Trung Đông đang đứng trước bờ vực của một cuộc xung đột toàn diện sau sự việc lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ngay tại thủ đô Tehran (Iran).
Israel không nhận trách nhiệm vụ tấn công, song cả Hamas và Israel đều cáo buộc Israel đứng sau vụ việc và thề sẽ đáp trả kiên quyết.
Bên cạnh đó, nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) cũng tuyên bố sẽ đáp trả Israel “bất chấp hậu quả” liên quan vụ Israel không kích giết chết một chỉ huy cấp cao của nhóm này hồi cuối tháng 7.
Những diễn biến trên làm dấy lên lo ngại về các tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với thị trường vàng, năng lượng toàn cầu trong bối cảnh tình hình khu vực vô cùng căng thẳng.
Giá vàng chưa bị ảnh hưởng
Theo hãng tin Reuters, giá vàng thế giới chiều 6-8 (giờ Mỹ, rạng sáng 7-8 giờ Việt Nam) tiếp đà giảm, với vàng giao ngay giảm 0,6% xuống còn 2.393,98 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.432,1 USD/ounce, giảm 0,5% xuống còn 2.431,60 USD/ounce.
Giá vàng giảm trong thời gian gần đây do sự phục hồi của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Cụ thể, chỉ số US Dollar Index tăng 0,29% trong ngày khiến vàng thỏi được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên khó mua hơn đối với người mua ở nước ngoài. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng.
Trong phiên giao dịch trước đó, giá vàng đã giảm 1,5% do đợt bán tháo toàn cầu trong bối cảnh mối lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục.
Reuters dẫn lời bà Amelia Xiao Fu - Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng đầu tư BOCI (Trung Quốc) rằng thị trường vàng vẫn còn một số yếu tố có thể kéo giá giảm, bao gồm sự mạnh lên của đồng USD.
Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông chưa tác động đến giá vàng. Song yếu tố này cũng được cho là sẽ hỗ trợ đẩy giá vàng thế giới vì làm tăng sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Giá dầu quay đầu giảm
Theo trang web theo dõi giá dầu oilprice.net, giá dầu thô Brent và WTI cùng giảm nhẹ cuối phiên giao dịch ngày 6-8, rạng sáng 7-8 (giờ Việt Nam).
Theo đó, giá dầu thô Brent giảm 0,67% so với phiên giao dịch trước đó, xuống còn 76.3 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI 0,63%, xuống còn 72.85 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu đã tăng nhẹ khoảng 1 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu ngày 6-8 xuất phát từ lo ngại rằng leo thang căng thẳng Trung Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu.
Tương tự giá vàng, nỗi lo về căng thẳng Trung Đông chưa thúc đẩy giá dầu tăng cao. Trong các phiên giao dịch gần đây, giá dầu vẫn ở mức thấp xuất phát từ lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, và sức mua hạn chế của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên theo ông Hiroyuki Kikukawa, Chủ tịch của NS Trading (một đơn vị thuộc công ty chứng khoán Nissan Securities (Nhật)), tình hình ở Trung Đông có thể thúc đẩy nhu cầu mua dầu do lo ngại khan hiếm nguồn cung. Tác động ngắn hạn hay lâu dài phụ thuộc vào quy mô của đòn trả đũa và phản ứng của Israel.
Giới quan sát lo ngại thời gian tới các đòn trả đũa của Iran có thể làm gián đoạn dòng chảy dầu qua Eo biển Hormuz, nơi khoảng 30% lượng dầu của thế giới đi qua. Bất kỳ mối đe dọa nào đối với tuyến đường này đều có thể gây ra sự gia tăng đáng kể về giá dầu do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung.
Bên cạnh tình hình Trung Đông, sản lượng thấp hơn tại mỏ dầu Sharara (Libya) cũng làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya ngày 6-8 thông báo sẽ bắt đầu giảm dần sản lượng tại mỏ này do các cuộc biểu tình.