bình năm 2006. Vào thời điểm ông nhận Giải Nobel Hòa bình, đã có hơn 7 triệu người được cấp vốn nhờ Ngân hàng Grameen. Hơn 95% các khoản vay của ngân hàng được chuyển cho phụ nữ hoặc các nhóm phụ nữ.
Ủy ban Giải Nobel Hòa bình khi đó đã ghi nhận ông Yunus và Ngân hàng Grameen của ông “vì những nỗ lực tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội bắt đầu từ tầng lớp khó khăn”.
Bất đồng với cựu thủ tướng Hasina
Với sự thành công của Ngân hàng Grameen, uy tín của ông Yunus ngày càng tăng cao trên trường quốc tế và trong nước. Lúc này ông Yunus vẫn xa lánh con đường chính trị nhưng sau đó ông đã thay đổi quyết định này.
Năm 2007, TS Yunus thành lập một đảng chính trị với mong muốn tìm một giải pháp cho tình trạng tham nhũng trong nước. Dù về sau ông đã từ bỏ ý định này nhưng ý tưởng của ông được cho là đã xúc phạm một số nhân vật quyền lực trong nước, bao gồm bà Hasina - người đắc cử thủ tướng Bangladesh năm 2008.
Năm 2008, chính quyền bà Hasina đã mở cuộc điều tra về ông Yunus, cáo buộc ông sử dụng vũ lực và các biện pháp khác để thu hồi các khoản vay từ những phụ nữ nông thôn nghèo khó. Ông Yunus đã phủ nhận cáo buộc.
Năm 2011, chính quyền bà Hasina bắt đầu xem xét các hoạt động của Ngân hàng Grameen và cách chức ông Yunus khỏi vị trí người đứng đầu của ngân hàng này.
Ông Yunus bị đưa ra xét xử vào năm 2013 với cáo buộc nhận tiền mà không có sự cho phép của chính phủ, bao gồm cả tiền từ Giải Nobel và tiền bản quyền một quyển sách mà ông đã viết.
Sau đó, ông Yunus đã phải đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến các công ty khác của ông.
Đầu năm nay, một tòa án đặc biệt tại Bangladesh đã truy tố ông Yunus và 13 người khác về tội biển thủ 2 triệu USD. Ông không nhận tội và hiện đang được tại ngoại.
Theo The Washington Post, dưới thời bà Hasina, ông Yunus đã phải đối mặt với hơn 100 vụ kiện về rửa tiền, vi phạm luật lao động và luật hưu trí, cùng nhiều cáo buộc khác.
Trả lời phỏng vấn với The Washington Post hôm 5-8, một ngày trước khi được bổ nhiệm làm cố vấn trưởng của chính phủ lâm thời Bangladesh, ông Yunus nói rằng ông hy vọng các “vụ kiện giả mạo” sẽ bị hủy bỏ sau khi bà Hasina bị lật đổ.
“Hôm nay chúng ta được tự do. Một thế lực mới đã xuất hiện: thế hệ những người trẻ tuổi” - ông Yunus nói.
Bà Hasina từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp cả nước liên quan quyết định của chính phủ về hạn ngạch tuyển công chức.
Hầu hết những người biểu tình thuộc tầng lớp sinh viên. Hôm 6-8, những người biểu tình đã gặp tổng thống Bangladesh và các quan chức cấp cao của nước này để đề cử ông Yunus làm nhà lãnh đạo chuyển tiếp của Bangladesh.